Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tập đoàn nghìn tỷ của nữ chủ tịch Vimedimex

Hệ sinh thái kinh doanh của bà Nguyễn Thị Loan mở rộng nhanh chóng từ lĩnh vực dược phẩm đến tài chính và bất động sản thông qua nhiều pháp nhân riêng biệt.

Tối 9/11, Công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) - về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.

Theo thông tin điều tra ban đầu, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu, công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó các đơn vị bị cáo buộc đã dùng nhiều thủ đoạn thông đồng để hạ mức giá thẩm định một số thửa đất còn hơn 17 triệu đồng/m2, sau đó phê duyệt mức giá sàn hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá.

Bà Nguyễn Thị Loan bị tình nghi đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá, đồng thời chi phối công ty cấp dưới rồi trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Một tháng sau khi trúng đấu giá, công ty của bà Loan đã bán lại các thửa đất với giá hơn 110 triệu đồng/m2.

Nữ doanh nhân có tiếng

Bà Nguyễn Thị Loan sinh ngày 21/6/1970 tại Thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Bà có bằng tiến sỹ kinh tế tại Đại học Kinh tế quốc dân. Đây là nữ doanh nhân có tiếng trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, tài chính, bất động sản.

Bà bắt đầu công việc trong ngành tài chính khi làm kế toán viên cho Công ty TNHH Thịnh Phát (1991-1992). Giai đoạn 1993-1994, bà Loan đảm nhận vai trò kế toán trưởng của Công ty Thịnh Phát.

Sau đó nữ doanh nhân tham gia lĩnh vực ngân hàng khi có thời gian gắn bó 12 năm tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trải qua nhiều vị trí từ chuyên viên đến trưởng phòng.

Giai đoạn 2007-2008, sau khi rời BIDV, bà Loan tiếp tục tham gia sâu vào lĩnh vực tài chính khi tham gia đầu tư vào Công ty cổ phần Chứng khoán Hoà Bình (Mã chứng khoán: HBS) và nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT từ năm 2008 đến nay.

Vài tháng sau khi Chứng khoán Hòa Bình được thành lập, doanh nghiệp này đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (Mã chứng khoán: VMD) tháng 8 năm 2008. Đây cũng là 2 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán có liên quan đến bà Loan.

Với riêng VMD, ban đầu đây là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1984 và được cổ phần hóa vào năm 2006. Bà Loan bắt đầu có vai trò ủy viên HĐQT vào năm 2009 và sau đó trở thành chủ tịch HĐQT từ năm 2012 đến nay.

Nhà nước từ việc sở hữu 51% vốn VMD sau khi cổ phần hóa đã liên tục giảm tỷ lệ sở hữu nhanh chóng trong giai đoạn 2008 - 2010 do bị pha loãng cổ phiếu sau nhiều lần phát hành tăng vốn.

Hiện nhóm của bà Nguyễn Thị Loan đang nắm quyền chi phối khi có hơn 53% vốn VMD, công ty hàng đầu về lĩnh vực nhập khẩu, phân phối dược phẩm trong nước với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đế chế dược phẩm, bất động sản, tài chính

Công ty Y dược phẩm Vimedimex sau cổ phần hóa có sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2006-2012, trong dó doanh thu năm 2012 đạt gần 9.000 tỷ và có lãi 22 tỷ đồng.

Tuy nhiên doanh nghiệp này thực sự "lột xác" sau khi bà Loan lên nắm quyền chủ tịch HĐQT. Quy mô doanh thu của VMD liên tục tăng trưởng và đạt hơn 18.000 tỷ đồng trong các năm gần đây.

Đây là con số cao nhất trong số các công ty dược phẩm đang niêm yết. Cộng doanh thu của nhóm công ty hàng đầu khác như Dược Hậu Giang, Pymepharco, Traphaco, Dược phẩm Imexpharm cũng chỉ đạt tổng cộng hơn 9.500 tỷ đồng, tức chỉ bằng phân nửa Vimedimex.

