Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tâm sự của người thầy ở ngôi trường 17 năm không có giáo viên nữ

Nằm lọt thỏm trong thung lũng, ngôi trường TH-THCS Cao Sơn (xã Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hóa) suốt 17 năm qua không có giáo viên nữ giảng dạy.

Trước đây, để lên được Cao Sơn, phải đi bộ nửa ngày vượt núi trên con đường đất độc đạo. 150 hộ dân sinh sống gần như biệt lập ở 3 bản, không có điện cũng chẳng có sóng điện thoại. 

Từ lúc chỉ là một điểm trường rồi trở thành trường TH-THCS, tính đến nay đã 17 năm, Cao Sơn không hề có giáo viên nữ. 17 năm cũng chính là quãng thời gian thầy giáo Trần Ngọc Hải (40 tuổi) dành trọn tuổi xuân cho học trò.

Một góc Cao Sơn nằm lọt thỏm trong thung lũng núi.

Năm 2005, khi vừa mới tốt nghiệp đại học, thầy giáo trẻ đã nhận quyết định lên giảng dạy ở điểm trường Cao Sơn cách nhà hơn 100km.

"Để đến được điểm trường, từ trung tâm xã phải mất hơn 5 giờ đồng hồ băng rừng, qua những vách đá cheo leo. Điểm trường ngày ấy được dựng bằng mái tranh, xung quanh được che chắn bằng những tấm tre đan.

Vào những ngày đông giá rét, nhiều học sinh phải quấn chăn đi học. Những đôi chân trần đi xuyên núi, qua những vách đá nứt nẻ tóe máu. Mỗi lần muốn dùng phấn viết lên bảng, các thầy phải đốt lửa hong khô mới viết được... Khó khăn là thế nhưng các em vẫn muốn đến trường học chữ. Chính điều đó khiến tôi gắn bó với nơi này", thầy Hải nhớ lại.

Suốt 17 năm qua, Trường TH-THCS Cao Sơn không có giáo viên nữ giảng dạy.

“Thương học sinh nơi đây, chính quyền đã vận động nhân dân cùng các giáo viên vận chuyển vật liệu lên để xây phòng học. Từ Cao Sơn tới nơi có vật liệu, mỗi lần phải lên xuống mất 5 đến 6 tiếng đồng hồ mới chỉ vận chuyển được vài viên gạch, viên đá. Sau mấy tháng ròng rã, chúng tôi cũng hoàn thành 3 căn phòng kiên cố. Từ đó, các em đến lớp học không bị mưa dột nữa, mùa đông cũng ấm hơn”, thầy Hải kể lại.

Không đường, không điện, không sóng điện thoại. Có thời điểm suốt 1 năm trời, thầy giáo trẻ không thể liên lạc với gia đình. Đến lúc có thời gian về thăm nhà, anh mới biết bố mẹ vừa trải qua trận ốm “thập tử nhất sinh”.

Thầy Hải gắn bó với học sinh từ khi Trường TH-THCS Cao Sơn còn là điểm trường.

Chưa từng được tổ chức ngày 8/3 cho đồng nghiệp

Suốt nhiều năm qua, ngôi trường không có giáo viên nữ nên các thầy rất khó khăn trong việc chia sẻ những điều tế nhị với học sinh nữ. “Có giáo viên nữ giảng dạy, hướng dẫn nắm bắt tâm sinh lý, chia sẻ sẽ tốt hơn cho các em rất nhiều”.

Đó là đối với học sinh. Còn với các thầy giáo, ngày khai giảng, các ngày lễ, ngày nhà giáo, từ công tác tổ chức, cắm hoa, trang trí... đều do tay các thầy bày biện.

"Những ngày của phụ nữ như 8/3, 20/10, chúng tôi không bao giờ được có cảm giác đoàn thể tổ chức cho chị em. Ở vùng sơn cước như thế này lại càng buồn hơn", thầy Hải cười hiền nói.

Nụ cười rạng rỡ của các em sau khi tan học.

Nói về chuyện gia đình riêng, thầy Hải tâm sự, đôi lần anh tranh thủ về quê chơi, sang nhà bạn (bạn chơi từ ngày còn ở nhà, hơn anh 10 tuổi) và đã mang lòng yêu con gái bạn. 

"Năm 2011, tôi lấy vợ. Chúng tôi đã có một cháu đang học lớp 3. Vợ tôi rất thông cảm cho công việc cũng như tâm nguyện của tôi muốn dạy chữ cho các em vùng khó khăn. Do vậy, đến bây giờ một mình tôi vẫn lủi thủi một nơi, hai mẹ con ở dưới quê, có khi cả tháng mới về nhà thăm vợ con được một lần", thầy Hải chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Cao Sơn cho biết, trường được thành lập đến nay 14 năm, tính cả lớp học ở khu lẻ là 17 năm. Gần 20 năm qua đã có 42 lượt giáo viên về giảng dạy nhưng tuyệt nhiên không có giáo viên nữ có lẽ bởi đường lên Cao Sơn quá xa xôi, cách trở. 

"Các thầy nhà gần 1-2 tuần về một lần, người ở xa thì cả tháng, có khi 2 tháng mới về. Mỗi khi về quê, các thầy lại mang lên đồ khô như cá, lạc, moi... Để bữa ăn có chất hơn, các thầy tăng gia thêm bằng việc nuôi gà, vịt, trồng rau".

Toàn trường hiện có 59 học sinh tiểu học và 67 học sinh trung học, đa số là người dân tộc Thái. Năm 2021 nơi đây mới có điện lưới, cuộc sống người dân cũng đỡ vất vả hơn. Học sinh có điện để học tập, thầy cô được sử dụng máy tính soạn giáo án… Ở đây cũng đã có sóng điện thoại. Nhiều em đã đỗ đại học, trong đó có những em ra trường, trở thành kỹ sư nông nghiệp.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới