Năm lên 8 tuổi, cả bố và mẹ tôi đều qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Đó là khoảng thời gian khủng khiếp nhất đối với tôi. Cả thế giới như vỡ vụn, tôi được đưa về quê sống với một người mà trước đây mình chỉ gặp đôi ba lần trong những dịp Tết - ông nội.
Mọi thứ đều trở nên xa lạ, không còn bố mẹ, căn nhà thân thương, trường lớp quen thuộc. Tôi chán ghét tất cả mọi thứ ở thời điểm ấy. Tôi ghét trường mới, thầy cô và bạn bè xa lạ, những lời xì xầm của hàng xóm về cái chết của bố mẹ tôi, những cái nhìn thương hại mà họ dành cho tôi.
Tôi đã khóc rất nhiều hằng đêm. Lúc ấy, ông nội đến bên tôi và vỗ về rằng mọi thứ rồi cũng sẽ ổn thôi. Nhưng tôi không hề cảm nhận được sự xoa dịu từ lời an ủi ấy, tôi chỉ muốn bố mẹ trở về như xưa.
Nhưng dù có thầm cầu nguyện hằng đêm, tôi vẫn không thể thay đổi được hiện thực. Thời điểm ấy, chỉ có việc học giúp tôi quên đi mọi thứ. Tôi chỉ biết cắm đầu vào học và không quan tâm điều gi hết, kể cả ông.
(Ảnh minh họa)
Ngày tôi nhận được học bổng và đậu đại học, khi biết được rằng mình có thể trở lại thành phố - nơi tôi từng có rất nhiều kỷ niệm vui với bố mẹ, và rời khỏi nơi chứa toàn ký ức buồn này, tôi đã rất sung sướng. Tôi rời khỏi nhà mà không một lần nhìn ngoảnh lại, cũng không quan tâm ông sẽ cảm thấy thế nào.
Trước khi đi, ông có dúi vào tay tôi một chiếc hộp thiếc, bảo rằng là quà dành tặng tôi đậu đại học và ông còn nói rất nhiều nhưng tôi chẳng để lọt lỗ tai mình câu từ nào. Bởi vì tôi chẳng có chút gì lưu luyến, chỉ muốn đi thật nhanh.
Ba năm đại học, tôi tự nghĩ rằng mình đã thật sự tìm được cuộc sống mới, một cuộc sống hạnh phúc không có những quá khứ đau buồn. Tôi chưa từng đặt chân về nhà lần nào trong suốt 3 năm, chỉ toàn ông nội lên thăm với lỉnh kỉnh quà vặt.
Rồi đến ngày, tôi nhận được tin ông mất. Một cảm xúc khó tả lần đầu tiên trào dâng trong tôi. Nước mắt bỗng dưng rơi không ngừng, không thể giải thích. Một lần dọn dẹp phòng, tôi nhìn thấy chiếc hộp thiếc mà ông từng đưa cho mình 3 năm trước, chiếc hộp mà tôi vứt đại trong góc và chưa từng mở ra.
(Ảnh minh họa)
Bên trong hộp chất đầy ảnh. Đó là những bức ảnh từ thời tôi còn được vui vẻ ôm ấp trong vòng tay bố mẹ, những bức ảnh tôi và ông nội với sự miễn cưỡng trong gương mặt của tôi, còn đôi mắt ông thì ngập tràn hạnh phúc, những bức ảnh lưu lại khoảnh khắc tôi đạt giải trong các cuộc thi ở trường, ở huyện…
Dưới cùng chiếc hộp là một dòng chữ nghiêng ngả đôi chỗ còn sai chính tả: “Đừng để quá khứ đau buồn trở thành cái bóng theo con cả đời. Nội yêu con và tự hào về con”.
Đêm ấy, tôi đã khóc rất nhiều. Lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng mình ngu ngốc đến thế nào. Tôi thật sự là một đứa cháu bất hiếu và ngu ngốc đến mức bây giờ mới nhận ra điều đó, khi mọi chuyện đã quá muộn... Suốt hơn mười mấy năm qua, tôi đã mải nghĩ về những điều xa xôi nhằm tìm kiếm thứ tôi cho là hạnh phúc mà quên rằng, chính ông nội - người thân cuối cùng mà tôi từng có, lại là điều hạnh phúc hiện hữu mà tôi có được trong cuộc đời này.
"Có những thứ chỉ khi bạn thật sự mất đi thì mới biết trân trọng", giờ đây tôi mới thấm được câu nói ấy. Chỉ hy vọng rằng, những ai vẫn còn cơ hội để sửa sai, đừng đi vào vết xe đổ của tôi.