Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm

Năm hết Tết đến, vấn đề an toàn thực phẩm lại trở nên "nóng" hơn bao giờ hết do những nỗi lo ngại về chất lượng thực phẩm trong dịp này.

Thời điểm Tết đến là lúc thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trên cả nước. Trước vấn đề này, nhiều người dân đặt ra câu hỏi làm thế nào để kiểm soát chất lượng thực phẩm trong thời điểm gia tăng nhu cầu sử dụng thực phẩm như thế này.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường kiểm soát, quản lý chặt an toàn thực phẩm trước nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao trong những tháng cuối năm, chuẩn bị cho dịp Tết Canh Tý.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đoàn đã thực hiện kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Cùng đó, TP Hà Nội cũng tăng cường công tác xét nghiệm, kiểm tra thực phẩm an toàn, chất lượng. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, TP Hà Nội đã lấy hơn 3.800 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỉ lệ 93,7%)...

Vào những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. 

Đây là lúc các oạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.

Hiện, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở kiểm nghiệm phải ưu tiên nguồn lực, tập trung xét nghiệm các mẫu thực phẩm thanh tra nhằm đưa ra kết quả sớm nhất.

Bên cạnh đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm dịp tết là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất cùng với nguy cơ tiêu thụ thực phẩm bẩn. Việc bảo quản thực phẩm không đúng cách của người dân cũng là một trong những nguyên nhân tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), không nên coi tủ lạnh là "bảo bối" tích trữ thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Việc tích trữ số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh không chỉ khiến cho chất lượng bảo quản thực phẩm kém, mà tiềm ẩn nguy cơ khiến chúng trở nên độc hại cho người sử dụng.

 

Thời gian bảo quản thực phẩm hữu hiệu và an toàn nhất là từ 3 – 5 ngày. Mặt khác, tủ lạnh chỉ có khả năng kiềm hãm hoạt động của vi khuẩn trong một thời gian nhất định ngắn hạn, chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn.

Với thực phẩm chế biến, không để thức ăn quá 2 giờ ở ngoài nhiệt độ thông thường. Sau khi lấy thực phẩm từ tủ lạnh ra phải đun sôi kỹ lại mới dùng vì tủ lạnh chỉ giúp ngăn chặn quá trình biến chất của thực phẩm chứ không phải là giữ được hoàn toàn như món mới nấu.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với những thực phẩm có nguy cơ gây ra ngộ độc, ví dụ như uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Ngoài ra, người dân cũng không nên lạm dụng rượu, bia trong ngày tết, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống ượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.

Quỳnh Chi

Tin mới