Theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở tăng từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm. Mức vay này tương đương lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại.
Chị Trần Thị Hoa (Hà Nội) tâm sự, chị đang có khoản nợ 1 tỷ đồng vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với mức lãi tăng lên từ ngày 1/8 là 6,6%, số tiền phải trả mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 18 triệu đồng.
“Tôi mua căn hộ có diện tích 60m2 với giá hơn 1,5 tỷ đồng, vay của ngân hàng 1 tỷ đồng, mỗi năm trả lãi khoảng 48 triệu đồng, trong vòng 15 năm. Tôi luôn nghĩ khoản vay mua nhà ở xã hội sẽ cố định lãi suất. Vì vậy, khi thấy ngân hàng thông báo lãi suất sẽ tăng từ 4,8% lên 6,6%/năm, tôi rất bất ngờ và lo lắng. Với những người thu nhập thấp như tôi, chi tiêu luôn trong tình trạng phải co kéo để đủ cho cuộc sống, giờ lại thêm khoản nợ với lãi suất tăng thì thực sự là thêm gánh nặng”, chị Hoa giãi bày.
Giống chị Hoa, anh Nguyễn Văn Minh (quê Hưng Yên) cũng bày tỏ lo lắng và cho rằng lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 6,6%/năm là quá cao. Anh Minh lấy ví dụ, người mua nhà ở xã hội vay 1 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm. Giờ tăng thêm 1,8%, tương đương phải chi thêm hơn 18 triệu đồng/năm ngoài tính toán ban đầu, điều này là quá sức.
“Theo tôi, không nên tăng lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội vì người mua đều có thu nhập thấp, hàng tháng phải cân đối chi tiêu từng đồng, gánh thêm tiền lãi suất là rất khó khăn”, anh Minh bày tỏ.
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tăng khiến người mua nhà lo lắng.
Nhận định về mức lãi suất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, lãi suất 6,6%/năm là quá cao so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay tại các ngân hàng thương mại. Ông cho biết, hiện đang có ngân hàng thương mại cho vay tiêu dùng với mức cho vay có thể lên đến hàng tỷ đồng với lãi suất cho vay 4,2-5%/năm, không cần tài sản thế chấp mà chỉ cần chứng minh khả năng trả nợ.
Vì vậy, theo ông, mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại NHCSXH tầm 3 - 4,8%/năm là phù hợp.
“Việc áp dụng mức lãi suất vay 6,6%/năm từ ngày 1/8 là chưa phù hợp với bản chất khoản vay nhà ở xã hội và thậm chí cao hơn lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ đồng đã áp dụng trước đây chỉ là 5%. Nên giữ lãi vay 4,8%/năm với khoản vay mua nhà ở xã hội để giúp tạo sự ổn định, nhất là trong lúc người mua nhà cũng còn đang gặp nhiều khó khăn”, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.
Việc tăng lãi suất này theo ông Châu không phải chỉ khiến người vay mua nhà lo mà các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Châu phân tích, theo quy định của Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, để cho thuê mua thì lãi suất cho vay ưu đãi tại NHCSXH bằng 120% lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại NHCSXH để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ.
Như vậy, tính ra với lãi suất 6,6%, lãi suất cho vay với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua là 7,92%/năm. Ông Châu cho rằng lãi suất này chỉ thấp hơn một chút so với lãi suất vay 8%/năm hiện nay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và thấp hơn lãi suất vay tín dụng thương mại trước đây, nhưng vẫn là mức khá cao.
Theo ông Giang Anh Tuấn - Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh, việc tăng lãi suất cho vay lên 6,6%/năm đối với người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội là không hợp lý, sẽ đẩy người vay vào thế khó. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất thị trường hiện nay dù có tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, có ngân hàng ở mức dưới 5-6%/năm.
Mặt khác, gói cho vay mua nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng đang được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân. Hiện lãi vay mua nhà ở xã hội của gói này là 7,5%/năm, nếu giảm tiếp 3%/năm như mức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đề xuất thì chỉ còn quanh hơn 6%/năm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mức lãi suất mua nhà ở xã hội cần được cố định trong nhiều năm. Điều này sẽ mang lại sự an tâm cho người mua vì họ có thể sắp xếp kế hoạch tài chính dài hạn để trả nợ gốc và lãi. Nếu lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian đầu và sau đó thả nổi thì sẽ không còn ý nghĩa, người vay sẽ đối diện với rủi ro về tài chính khi lãi suất biến động.