Năm ngoái, sau khi dịch bệnh COVID-19 lan ra thế giới, một bộ phận người dân Châu Âu đã đổ lỗi cho người Châu Á. Định kiến này khiến số vụ tấn công người gốc Á tại Mỹ tăng vọt, trong đó có nhiều vụ việc nhằm vào người Việt Nam. Người Việt chiếm 8% trong số các nạn nhân báo cáo bị tấn công.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 lan ra thế giới, một bộ phận người dân Châu Âu đã đổ lỗi cho người Châu Á. (Ảnh: The Washington Post)
Ngoài ra, 41% nạn nhân là người Trung Quốc, 15% là người Hàn Quốc và 7% là người Philippines. Các vụ tấn công tập trung ở những tiểu bang của Mỹ có số dân châu Á cao, điển hình là California và New York.
Có ít nhất hai thành phố ở Mỹ ghi nhận sự gia tăng hành vi phạm tội xuất phát từ ác cảm với người Mỹ gốc Á trong năm 2020. Sở Cảnh sát New York đã báo cáo ít nhất 28 hành vi thù địch nhằm vào các nạn nhân người Mỹ gốc Á vào năm ngoái, tăng vọt so với 3 trường hợp được báo cáo năm 2019. San Francisco báo cáo 9 trường hợp, vẫn cao hơn con số 4 và 6 năm 2018, 2019.
Nhiều video quay cảnh người gốc Á bị hành hung bị đăng lên mạng, làm trầm trọng thêm nỗi bất an trong cộng đồng Mỹ gốc Á và khiến các chuyên gia lo ngại. Các video này có nội dung rất bạo lực.
Tháng trước, công chúng Mỹ xôn xao trước tin một cụ ông 84 tuổi người Mỹ gốc Thái bị hành hung đến chết ở San Francisco. Eric Lawson, con rể của cụ Vicha Ratanapakdee cho biết ông chỉ vừa hồi phục sau nhiều ca phẫu thuật tim khi bị kẻ tấn công đẩy mạnh.
"Việc đó chẳng khác gì một hành động bạo lực vô nghĩa, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta", con gái ông Amy Ratanapakdee kêu gọi cộng đồng tăng cường cảnh giác và đấu tranh đòi công bằng cho cái chết của ông.
Vụ việc trở thành một hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Trong một trường hợp khác xảy ra đầu tháng này, ông Noel Quintana 61 tuổi, người Philippines, bị chém vào mặt trên một chuyến tàu điện ngầm ở thành phố New York.
"Không một ai tới, không một ai giúp đỡ, không một ai ghi lại", ông Quintana nói.
Các nạn nhân gốc Á thường bị thiệt thòi khi trình báo cảnh sát do có rào cản ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa. Cho dù báo cảnh sát, họ cũng khó có thể chứng minh mình bị tấn công vì là người châu Á. Do thiếu cảm giác an toàn và không tin tưởng vào lực lượng an ninh, một số người Mỹ gốc Á đã tổ chức tuần tra khu phố và tự trang bị vũ khí bảo vệ.
"Mọi người quá chán nản khi không được lắng nghe, không được nhìn nhận và phải chờ đợi sự giúp đỡ. Chúng tôi không nhận được sự ủng hộ chúng tôi cần. Chúng tôi cần phải tự mình hành động", Will Lex Ham, một nhà hoạt động tham gia tuần tra khu phố Tàu ở San Francisco, cho biết.
Ông Noel Quintana 61 tuổi, người Philippines, bị chém vào mặt trên một chuyến tàu điện ngầm ở thành phố New York. (Ảnh: The Washington Post)
Ngày càng nhiều người sử dụng súng
Trong tình cảnh sự an toàn bị đe dọa, một số người đã chọn súng làm giải pháp tự bảo vệ. Ông David Liu, chủ một cửa hàng kinh doanh súng đạn tại thành phố Arcadia, California, cho biết doanh số năm 2020 của anh tăng gấp bốn lần so với mọi năm. Ông Liu nói tất cả mọi người, đặc biệt là người Mỹ gốc Á, đều quan tâm hơn đến việc mua súng.
