Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao Nga lại quan tâm đến tên lửa Fateh-110 của Iran?

(VTC News) -

Fateh-110 được xem là lựa chọn phù hợp của Nga, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xung đột với Ukraine vẫn đang tiếp diễn và nhu cầu về tên lửa vẫn rất lớn.

Theo hãng tin Newsweek, Nga có thể mua tên lửa do Iran sản xuất vào cuối tháng 10 này, khi mối quan hệ giữa Moskva và Tehran ngày càng thân thiết trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn còn tiếp diễn.

Ngày 11/10, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, vào tháng 8 và tháng 9/2023 các quan chức quân sự cấp cao của Nga và Iran đã xem xét các loại vũ khí tiên tiến của Iran. Hai nước “có thể ký kết thỏa thuận bán máy bay không người lái và tên lửa” khi các biện pháp hạn chế do Liên hợp quốc áp đặt hết hiệu lực vào ngày 18/10. Có nghĩa là Nga có thể mua tên lửa do Iran sản xuất sau vài tuần nữa.

Một lựa chọn mà điện Kremlin đang cân nhắc được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110, cũng như các tên lửa tầm xa khác do Tehran tự sản xuất. Fateh-110 là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn của Iran, được phát triển từ những năm 1997 và được đưa vào biên chế trong quân đội Iran từ năm 2002.

Tên lửa Fateh-110.

Tên lửa Fateh-110

Ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu về phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh cho biết, vào những năm 1990, Fateh-110 được đánh giá là một "tên lửa khá thiếu chính xác", nhưng Iran đã phát triển các phiên bản cải tiến sau đó có độ chính xác cao hơn.

Trả lời Newsweek, ông Hinz cho hay, những năm qua Iran đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển tên lửa, các phiên bản cải tiến dựa trên nguyên mẫu Fateh-110 ban đầu được đánh giá là hiệu quả và chính xác hơn. Ông Hinz nhận định phiên bản Fateh-110 mới nhất hiện nay là loại tên lửa dẫn đường chính xác, cơ động, hiệu quả và dễ sử dụng.    

Tên lửa Fateh-110 sử dụng nhiên liệu rắn, tên lửa có chiều dài 8,86m, đường kính 0,61m, có thể mang tới 500kg chất nổ và được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa được thiết kế 3 cánh tam giác ở phía trước và 4 cánh ở phía sau để giữ ổn định.

Fateh-110 có tầm bắn từ 300km - 500km và đạt tốc độ 3.700 km/h. Điều này khiến chúng được đặt ngang hàng với hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS) của quân đội Mỹ hay tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Đức sản xuất.

Ông Hinz lập luận rằng, tên lửa Fateh và ATACMS đều sử dụng cùng một hệ thống định vị, mặc dù Fateh lớn hơn và nặng hơn, trong khi ATACMS thì chính xác và đáng tin cậy hơn nhưng lại đắt tiền hơn.

Iran bắn thử tên lửa Fateh-110.

Lựa chọn tiết kiệm về chi phí

Đối với Nga, các tên lửa giá rẻ đã tỏ ra hiệu quả trên chiến trường Ukraine. Nga đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên và liên tục trong nhiều tháng, điều này đã gây ra nhiều thiệt hại và áp lực lên hệ thống phòng không của Ukraine.

Mặc dù một số nhà phân tích nhận định, Nga đang cạn kiệt tên lửa do sử dụng với số lượng lớn trên chiến trường Ukraine. Nhưng theo ông Hinz, Nga vẫn dự trữ một số lượng tên lửa nhất định, đủ để đối phó với khả năng xảy ra xung đột với khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chuyên gia này cho biết thêm, “tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chỉ có thể được sử dụng một lần, nếu bạn muốn sử dụng chúng cho tất cả các nhiệm vụ tấn công cần thực hiện, nó sẽ trở nên rất tốn kém, do phải sử dụng số lượng tên lửa quá lớn”.

Nga cũng có nhiều lựa chọn khác nhưng chi phí lớn hơn. Theo ông Fabian Hoffmann, nhà nghiên cứu tại Đại học Oslo (Na Uy) nói với Newsweek rằng, tên lửa hành trình sản xuất trong nước như Kalibr, Kh-101 hay Kh-555 có giá lên tới 1,7 triệu USD mỗi quả.

Ông Ian Williams, Phó Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa của CSIS cũng cho biết, chi phí của tên lửa Kh-101 là khoảng 1,2 triệu USD. Trong khi đó, chi phí của một chiếc UAV cảm tử Shahed do Iran sản xuất chỉ dao động từ 20.000 - 50.000 USD. 

Một lý do khác để chọn Fateh-110, do tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu với tốc độ cao hơn và gây ra sự phá hủy lớn hơn so với máy bay không người lái cảm tử Shahed. Ngoài ra, tên lửa Fateh-110 cũng khó đánh chặn hơn so với những chiếc UAV Shahed vốn bay chậm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong chuyến thăm Iran.

Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất có thể đánh chặn các tên lửa trên, nhưng không thể ngăn chặn được tuyệt đối nếu phải hứng chịu một đòn tấn công quy mô lớn. Rõ ràng khi thiết kế Fateh-110, Iran đã có sự cân nhắc và tính đến khả năng của Patriot.

Chưa rõ liệu Iran có sẵn sàng bán tên lửa trên cho Nga hay không, nhưng nhiều tên lửa như Fateh-110, Fateh-313 tầm xa và tên lửa Zolfaghar với tầm bắn700 km đều nằm trong danh sách xuất khẩu. Điều này cho thấy Iran có khả năng cung cấp chúng cho Nga.

Hồi tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm tới Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thị sát một loạt vũ khí công nghệ cao của Iran, trong đó có một số loại tên lửa do Iran tự sản xuất.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad-Reza Ashtiani, ông Shoigu nói rằng “Áp lực trừng phạt đối với Nga và Iran đã không hiệu quả, trong khi hợp tác Nga-Iran đang đạt đến tầm cao mới”.

Lê Hưng (Newsweek)

Tin mới