Đến trường là ước mơ xa vời
Tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng năm 1992, trung tá Mai Văn Sơn (Nga Sơn, Thanh Hóa) được phân công công tác về Đồn Biên phòng Non Nước (256) – Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng. Tại đây, anh được phân công giữ chức Đội phó đội vận động quần chúng.
Anh cho biết, lúc bấy giờ, đơn vị này đang còn đơn sơ, nhiều ngôi nhà đã cũ kỹ, giột nát. Địa bàn đóng quân phụ trách của đồn dài và rộng, gồm 4 xã và 2 phường vùng ven biển.
Là cán bộ trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm trong công tác thực tế ở đơn vị cơ sở, anh Sơn đã gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, anh đã tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm của các chiến sỹ đi trước để làm tốt công tác vận động quần chúng.
Thầy giáo quân hàm xanh Mai văn Sơn nhận thấy công tác xóa mù chữ là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhân văn, góp phần không nhỏ vào công tác giáo dục của TP. Đà Nẵng.
Không còn bỡ ngỡ như những ngày đầu mới ra trường, trung tá Sơn đã luôn hoàn thành tốt công việc được giao dù chuyển đến nhiều đơn vị như Đồn Biên phòng Non Nước (256), Đồn Biên phòng Phú Lộc (248), Trợ lý vận động quần chúng (Phòng chính trị) thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng và hiện là Đồn Biên phòng Hải Vân (244).
Thời gian đầu mới về công tác tại Đồn Biên phòng Hải Vân (Đà Nẵng), anh nhận thấy người dân nơi đây rất nghèo, chủ yếu làm những nghề biển, số còn lại làm nông nghiệp.
“Người dân nơi đây hầu như không có nghề nghiệp ổn định, gia đình hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, vì vậy không đủ điều kiện đến trường”, anh Sơn nói.
Xuất phát từ tình hình thực tế địa bàn dân cư, anh Mai Văn Sơn đã tham mưu cho Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, chỉ huy đơn vị để vận động mở những lớp xóa mù chữ và tái mù chữ để nâng cao trình độ dân trí.
Trung tá Sơn cho biết: “Người dân ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp. Vì có gia đình có tới 7 - 8 đứa con nên chỉ có khả năng lo cho 1 hoặc 2 cháu đi học. Các em còn lại phải cùng cha mẹ bươn chải cuộc sống, sớm chiều lăn lộn với công việc đồng áng hay đi biển mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Vì vậy, đối với các em, được đến trường dường như là giấc mơ xa vời”.
Video: Thầy giáo điển trai Đại học Ngoại thương: 'Cuộc đời tôi thay đổi nhờ tiếng Anh'
Anh Sơn chia sẻ những khó khăn khi thực hiện công tác vận động và xóa mù chữ tại Đà Nẵng: “Tôi đã gặp không ít khó khăn trong công tác vận động bởi người dân Hải Vân kỳ thị với 2 từ ‘xóa mù’. Hơn nữa, tay chân họ quen với công việc đồng áng nên rất khô cứng khi cầm bút viết. Đặc biệt, nếu họ đi học sẽ không ai làm nông, làm biển hay bồng bế các con cho”.
“Người dân ở lớp học, khi đã biết chữ, họ hăng say học hành và không còn bỏ học giữa chừng như trước. Vì quý thầy giáo, vào dịp lễ Tết gia đình họ mời chúng tôi đến nhà ca hát, đón Tết”, anh Sơn bộc bạch.
Công tác vận động người dân đi học khá khó khăn bởi ban đầu họ còn khá bỡ ngỡ, tuy nhiên, khi đã đi vào nề nếp thì mọi người đăng ký đến lớp học xóa mù chữ rất đông. Nhiều người nói đi học để biết chữ, biết tính toán để giao lưu, tiếp xúc được với mọi người.
Ngoài công tác vận động người dân đi học, thầy giáo Văn Sơn còn thường xuyên thăm hỏi động viên, chia sẻ với những khó khăn bằng cách kếu gọi, đóng góp để hỗ trợ gạo, tiền, đồ dùng học tập...
Hiện tại, Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng đang dạy 85 học viên/7 lớp. Hàng tháng, hàng quý tổ chức kiểm tra, thi để đánh giá chất lượng giáo viên và học viên theo từng mức học.
Trung tá Mai Văn Sơn luôn đến từng nhà vận động người dân ra lớp học xóa mù chữ.
Gần 26 năm mở trên 100 lớp xóa mù chữ
Từ những thực tế của công tác địa bàn, anh Sơn đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ kinh phí, khảo sát, vận động người dân đến lớp học xóa mù chữ.
Anh Sơn đã đến lớp dạy học vào ban đêm, từ 19h đến 21h. Người nào vì lý do đặc biệt không đến được lớp, anh Sơn đến tận nhà dạy vào lúc rảnh rỗi. Nhiều đêm trời mưa gió, lạnh.., trung tá Mai Văn Sơn đã cùng các cấp, các ngành và Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp đến từng nhà vận động học sinh, người dân ra lớp...
Khó khăn đến đâu khắc phục đến đó, động viên, khuyến khích để họ có ý thức học tập.
Ngoài ra, anh Sơn cùng các đồng nghiệp còn thường xuyên xuống giúp dân gặt lúa, đập lúa, dọn dẹp nhà cửa..., để người dân có thời gian đến lớp.
Anh tâm sự: “Một bộ phận quần chúng nhân dân đường xá xa xôi, dân cư, dân trí không đồng đều. Phần lớn các hộ dân đều thuộc hộ gia đình nghèo, đông con, bệnh tật, phải làm ăn dài ngày nên không có điều kiện, thời gian để đến trường. Bên cạnh đó, nhiều người dân ngại đến lớp, đến trường vì cho rằng già rồi học để làm gì? có học thì cũng chỉ cầm cày, cầm cuốc hoặc đi biển”.
Bên cạnh những khó khăn gặp phải, anh Sơn cho biết nhận được sự giúp đỡ của chỉ huy đơn vị, của đồng đội và sự hưởng ứng, nhiệt tình của quần chúng nhân dân nên công tác xóa mù chữ dần được cải thiện.
Vì kính trọng các thầy giáo mang quân hàm xanh, người dân xem chúng tôi như những người thân trong nhà. Từ hoạt động xóa mù chữ đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác bảo vệ biên giới như người dân cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến bảo vệ an ninh Quốc gia.
Trung tá Sơn hy vọng mở lớp xòa mù chữ để ai cũng được đến trường, đến lớp. Ngoài ra, anh còn hy vọng nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ về vật chất, tinh thần để tiếp tục duy trì những lớp xóa mù chữ.
Trải qua gần 26 năm làm công tác vận động quần chúng và là cán bộ giảng dạy xóa mù và tái xóa mù chữ tại các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, trung tá Mai Văn Sơn đã cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị, các cấp, các ngành địa phương, các đội công tác trong đơn vị mở trên 100 lớp học xóa mù chữ.
Video: Cảm động thầy giáo kéo phao, giúp học sinh vùng lũ vượt suối tựu trường