Một cuộc khảo sát của tổ chức Thể thao Bắn súng Quốc gia vào năm 2020 cho thấy doanh số bán hàng cho khách người châu Á của các cơ sở kinh doanh súng đạn tăng gần 43% trong nửa đầu năm 2020. Doanh số tăng trung bình 52% với khách hàng da trắng và 58% với khách hàng da đen.
Các nhà lãnh đạo địa phương kêu gọi người dân hạn chế mua và sử dụng súng để tránh các sự cố ngoài ý muốn.
Anh Chris Cheng, người Mỹ gốc Á sống tại San Francisco cho biết nhu cầu sở hữu súng của cộng đồng người gốc Á tăng cao vì “cảnh sát không phải lúc nào cũng ở đó để bảo vệ chúng tôi, họ chỉ có mặt để tiếp nhận báo cáo".
Một số cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương đang cố gắng cải thiện tình trạng này. Các sở cảnh sát ở San Francisco và thành phố New York thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên xử lý những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á và tăng cường lực lượng an ninh ở các khu phố có đông dân châu Á.
Từ đầu năm 2020 đến nay, có ít nhất 18 người bị bắt vì nghi ngờ phạm tội do động cơ thù địch người Mỹ gốc Á ở New York.
Các nhà lãnh đạo địa phương đã kêu gọi người dân hạn chế mua và sử dụng súng để tránh các sự cố ngoài ý muốn. (Ảnh: The Washington Post)
Nhằm vào người thiếu năng lực chống trả
Hiện một số tổ chức của người Mỹ gốc Á đang theo dõi những trường hợp phạm tội này. Theo dữ liệu của Stop AAPI Hate, có tới hơn 2.808 trường hợp người gốc Á bị tấn công ở Mỹ chỉ trong cuối năm 2020. Trong đó có 9% là các vụ tấn công thể chất và 71% là công kích ngôn từ. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ và khoảng 126 người đã trên 60 tuổi.
"Họ đang tấn công phụ nữ châu Á, thường vì lý do văn hóa. Phụ nữ châu Á không lên tiếng chống lại. Không cáo buộc. Nhiều trường hợp không thể nói tốt tiếng Anh", cô Iona Cheng, người Mỹ gốc Hoa ở Oakland, từng là nạn nhân của một vụ cướp tài sản gây thương tích.
Cô Cheng cho biết thêm rằng mình từng bị gọi là virus corona trong khi đi chạy bộ hồi tháng 3 năm ngoái: “Tôi không thể cảm thấy an toàn khi ở bên ngoài”.
Cô Iona Cheng, người Mỹ gốc Hoa ở Oakland, từng là nạn nhân của một vụ cướp tài sản gây thương tích. (Ảnh: The Washington Post)
Định kiến bén rễ từ trong lịch sử
Nhiều người đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump về nạn bạo lực với người châu Á do ông nhiều lần gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" trong thời gian tại nhiệm. Nước Mỹ cũng ghi nhận ác cảm nhắm vào người gốc Á trên Twitter tăng vọt sau khi ông Trump mắc COVID-19 hồi tháng 10/2020. Một khảo sát thực hiện vào tháng 4/2020 cho thấy khoảng 1/3 người Mỹ cho biết từng chứng kiến người khác đổ lỗi cho người châu Á về đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ tại California Mark Takano cho rằng vẫn còn nhiều nguyên nhân tích lũy trong lịch sử. Theo ông Takano, định kiến với người châu Á "tiềm ẩn trong toàn xã hội Mỹ, nó trở nên khá hơn hoặc tệ hơn tùy thuộc vào từng thời điểm”.
Năm 1882, Mỹ ra đạo luật cấm lao động Trung Quốc nhập cư vào Mỹ. Đạo luật này là kết quả của định kiến "mối nguy hiểm da vàng", theo đó người Mỹ cho rằng người nhập cư Trung Quốc là mối đe dọa đối với công việc của người Mỹ da trắng và các khía cạnh khác của cuộc sống phương Tây.
Nam diễn viên Tzi Ma, 60 tuổi, cho biết ông từng bị một người qua đường quát tháo bảo ông cần bị cách ly: "Bất kể chúng tôi đóng góp gì, bất kể tất cả uy tín và tài sản mà chúng tôi tích lũy được, chúng tôi vẫn bị đối xử theo cùng một cách".