Ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, cô nữ sinh Phùng Thị Thoa đã ước mơ được trở thành một giáo viên, đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò. Nghĩ là làm, sau khi tốt nghiệp, cô chọn trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây để thực hiện ước mơ.
Những năm tháng trên giảng đường, những bài học về cái tâm của nhà giáo, sự cao quý của nghề càng củng cố mong muốn được theo nghiệp “gõ đầu trẻ” của cô sinh viên trẻ. Thậm chí, cô còn tâm niệm, trên mảnh đất hình chữ S này còn nhiều em nhỏ chưa có điều kiện học tập tốt nên cô luôn mong muốn cơ cơ hội được đến nhiều nơi để giảng dạy, tiếp xúc với nhiều em học sinh.
Với mong muốn này, bên cạnh việc học, cô giáo Thoa thường xuyên tìm kiếm cơ hội việc làm tại các khu vực khó khăn để chuẩn bị trước hành trang cho mình. Sau khi ra trường, cô tiếp tục vừa đi dạy vừa đi học tại Đại học Sư phạm Huế, chuyên ngành Vật Lý. Với cô, kiến thức khoa học vô cùng quan trọng, vì vậy, cô luôn chú trọng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy để có thể truyền đạt một cách dễ hiểu nhất cho học sinh.
Khóa học tại Đại học Sư Phạm Huế kết thúc cũng là lúc cô chính thức chuyển công tác đến trường phổ thông cơ sở Yên Sơn - Ba Vì. Mặc dù đây là một ngôi trường nghèo, tập trung phần lớn học sinh là người dân tộc Dao nhưng với cô Thoa, ước mơ đã thành hiện thực. Ngày ngày đến ngôi trường đơn sơ với bảng đen, bàn ghế bạc màu, chứng kiến các em học sinh dân tộc chăm chỉ nghe giảng, hí hoáy giải từng bài tập, cô Thoa chia sẻ đấy chính là hạnh phúc lớn nhất trong nghiệp “gõ đầu trẻ” của mình.
Có những ngày rét mướt, gió lùa vào tận lớp học nhưng cô trò vẫn co ro chịu lạnh để giảng bài và nghe giảng. Những lúc đó, cô Thoa kể rằng xúc động đến rơi nước mắt khi chứng kiến các em học sinh quần áo không đủ ấm nhưng vẫn kiên nhẫn lắng nghe bài giảng. Dù khó khăn rất nhiều nhưng cả cô và trò đều không bỏ cuộc, vẫn ngày ngày gặp nhau trong những tiết học đầy ắp tình cảm.
Cô chia sẻ, có học sinh từng thổ lộ với cô về ước mơ của mình, đó là trở thành thầy giáo, quay lại đây để dạy học cho các học sinh dân tộc mình. Từ đó, cô càng nỗ lực trong công tác hơn vì hy vọng rằng, những bạn học sinh ngồi đây hôm nay sẽ trở thành những thầy cô giáo sau này, tiếp tục truyền bá con chữ đến với bà con dân tộc.
Khi được hỏi về những dự định sắp tới, cô nói rằng cô chỉ muốn tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình. Đó không chỉ là giảng dạy mà còn là đồng hành với học sinh, là vượt qua những ngày mưa nắng đến trường hay vượt đồi, vượt suối đến nhà học sinh thuyết phục em đi học.
Với cô, đó là niềm vinh hạnh của những giáo viên tại miền núi như cô. Vì vậy thay vì mệt mỏi, áp lực, cô chỉ mong mình có đủ sức khỏe, tinh thần vững vàng để theo đuổi công việc đến cùng, giúp nhiều em học sinh người Dao trở thành những người tri thức, có ích cho xã hội.