Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng vì sao những người giàu lại có tính tắt mắt, trong khi họ hoàn toàn có khả năng mua bất cứ gì mình muốn. Tassilo Keilmann, CEO của Wellness Heaven - trang chuyên đánh giá spa và khách sạn, đã khảo sát những chủ khách sạn có tài sản bị đánh cắp từ tháng 9 đến tháng 10/2019. Anh đã rất ngạc nhiên khi biết những thứ mất đi là một vòi tắm, máy sấy mạ vàng trong phòng tắm ở khách sạn 6 sao Dubai, một cục sạc trong nhà xe của khu nghỉ dưỡng ở Italy.
"Thậm chí có camera an ninh ở khách sạn cao cấp còn ghi được vào đêm khuya có khách hàng ăn cắp đệm qua cửa sổ, nơi có người lái xe đến và đặt đệm vào sau xe của họ", anh nói.
Bên cạnh đó, anh nhận thấy có một thực tế rõ ràng, đó là các món đồ cao cấp như TV, piano, thậm chí các tác phẩm nghệ thuật ở khách sạn 5-6 sao bị mất trộm nhiều hơn ở khách sạn 4 sao. Có vẻ như những vị khách giàu có "ngứa tay" hơn khách bình thường. "Đó là vụ trộm hoàn hảo, do các khách sạn 5 sao không muốn báo cảnh sát vì lo ngại ảnh hưởng đến danh tiếng của họ", Keilmann nói.
Các chuyên gia gọi hiện tượng người giàu ăn cắp là "ăn cắp vô nghĩa". Ảnh: SCMP.
Một nghiên cứu năm 2008 trên Tạp chí Tâm lý học Mỹ cho thấy những người giàu với thu nhập trên 70.000 đôla/năm có khả năng ăn cắp cao hơn 30% so với những người kiếm được 20.000 đôla/năm.
Trong một loạt các vụ án, có lẽ tai tiếng nhất là của minh tinh Winona Ryder. Gần 2 thập niên trước, ngôi sao điện ảnh này đã ăn trộm quần áo và nữ trang tại cửa hàng của Saks trị giá 5.000 đôla. Ryder bao biện đang luyện tập cho vai diễn mới, khi lại đổ lỗi cho tác dụng phụ của thuốc. Nhưng cuối cùng người đẹp bị kết án và quản chế, đồng thời bồi thường cho cửa hàng hơn 6.000 đôla.
Năm 2011, cảnh sát đã bắt người mẫu Beata Boman vì trộm chiếc khăn 11.000 USD từ một cửa hàng bách hóa ở Connecticut và cô biện hộ mải nghe điện thoại của bạn nên cầm nhầm. "Bất cứ ai biết Beata đều biết cô ấy không có nhu cầu và không có lý do để ăn cắp", luật sư của cô bào chữa.
Gần đây nhất gây khó hiểu là trường hợp triệu phú Andrew Francis Lippi III, 60 tuổi, bị bắt vì trộm đồ gia dụng trị giá chỉ 200 USD ở siêu thị Kmart. Trong khi chỉ một tuần trước ông chi 8 triệu USD để mua một hòn đảo ở Florida Keys . Ông không đưa ra lời giải thích nào cho hành động của mình.
Nghiên cứu tìm thấy người có thu nhập 70.000 đôla mỗi năm ăn cắp nhiều hơn người chỉ 20.000 đôla. Ảnh: CNBC.
John C Brady, nhà tội phạm học và cựu thám tử, người đã dành cả sự nghiệp theo dõi hành vi trộm cắp trong giới nhà giàu, nói "đừng gọi đây là trộm cắp vặt, mà là trộm cắp vô nghĩa. Bởi 100% trộm cắp không phải do nhu cầu".
Ông dẫn ví dụ một phụ nữ sống trong một biệt thự trị giá 10 triệu USD trên đồi ở Thung lũng Silicon, đã bị bắt vì ăn cắp một tuýp kem đánh răng lúc 4 giờ sáng từ siêu thị địa phương. "Cô ấy vốn đang bị quản chế và khi bị bắt, cô ấy đã nói với cảnh sát 'Hãy bắn tôi đi'" Brady, tác giả cuốn Why Rich Women Shoplift (Tại sao những người phụ nữ giàu có lại ăn cắp), kể.
