Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tăng cường xử phạt nồng độ cồn, nhiều dân nhậu vẫn bất chấp

(VTC News) -

Mặc dù CSGT liên tục triển khai nhiều chốt kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn thế nhưng sau các cuộc liên hoan, nhiều dân nhậu vẫn cố tình lái xe.

Thời gian qua, lực lượng CSGT cả nước liên tục triển khai nhiều chốt kiểm tra, xử lý nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn. Thế nhưng, sau các cuộc liên hoan, nhiều dân nhậu vẫn bất chấp nguy hiểm, cố tình điều khiển phương tiện. Trước tình trạng này, lực lượng CSGT đã triển khai phương án hóa trang kết hợp công khai xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến đường có nhiều quán bia, hàng ăn... nhằm phát hiện, xử lý các tài xế vi phạm.

CSGT triển khai phương án xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến đường có nhiều quán bia, hàng ăn... nhằm phát hiện, xử lý các tài xế vi phạm.

20h ngày 14/3, Tổ công tác kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) bắt đầu triển khai nhiệm vụ tại đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm).

Sau 30 phút triển khai, chiến sĩ CSGT hóa trang, mật phục đã phát hiện một người đàn ông điều khiển ô tô từ một quán bia trên đường Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng. Bộ đàm thông tin vang lên, ngay lập tức, tổ công tác tiếp cận, dừng phương tiện và thực hiện kiểm tra nồng độ cồn.

Tài xế H. (SN 1976, trú tại Thái Bình) thừa nhận đã sử dụng rượu, bia, rồi tìm cách né tránh, liên tục xin không kiểm tra nồng độ cồn để tìm sự trợ giúp từ người thân. Sau khoảng 15 phút, tổ công tác yêu cầu tài xế H. chấp hành đo nồng độ cồn.

Qua kiểm tra, nam tài xế này vi phạm ở mức 0,073 mg/L khí thở. Tổ công tác của Đội CSGT số 6 đã lập biên bản xử phạt tài xế H. 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Đây chỉ là một trong các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông mà lực lượng chức năng gặp phải trong khi làm nhiệm vụ. Để tránh bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, các tài xế sử dụng nhiều cách từ dừng xe giữa đường, gọi điện thoại cho người thân để cầu cứu, thậm chí sẵn sàng bỏ chạy, lao xe vào tổ công tác hòng né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

CSGT triển khai phương án xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Trung úy Đặng Thái Thịnh, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) được phân công vào vị trí hóa trang, mật phục chia sẻ: “Công tác hóa trang của lực lượng CSGT để làm sao nắm bắt được các tình hình trên tuyến có nhiều quán nhậu để báo lại cho các lực lượng mặc quân phục xử lý triệt để những tình trạng lái xe cố tình vi phạm. Nếu như CSGT hóa trang không khéo hoặc bị các bảo vệ của nhà hàng phát hiện thì họ sẽ thông báo cho tài xế đi đường khác nên quá trình làm việc chúng tôi luôn phải đổi địa điểm, đổi tuyến đường”.

Còn tại nút giao Quán Sứ - Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một phần đường cũng được lực lượng chức năng ngăn dây phản quang để kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn. Tất cả người điều khiển phương tiện có biểu hiện đã sử dụng rượu bia đều được lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra.

Ngay sau khi triển khai công tác, lực lượng CSGT phát hiện một người đàn ông có dấu hiệu không làm chủ được phương tiện khi điều khiển xe. Trường hợp này đã được tổ công tác dừng xe và yêu cầu kiểm tra bằng máy đo nông độ cồn. Thế nhưng, trao đổi với lực lượng chức năng, người này vẫn khẳng định bản thân còn rất tỉnh táo dù sử dụng rượu bia.

“Tôi sinh năm 1974, sức của tôi thì tôi uống từ sáng nhưng giờ vẫn tỉnh, tí nữa tôi còn đi uống tiếp cơ. Tôi không sợ say vì biết mình là ai, 50 tuổi rồi không biết mình là ai thì tốt nhất nên ở nhà”, tài xế nói.

Chia sẻ với PV Kênh VOV Giao thông, Thiếu tá Nguyễn Văn Khương, Đội phó Đội CSGT đường sắt, tổ trưởng Y14/141 cho biết: Chỉ huy Phòng CSGT TP. Hà Nội quán triệt xử lý nghiêm, không có chuyện xin xỏ bỏ qua vi phạm, đặc biệt liên quan đến nồng độ cồn nên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm. Nhờ đó, tình trạng người vi phạm nhấc máy gọi người thân đã giảm hẳn, thậm chí người được gọi nhờ “cứu viện” cũng tỏ ra ái ngại không muốn làm việc này.

“Trong ca công tác hôm nay vẫn phát hiện người dân sử dụng rượu bia, tuy nhiên đã hạn chế được nhiều và ý thức người dân đã được nâng cao hơn. Tất cả các trường hợp khi phát hiện ra có vi phạm nồng độ cồn sẽ được tổ công tác nghiêm túc lập biên bản, xử lý theo đúng quy định. Khuyến cáo người tham gia giao thông đã uống rượu bia thì không lái xe, tất cả các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Thiếu tá Nguyễn Văn Khương nói.

Thực trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn chưa được chấp hành nghiêm.

Có thể nhận thấy, thực trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn chưa được chấp hành nghiêm, thậm chí phớt lờ những cảnh báo hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị xử lý vi phạm.

Đánh giá về những khó khăn của lực lượng chức năng trong khi kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe, Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên, Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) chia sẻ: “Khi chúng tôi kiểm tra các trường hợp lái xe có nồng độ cồn, có một số trường hợp họ không kiểm soát được hành vi của mình. Chúng tôi phải dùng biện pháp thuyết phục, áp dụng các giải pháp để giải thích cho người vi phạm hiểu và chấp hành”.

Nhằm kéo giảm các vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông, tạo chuyển biến tích cực và hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, trong năm nay, Cục CSGT (Bộ Công an) sẽ thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm.

Trong quá trình làm nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, không được bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, hoặc có hành vi lăng mạ, chống đối phải xử lý theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy.

Ngoài ra, người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, phải thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định.

Hải Bằng ( VOV-Giao thông)

Tin mới