Băng ở Greenland là nguyên nhân chính khiến nước biển dâng. Nghiên cứu mới đây cho thấy số băng này đang tan nhanh hơn dự kiến.
Theo CNN, băng ở Greenland tăng nhanh kể từ năm 1990. Khu vực này mất nhiều băng hơn trong năm 2019 so với bất cứ năm nào được ghi nhận.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc dự án "Black and Bloom" của Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Anh dựng các trạm nghiên cứu ở khu vực này vào năm 2016 để nghiên cứu tác động các vi sinh vật lên băng.
Bề mặt lớp băng ở Greenland bị bao phủ bởi một loại tảo làm băng tan nhanh hơn. (Ảnh: Joseph Cook)
Từ đó, họ phát hiện bề mặt lớp băng ở Greenland bị bao phủ bởi một loại tảo làm băng tan nhanh hơn. Loại tảo này tạo ra sắc tố hoạt động như "kem chống nắng tự nhiên", bảo vệ chúng khỏi ánh nắng Mặt trời. Tuy nhiên, sắc tố này làm lớp băng bên dưới tan chảy.
“Điều này cũng tương tự như khi con người cảm hơn nóng hơn nếu mặc áo đen trong ngày nắng thay vì áo trắng. Loại tảo này giống như chiếc áo thun đen cho sông băng khiến nó nóng lên dưới ánh nắng mặt trời và tan chảy nhanh hơn”, nhà nghiên cứu băng Joseph Cook thuộc dự án "Black and Bloom" cho hay.
Nghiên cứu của ông Cook và các đồng nghiệp cho thấy loại tảo này đóng góp 13% vào lượng băng tan ở Greenland. Tại một số điểm, nó khiến băng tan nhanh hơn tới 26%.
Băng của Greenland cũng đang bị đe dọa bởi các dạng sống cực nhỏ khác phát triển mạnh trên bề mặt băng. Theo đó, một số loại vi khuẩn sống trên mặt băng khiến trầm tích hình thành, tạo ra cái được gọi là lỗ cryoconite trên bề mặt băng. Có những lỗ có thể phát triển tới đường kính lên tới 0,5 m.
Sự phát triển mạnh mẽ của các lỗ cryoconite góp phần đẩy nhanh tốc độ tan băng ở Greenland. "Tới nay, người ta vẫn cho rằng các dải băng, sông băng không hề tồn tại sự sống. Nhưng dưới lăng kính hiển vi, cụ thể là với băng Greenland, chúng tại là rừng mưa băng với sự đa dạng sinh học", ông Cook cho hay.