Một phụ nữ giàu có khác lái chiếc Mercedes từng bị cảnh sát rượt đuổi vì hành vi trộm cắp. Biết không thể thoát, cô ném ra hộp thịt bò ăn cắp tại khu chợ. Đến khi bị bắt, thay vì lo danh tiếng bị ảnh hưởng, người phụ nữ này chỉ bực bội khi không được phép quay lại cửa hàng đó để mua sắm nữa. "Điều quan trọng đối với cô ấy là được công nhận xã hội hơn là đối mặt với thực tế là người ăn trộm siêu thị", Brady nói. Theo ông, hành vi của họ có thể do thôi thúc trong tâm lý, dẫn đến chứng "nghiện ăn cắp".
Giáo sư Paul Piff, Đại học California Berkeley đã dành sự nghiệp của mình để khám phá mối quan hệ giữa tiền bạc và đạo đức. Ông nói không nên hỏi: "Tại sao người giàu ăn cắp. Tốt hơn hết nên suy ngẫm tại sao họ không ăn cắp".
"Càng người có nhiều tiền và địa vị cao thì càng tập trung vào bản thân và ưu tiên lợi ích của chính mình. Họ biện minh cho hành vi của họ, chứ không sợ bị lên án đạo đức", Paul nói.
Trong một nghiên cứu năm 2010, Paul đã đưa cho mỗi tình nguyện viên 10 USD. Họ có quyền giữ lại số tiền đó, hoặc tặng một phần cho người lạ. Kết quả cho thấy thu nhập tăng lên thì mức độ cho đi giảm xuống. Người kiếm được 150.000 đôla/năm, số tiền họ cho đi càng ít. Khi cầm 10 đô trên tay, họ chỉ đưa cho người lạ khoảng 3 đô.
Ở một nghiên cứu khác, Paul muốn tìm hiểu xem liệu những người giàu có lấy kẹo từ một em bé hay không. Ông yêu cầu 129 nữ sinh tình nguyện tự xếp bản thân vào các nhóm địa vị kinh tế xã hội, sau đó đưa cho một người một hộp gồm 40 chiếc kẹo. Các tình nguyện viên có thể phát cho em nhỏ ở gần trường gần đó kẹo và cũng có thể giữ lại nếu muốn. Kết quả, những cô gái tự nhận mình nằm trong nhóm địa vị kinh tế xã hội cao hơn giữ lại nhiều kẹo hơn.
Chủng tộc và giai cấp bảo vệ người giàu ăn trộm khỏi bị tổn thương, hoặc thậm chí là tội phạm, cũng như thúc đẩy hành vi của họ. Đối với nhiều người giàu, việc ăn cắp giống như "một trò chơi điện tử", phiêu lưu và kích thích sao cho thành công thoát khỏi sự giám sát của cửa hàng.
"Tôi đã phỏng vấn không ít cá nhân sở hữu khối tài sản cực kỳ lớn và họ cảm thấy họ 'cho phép mình' được ăn cắp vặt. Hơn nữa, nếu bạn ở tầng lớp trung lưu da trắng, sẽ rất khó để bạn phải đi tù. Các thẩm phán không muốn gửi thêm phạm nhân vào tù chỉ vì lỗi đó", nhà văn Rachel Shteir cho biết.
Tình dục và mua sắm tạo thành cặp tự nhiên. Một trong các vụ án kỳ lạ nhất mà cựu thám tử Brady từng truy tìm là một người phụ nữ kết hôn với một bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Cô sở hữu một căn phòng bí mật mà chồng con không được phép vào. Trong đó, cô cất trữ hàng trăm chiếc ví hàng hiệu, mà cô đánh cắp từ nhiều cửa hàng, tổng trị giá lên tới nửa triệu USD.
Dù vậy, việc mua sắm của cô không hẳn phục vụ bản thân cô. "Một số người có ảo tưởng về việc ăn cắp và người phụ nữ này làm vậy vì muốn ngập tràn trong cảm giác hưng phấn và kích thích tình dục", Brady nói.