Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tại sao thịt lợn không thể thiếu ngoài gà, cá, bò...?

(VTC News) -

Từ xưa đến nay, thịt lợn là ưu tiên hàng đầu của "người nghèo" do giá cả bình dân, lại dễ chế biến, phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - ông Nguyễn Xuân Cường về việc "người dân không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn cả", cần san sẻ rổ thực phẩm ra với thịt gà, bò, trứng... đang khiến nhiều người phản ứng vì cho rằng thịt lợn là món ăn không dễ để thay thế.

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt lợn là món ăn truyền thống, thông dụng nhất trong mỗi gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn người ta sử dụng nhiều và thường xuyên trong các bữa ăn. Thịt lợn rất dễ ăn và tần suất ăn nhiều nhưng không chán so với các loại thịt khác.

Thịt lợn dễ chế biến, biến tấu được thành nhiều món ăn từ luộc, rang, chiên, nướng, kho…phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già, vì vậy thịt lợn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của từng người, từng gia đình Việt. Về giá trị dinh dưỡng, thịt lợn cũng là nguồn cung cấp chất đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng cho cơ thể.

Thịt lợn là món ăn không dễ để thay thế trong bữa cơm người Việt. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Trong khi đó, chuyên gia nông sản Nguyễn Đình Bích khẳng định: "Ăn thịt lợn đã là thói quen ẩm thực của người Việt. Ông Cường từng nói trước Quốc hội về việc ăn gà, cá thay thịt lợn từ năm ngoái nhưng cũng đâu có được". Từ những bữa ăn hàng ngày, đến dịp giỗ chạp, hay thậm chí là lễ tết, "công to, việc lớn" đều không thể thiếu món thịt lợn. Trên thị trường hiện nay, những nhà hàng từ bình dân đến sang trọng, thực đơn chủ yếu cũng từ loại thực phẩm này.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng giải thích: "Thịt lợn chiếm tới 70% trong bữa ăn của người Việt. Đây là loại thịt dễ chế biến, có thể làm được nhiều món và dành cho đa số người dân, ai cũng có thể ăn".

Nhiều ý kiến cho rằng, từ xưa, nói đến thịt lợn là nhắc đến loại thực phẩm "bình dân", bất kỳ ai cũng mua được vì giá vừa túi tiền, không đắt đỏ bằng những thực phẩm khác như gà, bò, cá. Chỉ có bây giờ, khi giá lợn bị đội lên quá cao thì nó mới bỗng trở thành món đồ ăn xa xỉ, buộc người tiêu dùng phải tìm cách thay thế một cách bất đắc dĩ. Tuy nhiên, việc thay thế được cho là sẽ có nhiều hệ lụy. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đặt câu hỏi: "Giá lợn hiện nay cao như vậy là do cung không đủ cầu, có thể chuyển sang ăn những thứ khác. Nhưng sắp tới, nếu cung cầu ngược lại thì chúng ta sẽ giải quyết thế nào? Liệu có quay lại ăn thịt lợn là chính, khi đó lại ảnh hưởng đến giá cả của các loại gia súc, gia cầm khác"? Vì thế, theo bà Xuân, việc kêu gọi người dân ăn thực phẩm khác thay thế thịt lợn chỉ là biện pháp tình thế, không thể giải quyết gốc rễ vấn đề.

Ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người tiêu dùng. Chị Nguyễn Hà Thu ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết: "Nhà tôi không ăn thịt lợn 2, 3 bữa thì không sao nhưng về lâu dài thì không thể được. Đó là nguồn thực phẩm chủ yếu. Chúng tôi có thể tích lũy 5 kg thịt lợn, nhưng không thể tích lũy 5 kg thịt bò hay 2, 3 con gà. Vì đơn giản, thịt lợn chế biến rất đơn giản, lại làm được nhiều món. Do đó, chúng tôi cần Bộ NN&PTNT đưa ra các giải pháp lâu dài để bình ổn thị trường, thay vì kêu gọi mọi người đổi món".

Chị Thu cũng bức xúc nói: "Tại sao từ một món ăn vốn là bình dân, phổ biến mà nay thịt lợn lại bị coi là xa xỉ, tốn kém? Vấn đề này các Bộ ngành chức năng cần phải trả lời và chịu trách nhiệm".

Nêu ý kiến rằng việc quản lý giá không tốt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của nhiều người dân, chị Thanh Hằng ở Vĩnh Tuy, Hà Nội cho biết, do giá thịt lợn quá cao nên nhiều tuần nay chị hạn chế món này, nhưng cảm thấy mâm cơm gia đình thiếu hẳn vị: "Trước kia, hầu như không bữa nào nhà tôi không ăn thịt lợn, thế mà giờ đây lại phải hạn chế để tiết kiệm chi tiêu. Theo tôi, với thói quen lâu đời của người tiêu dùng Việt thì về lâu dài, không có thực phẩm nào thay thế được thịt lợn".

Chị Hằng cho biết thêm, gần đây nhất là dịp COVID-19, khi người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài đường, chị cũng như các bà nội trợ khác đã nghĩ ngay đến việc tích lũy thịt lợn, sau đó mới đến những thực phẩm khác. "Quả thật, thịt lợn rất cần thiết trong ẩm thực của các gia đình Việt Nam", chị Hằng nói.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nếu người dân thực sự hạn chế được thịt lợn, quay sang dùng các thực phẩm thay thế khác thì Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có đảm bảo giá thịt lợn sẽ đi xuống? Hay việc thay thế này chỉ tạo cơ hội để các thực phẩm khác "tát nước theo mưa" và tăng giá theo? 

Ngọc Khánh

Tin mới