Khi thanh chắn trở thành nhu cầu cấp thiết
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong năm 2015, trên cả nước có tới 405 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 218 người, bị thương 239 người, thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Các vụ giao thông diễn ra chủ yếu ở những điểm giao cắt với đường sắt, không có thanh chắn báo hiệu.
Trên cả nước có hàng ngàn giao lộ như vậy. Để đảm bảo an toàn chuyển động của đoàn tàu và các phương tiện đường bộ, đường ngang được trang bị phòng vệ để đóng đường ngang, ngăn các phương tiện của đường bộ khi tàu tới gần. Đường ngang có người gác được trang bị cần chắn, có đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, có tín hiệu ngăn đường phía đường sắt hoặc không có tín hiệu ngăn phía đường sắt, có biển báo hiệu, có cọc tiêu hoặc hàng rào, có vạch kẻ đường. Đường ngang không có người gác thường được trang bị cần chắn tự động, có đèn báo hiệu trên đường bộ, chuông điện, không có tín hiệu ngăn đường phía đường sắt, có biển báo hiệu, có cọc tiêu hoặc hàng rào, có vạch kẻ đường.
Ngành đường sắt không có đủ người gác ghi (người đứng đóng, mở thanh chắn đường sắt) ở tất cả các giao lộ này nên việc có được hệ thống thanh chắn tự động thật sự là điều vô cùng cần thiết. Cần chắn tự động là loại hình thiết bị tiên tiến nhất để phòng vệ đường ngang, được xây dựng như một bước bổ sung các cần chắn vào hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động. Vì các cần chắn tự động hạ xuống đầu người qua đường và chiều dài cần không thể chắn hết mặt đường bộ (phần đường xe chạy) nhằm để cho xe cộ đã lọt vào đường ngang có lối thoát ra khỏi đường ngang.
Có nên tạo ra quy chuẩn cho thanh chắn đường ngang?
Theo quy định, thanh chắn của hệ thống cần chắn được từ 1/2 đến 2/3 phần đường phía bên phải của đường bộ sao cho phần còn lại phía bên trái của đường bộ không nhỏ hơn 3m. Thanh chắn của cần chắn được bố trí wor độ cao 1 – 1,25m tính từ mặt đất và có thể quay lên bằng động cơ điện với góc 90 độ. Trên cột có lắp các đèn hiệu đường ngang, chuông, biển báo hiệu hình chữ X, trên thanh chắn có lắp 3 đèn tín hiệu.
Để đảm bảo an toàn chuyển động của đoàn tàu và các phương tiện đường bộ, đường ngang được trang bị phòng vệ thanh chắn, ngành đường sắt đã tiến hành lắp đặt các rào chắn bằng cọc bê tông hoặc thanh ray cũ ngay tại các đường ngang không phép. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án mang tính tạm thời bởi theo thời gian ngắn, những “rào chắn” này sẽ xuống cấp, bị phá bỏ và phát sinh thêm những đường ngang mới gần đó. Bởi vậy, phương án sử dụng thanh chắn đường ngang tự động đã được đưa vào sử dụng.
Hiện tại, trên thị trường đang có một số loại thanh chắn đường ngang đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam với mức giá khác nhau. Đơn cử, loại chuyên dụng (thủy lực) của Italy Model TD96/2 giá 164.000.000 đồng/cái đã được lắp thử nghiệm tại Thanh Hóa; loại đường ngang thông thường (động cơ điện) Open 4.000 của Italy hiện đang được lắp phổ biến ở cả 3 miền trên cả nước với giá 39.000.000 đồng/cái, loại cần dài 4m; loại chuyên dụng (động cơ điện) CG107-1 của Nhật Bản hiện đang lắp đặt ở một đường ngang tại TP HCM có giá thành lên tới 184.000.000 đồng/cái với loại cần dài 4m.
Trong đó, loại Barrier Wegh-PL TD96/2 của Italy mới được thử nghiệm lắp đặt tại Thanh Hóa với chi phí lên tới 164.000.000 đồng/cái. Loại thanh chắn này được các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng bởi đây là thiết bị điện – thủy lực vô cùng phức tạp, phí duy tu và bảo dưỡng rất cao, tốn kém về ngân sách.
Với diễn biến phức tạp của tai nạn đường sắt như hiện nay, an toàn đường ngang không còn là vấn đề của ngành đường sắt nữa mà là của toàn xã hội. Lựa chọn loại đường ngang nào (chuyên dụng hay thông thường) là vấn đề cấp thiết cần được các bộ ban ngành liên quan đưa ra ý kiến.