Vimedimex là công ty chuyên về phân phối dược phẩm, nhất là thuốc nhập khẩu; trong khi các đơn vị còn lại đặt trọng tâm ở phân khúc sản xuất thuốc (biên lợi nhuận tốt hơn).

Tuy nhiên cũng bởi mô hình phân phối dược phẩm, biên lợi nhuận của Vimedimex ở mức rất thấp. Lợi nhuận sau thuế hàng năm của của công ty hàng năm chỉ quanh 30 tỷ đồng, riêng năm ngoái ghi nhận mức lãi kỷ lục hơn 37 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2021, công ty báo cáo doanh thu 7.604 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhờ tiết giảm chi phí giúp lợi nhuận sau thuế vẫn tăng nhẹ 3% lên hơn 19 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm.

 

Như tại Chứng khoán Hòa Bình, nữ doanh nhân giữ vai trò chủ tịch HĐQT từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên hoạt động của công ty này không mấy nổi bật với doanh thu năm ngoái chỉ quanh 13 tỷ đồng và có lãi 4,5 tỷ đồng.Với thành công của lĩnh vực dược phẩm, bà Loan rất nhanh chóng dùng VMD làm đòn bẩy để từ đó phát triển Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) với hệ sinh thái bao gồm tài chính, y dược và bất động sản.

Dù vậy, cổ phiếu HBS có mức tăng giá 270% kể từ đầu năm lên 14.800 đồng mỗi đơn vị. Nhờ đó giá trị vốn hóa của Chứng khoán Hòa Bình cũng tăng tương ứng lên gần 500 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực bất động sản, Vimedimex Group nơi bà Loan giữ vai trò chủ tịch HĐQT cũng đang sở hữu thương hiệu bất động sản Vimefulland với hàng loạt dự án như Iris Garden, Eden Rose, The Emerald, The Lotus Center, Iris Garden, Athena Fulland... chủ yếu thuộc khu vực TP Hà Nội.

Bên cạnh việc triển khai các dự án thì tập đoàn này cũng mở rộng mạnh quỹ đất, đáng chú ý là thương vụ mua lại một phần dự án Ciputra gồm lô đất TM01, CT05, CT06 có tổng diện tích 79.629 m2. CTCP bất động sản Thanh Trì cuối năm 2019 cũng đặt cọc mua lại lô đất BT05 tại Ciputra với quy hoạch 81 căn nhà ở thấp tầng trên diện tích gần 14.000 m2.

Vimedimex Group còn thông qua CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm dự án tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên dài 1,65 km để đổi lấy 60 ha đất đối ứng ở ba khu vực “đất vàng” của quận Hoàng Mai theo dự án BT.

Ngoài những pháp nhân cốt lõi đã được đề cập ở trên, một loạt các doanh nghiệp khác do bà Loan làm người đại diện pháp luật phải kể tới như Công ty TNHH - Trung tâm Phân phối Dược phẩm Vimedimex, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Quốc tế, Công ty TNHH Bất động sản Vimedimex Hòa Bình, Công ty Cổ phần Dược phẩm Y tế Vime Saint Paul.

Trước đó, bà Loan cũng từng có thời gian làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á (VietABank) giai đoạn 2011-2013.

Hiện nay Vimedimex Group hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tức lớn gấp 20 lần VMD đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngoài ra Vimedimex 2 - cổ đông đang sở hữu hơn 45% cổ phần tại VMD - cũng do bà Nguyễn Thị Loan làm chủ tịch HĐQT với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Ngoài cổ phiếu HBS tăng đột biến từ đầu năm thì cổ phiếu VMD cũng gây ấn tượng không kém. Mã chứng khoán ngành dược này vừa có chuỗi 4 phiên tăng trần lên mức 46.250 đồng/cổ phiếu vào ngày 9/11, đưa vốn hóa VMD lên trên 700 tỷ đồng. Tổng vốn hóa 2 doanh nghiệp đang niêm yết này đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nguồn: Zing News

Tin mới