Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tâm sự của người sẵn sàng… 'nhường ghế'

(VTC News) -

"Mọi người tôn trọng quyết định của tôi và rất ủng hộ, vì thấy việc tôi làm là vì lợi ích của tập thể", TS Bạch Quốc Khánh cho biết.

TS Bạch Quốc Khánh, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, chia sẻ về câu chuyện ông đề nghị và được chấp thuận không tái bổ nhiệm khi còn 3 năm 2 tháng mới đến tuổi nghỉ hưu để nhường vị trí cho đồng nghiệp kế cận.

- Rất nhiều người thích làm lãnh đạo, nhất là vị trí số 1 ở đơn vị, nhưng ông lại xin thôi mặc dù còn đủ thời gian để được bổ nhiệm lại. Tại sao bác sĩ lại quyết định như vậy?

Tiêu chí quan trọng nhất tôi đặt ra để quyết định là vì lợi ích chung của tập thể Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và bệnh nhân. Đó cũng không phải là trường hợp gì đặc biệt cả.

Ở Viện chúng tôi, người kế nhiệm tôi cũng là người được đưa vào diện quy hoạch, đào tạo làm Viện trưởng từ thời GS.TS Nguyễn Anh Trí làm Viện trưởng. Cho nên tôi nghĩ khi đã chuẩn bị được người kế nhiệm cho mình rồi thì có tiếp tục làm thêm vài ba năm nữa cũng không thay đổi được câu chuyện. Khi thấy mình đã đủ điều kiện chuyển giao thì nên chuyển giao, không nên tham quyền cố vị.

TS Bạch Quốc Khánh, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.

Mình nói mình là người vì tập thể nhưng mình không chú trọng tới việc đào tạo thế hệ kế cận thì việc mình dừng lại cũng là chưa chắc là tốt. Là người đứng đầu thì không thể không quan tâm tới nhiệm vụ đào tạo được đội ngũ kế cận và lựa chọn những người phù hợp để tiếp tục nhiệm vụ lãnh đạo.

Một trong những điều tôi mong muốn nhất với người kế cận của mình là duy trì sự ổn định, bền vững mà những thế hệ lãnh đạo trước đã tạo nên; tiếp tục lo cho đời sống cán bộ viên chức như các thế hệ lãnh đạo trước đây đã làm. Tôi tin những người kế tục vai trò của mình sẽ có những suy nghĩ, cải tiến, hoặc có những sáng kiến đổi mới trong việc lãnh đạo làm cho Viện ngày càng phát triển hơn.

Ở khía cạnh nào đó, khả năng của một người chỉ có mức độ giới hạn nhất định. Khi đã đạt giới hạn đó rồi thì anh nên xem xét khả năng chuyển giao những người mới để có thể đem lại sự phát triển mới. 

- Dư luận xã hội thường có định kiến, lãnh đạo xin nghỉ vì vướng phải vấn đề tiêu cực gì đó. Ông có tiếp nhận được thông tin nào tương tự như vậy không?

Hỏi trực tiếp tôi thì không, nhưng cũng có người hỏi người kế nhiệm tôi, là đồng chí viện trưởng hiện nay. Điều đó không có gì lạ, vì ngành y tế trong thời gian qua gặp rất nhiều chuyện không vui. Thế cho nên chuyện có người nghĩ mình “có vấn đề” nên mới xin không tái bổ nhiệm nữa cũng dễ hiểu. Rất tiếc là bây giờ trong xã hội có nhiều người cứ nghĩ tới chuyện tiêu cực hơn là tích cực.

- Chuyện “nhường ghế” khi đó của ông được dư luận quan tâm đặc biệt. Ông có nghĩ nó sẽ trở thành xu thế để những người làm lãnh đạo “rút lui” đúng thời điểm, vì lợi ích tập thể?

Mỗi người lãnh đạo nên suy nghĩ về tương lai nơi mình lãnh đạo để tìm được thời điểm thích hợp mà rời cương vị của mình. Khi đặt lợi ích của tập thể, của người bệnh lên trên hết thì việc xác định thời điểm chúng ta dừng rất dễ dàng và đơn giản.

- Việc rời khỏi cương vị lãnh đạo với ông có thể bình thường, nhưng còn gia đình, người thân, họ đón nhận thế nào?

Không phải đến thời điểm đó tôi mới quyết định. Câu chuyện này chúng tôi đã bàn trước đó nhiều tháng chứ không phải tôi đột ngột quyết định. Về phía gia đình, tôi cũng đã nói chuyện với bố mẹ, các chị, cũng như vợ tôi. Mọi người rất tôn trong quyết định của tôi và rất ủng hộ, vì thấy việc tôi làm là vì lợi ích của tập thể.

TS Bạch Quốc Khánh chủ trì buổi hội chẩn cho bệnh nhân ghép tế bào gốc.

Hãy trở thành người thầy thuốc tận tâm và làm thật tốt công việc của mình, nghề nghiệp của mình thì xã hội sẽ đánh giá chúng ta tốt, đồng nghiệp sẽ đánh giá chúng ta tốt. 

- Giờ đây, khi từ bỏ vị trí một nhà lãnh đạo và trở lại công việc của một bác sĩ, thăm khám thường xuyên cho các bệnh nhân, cảm xúc của ông thế nào?

Tôi chưa bao giờ thấy dễ chịu, thoải mái như vậy, rất hạnh phúc. Nghề nghiệp của tôi là khám chữa bệnh, điều trị. Khi làm quản lý, tôi không có thời gian cho công việc mà mình vốn được đào tạo, huấn luyện. Bây giờ, khi được quay trở lại gặp bệnh nhân thì cảm xúc rất đặc biệt, cảm thấy như đi xa lâu ngày giờ trở về với người thân của mình nên cảm xúc rất đặc biệt và thấy rất vui, không hề có gì lăn tăn.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Hải

Tin mới