Đầu giờ sáng 4/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới lần đầu đạt mức cao không tưởng 2.300 USD/ounce, tăng 18 USD/ounce so với kỷ lục cũ 2.282 USD/ounce vừa lập trước đó 1 ngày.
Giá kim loại quý liên tục tăng thời gian gần đây và xô đổ các kỷ lục khiến nhiều người ngỡ ngàng. Mặc dù vậy, theo tờ Cbsnews, phần lớn các chuyên gia vẫn rất lạc quan về kim loại quý và đều đưa ra dự đoán giá vàng sẽ còn tăng. Alex Ebkarian, đồng sáng lập của Allegiance Gold, cho rằng: “Vàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức rất cao trong năm tới và có thể cao hơn trong những năm tiếp theo”.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group ở Fairfield, NJ, cho biết: “Chúng tôi tự tin rằng giá vàng sẽ tăng cao hơn trong năm nay. Việc cắt giảm lãi suất sẽ là yếu tố thuận lợi cho vàng cũng như USD sẽ yếu hơn nếu điều đó thành hiện thực".
Việc cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed, cùng với tình trạng bất ổn địa chính trị tiếp diễn khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Điều này đẩy nhu cầu về vàng tăng cao.
Phần lớn các chuyên gia đều nhận định giá vàng sẽ tăng trong thời gian tới. (Ảnh: Cbsnews)
Theo báo cáo từ JPMorgan, giá vàng sẽ tăng đều đặn qua quý cho đến khi đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2025. Hiện tại, vàng đang giao dịch trên 2.250 USD/ounce, đã vượt qua dự đoán của JPMorgan trong năm nay.
Nick Fulton, đối tác quản lý tại USA Pawn và chủ tịch Hiệp hội cầm đồ Mississippi, nhận định: “Nhiều người cho rằng giá vàng sẽ sụt giảm khi đạt mức 2.000 USD/ounce. Nhưng rõ ràng họ đã sai. Trong 6 tháng qua, vàng đã tăng gần 17% giá trị".
Dù giá vàng đang ở mức cao nhất mọi thời đại song nhiều nhà quan sát thị trường vẫn chú ý đến vàng. Tim Hayes, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Ned Davis Research, viết trong một ghi chú gần đây rằng mặc dù kịch bản kinh tế hiện tại là tốt cho chứng khoán nhưng vàng còn lạc quan hơn.
Hayes cho biết, ngoài làn sóng dâng cao, đồng USD suy yếu và lãi suất trái phiếu giảm cũng thúc đẩy giá vàng tăng cao thời gian gần đây.
Và với việc Cục Dự trữ Liên bang Fed dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, triển vọng về vàng đang ngày càng tươi sáng hơn. Lãi suất càng giảm, cơ hội cho các nhà đầu tư nắm giữ vàng càng thấp, vốn không phải trả lãi. Hayes nói: “Chúng tôi tiếp tục lạc quan về giá vàng".
Tại Việt Nam, giá vàng hôm nay 4/4 tăng mạnh, gần 1 triệu đồng/lượng theo đà tăng phi mã của giá vàng thế giới.
Cụ thể, 10h sáng nay, giá vàng miếng được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 79,4 - 81,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 79,8 - 81,8 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng 700.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn sáng nay tiếp tục tăng cao. Vàng nhẫn tại Doji niêm yết ở mức 71 - 72,4 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn tại SJC niêm yết ở mức 70,8 - 72,05 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng trong nước hôm nay tăng mạnh. (Ảnh: Minh Đức).
Tuy giá đã tăng mạnh nhưng theo nhận định nhiều chuyên gia, thị trường vàng trong nước đang khá bình ổn. Thậm chí, diễn biến những ngày vừa qua vẫn có phần trái ngược với thế giới.
Cụ thể, khi mà giá vàng thế giới gần đây liên tục tăng phi mã, với mức tăng lên đến vài chục USD/ounce thì giá vàng trong nước ít biến động mạnh, khác hẳn với trước kia là liên tục tăng theo thế giới.
Giá vàng trong nước đang dần trở nên ổn định sau một thời gian tăng "nóng" do nhiều động thái từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28/9 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, thị trường vàng miếng đã được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.
Trong nhiều thời điểm, giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ như trước đây. Thói quen, nhận thức của người dân với vàng miếng có sự thay đổi, một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Những điều này chứng tỏ mục tiêu "chống vàng hóa" đã thành công. Các chuyên gia vì thế đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhiều lần chỉ đạo liên quan đến việc quản lý, ổn định thị trường vàng.
Trong công điện mới nhất ngày 20/3/2024, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để thực hiện ngay các giải pháp bình ổn trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, theo nguyên tắc thị trường nhằm xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao.
Đồng thời, thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý.