Rất nhiều người thường xuyên sử dụng tăm bông để lấy ráy tai vì nghĩ rằng đây là cách làm sạch hiệu quả, đảm bảo vệ sinh, đem lại cảm giác sạch sẽ, dễ chịu. Nhiều người thậm chí còn không chịu đựng nổi nếu không ngoáy tai mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng đây là một sai lầm tai hại.
Tại sao không lấy ráy tai bằng tăm bông? Bởi vì thói quen này dễ gây viêm tai, thủng màng nhĩ. (Ảnh: Verywell Health)
Ống tai có những tế bào chuyên sản sinh ráy tai. Đối với một số người, ráy tai phát triển nhanh hơn bình thường. Việc ráy tai tích tụ ngày một nhiều có thể làm giảm khả năng nghe và trong một vài trường hợp có thể gây đau tai.
Vì ngại đến bác sỹ nên nhiều người thường sử dụng tăm bông để lấy phần ráy tai thừa ra. Đây có vẻ là cách làm tiện lợi, nhưng trên thực tế, thói quen dùng tăm bông để lấy ráy tai gây hại nhiều hơn.
Những tác hại có thể rất nghiêm trọng dưới đây sẽ giúp bạn hiểu tại sao không nên lấy ráy tai bằng tăm bông:
Làm đau tai
Dù tăm bông tạo cảm giác êm ái nhưng nó có thể làm tổn thương tai giữa, thậm chí gây thủng màng nhĩ.
Trên trang CNN, TS Seth Schwartz, chủ biên cuốn hướng dẫn y khoa mới của Học viện Tai mũi họng - Phẫu thuật đầu và cổ Hoa Kỳ, cho biết: “Tăm bông, kẹp tóc, chìa khóa nhà và tăm xỉa răng là những vật dụng mà chúng ta thường hay sử dụng để ngoáy tai. Chúng có thể gây ra vết cắt trong ống tai, gây thủng màng nhĩ và làm trật xương thính giác, dẫn đến mất thính lực, chóng mặt, ù tai hoặc các triệu chứng khác của chấn thương tai.
Thay vì dùng chúng, tai người có thể được làm sạch một cách tự nhiên. Cơ thể chúng ta sản xuất ráy tai để giữ cho tai được bôi trơn, sạch sẽ và được bảo vệ. Bụi bẩn và bất cứ thứ gì khác có thể xâm nhập tai chúng ta sẽ bị dính vào ráy tai, không thể di chuyển xa hơn vào ống tai.
Chuyển động thông thường của hàm như nói và nhai cùng với sự phát triển của da bên trong ống tai sẽ làm ráy tai cũ di chuyển từ trong ra ngoài tai, nơi nó được rửa sạch khi tắm”.
Các bác sỹ khuyên không nên cho bất cứ thứ gì vào tai để làm sạch bụi bẩn và mảnh ráy tai. Đây là việc làm rất nguy hiểm, thậm chí có khả năng gây tổn thương ống tai, làm hỏng chuỗi xương trong tai, dẫn đến mất khả năng nghe và các triệu chứng chóng mặt, có tiếng ù trong tai hay các bệnh lý khác.
Đẩy ráy tai vào sâu bên trong
Tăm bông có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, làm tổn hại đến màng nhĩ. Đó là lý do tại sao không nên lấy ráy tai bằng tăm bông. (Ảnh: Prajna)
Nhiều người sử dụng tăm bông để lấy ráy tai ra, nhất là khi ráy tai tích tụ nhiều. Tuy nhiên, tăm bông đôi khi chỉ đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, khiến nó nằm yên ở đó thay vì đi ra khỏi tai.
TS James Battey, Giám đốc Viện quốc gia về chứng điếc và các rối loạn giao tiếp khác tại Mỹ giải thích: “Ráy tai có thể tích tụ khi quá trình tự làm sạch của tai không diễn ra trơn tru. Kết quả là khối ráy tai bịt ống tai lại, làm cản trở việc nghe.
Trong trường hợp này, nếu sử dụng tăm bông, bạn sẽ làm ráy tai bị đẩy sâu vào trong ống tai và dẫn tới tổn hại màng nhĩ. Có khoảng 2% người trưởng thành rơi vào trường hợp này và đi khám bác sỹ vì có triệu chứng mất thính lực”.
Vì thế, trong trường hợp tai có quá nhiều ráy, giải pháp duy nhất là đến phòng khám để loại bỏ nó.
Gây viêm tai
Một trong những đặc tính có lợi nhất của ráy tai là "bẫy" dị vật, côn trùng và ngăn vi khuẩn xâm nhập bên trong. Nó hoạt động giống như một tấm lưới an toàn ngăn chặn vi khuẩn gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khi dùng tăm bông đẩy cả ráy tai sâu hơn bên trong, bạn vô tình tạo đường phát triển cho vi khuẩn, dẫn tới viêm tai. Đó là lý do tại sao bạn không nên lấy ráy tai bằng tăm bông.
TS Seth Schwartz nói: “Hầu hết mọi người đều có và nên có ráy tai. Khi có quá nhiều ráy tai hay xuất hiện các triệu chứng đau đớn, chảy máu hoặc khó nghe, bạn nên tìm tới sự giúp đỡ của các bác sỹ chuyên khoa”.
Ngoài việc ngăn ngừa và loại bỏ vi khuẩn, ráy tai còn không cho bọ và bụi bẩn ngoài môi trường xâm nhập tai. Nó cũng là chất bôi trơn tự nhiên tốt nhất, giúp tai chúng ta không bị khô hay ngứa. Thực tế, ráy được “lập trình” để tự rời khỏi tai bất cứ khi nào con người tham gia các hoạt động thể chất. Nó thực sự có thể tự đẩy mình ra ống tai ngoài. Lúc này, bạn chỉ cần dùng khăn sạch để lau đi là được.
BSCKI. Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, chia sẻ trên website của bệnh viện cách lấy ráy tai tại nhà như sau:
Sử dụng nước muối sinh lý
Nhúng bông gòn sạch vào nước muối sinh lý. Nằm nghiêng người sang một bên, cho miếng bông gòn đã được làm ướt vào tai và để nguyên trong vòng 5 phút. Có thể tiến hành day nhẹ tay để nước muối thấm vào bên trong nhiều hơn.
Sau 5 phút, bạn nằm nghiêng người lại so với hướng ban đầu để phần nước và ráy tai chảy ra ngoài; dùng tăm bông sạch và khăn mềm để thấm và làm sạch cho tai và tiếp tục thực hiện các bước tương tự với bên tai còn lại.
Ngoài ra, để vệ sinh và lấy ráy tai, bạn cũng có thể sử dụng oxy già hoặc nước ấm (không nên dùng nước máy).
Sử dụng thuốc nhỏ tai
Các loại thuốc nhỏ tai có chất chống viêm tai, thường được sử dụng khi cần lấy ráy tai khô và cứng. Sản phẩm cũng được đánh giá là an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Cách dùng như sau: Nghiêng đầu sang một phía và từ từ nhỏ 1 – 2 giọt thuốc vào lỗ tai. Dùng tay xoa nhẹ phần ống tai sau khi nhỏ thuốc. Sau khoảng 1 phút, bạn từ từ nghiêng đầu sang phía ngược lại để phần thuốc nhỏ và ráy tai chảy ra ngoài; sử dụng khăn mềm, sạch để vệ sinh lại lỗ tai và tiếp tục thực hiện các bước tương tự với bên tai còn lại.
Sử dụng ống tiêm bóng đèn
Dùng ống tiêm để bơm nhẹ nhàng nước ấm vào lỗ tai giúp làm ráy tai mềm ra và chảy ra bên ngoài. (Ảnh: AARP)
Nếu nước nhỏ tai không thể loại bỏ được ráy tai, bạn có thể dùng ống tiêm bóng đèn. Các bước thực hiện gồm: Cho nước ấm vào ống tiêm, đặt ống tiêm vào gần phía lỗ tai và bóp đầu ống một cách nhẹ nhàng.
Nước ấm sẽ đi vào bên trong lỗ tai, làm ráy tai mềm ra và chảy ra bên ngoài. Lúc này, bạn chỉ cần nghiêng nhẹ đầu để nước và ráy tai chảy ra, sau đó dùng khăn sạch để lau khô.
Lưu ý:
- Không nên bóp ống tiêm với nước quá mạnh, tránh nguy cơ gây tổn thương với màng nhĩ.
- Sử dụng nước với nhiệt độ phù hợp, không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Không áp dụng phương pháp lấy ráy tai này với người bệnh từng phẫu thuật màng nhĩ hoặc bị thủng màng nhĩ.