Sau cuộc họp giữa phía Ban tổ chức Ngoại hạng Anh và đại diện 20 đội bóng tham dự, phán quyết cuối cùng về vấn đề tiền lương đã được đưa ra. Các CLB sẽ đề nghị cắt giảm 30% lương cầu thủ để tiết kiệm chi phí, duy trì ngân quỹ hoạt động và trả lương cho các nhân viên khác.
Tuy nhiên, Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) cho rằng đây chưa chắc là ý tưởng hay, bởi giảm lương cầu thủ đồng nghĩa khoản thuế thu nhập cầu thủ đóng góp cho chính phủ sẽ giảm xuống. Điều này tác động trực tiếp tới hệ thống y tế Anh, vốn được vận hành từ tiền thuế.
"Các cầu thủ đều lưu tâm rằng khoản tiền thuế trong mức lương của họ đóng góp đáng kể cho ngân quỹ y tế công cộng, vốn đang rất cần thiết vào lúc này. Cắt giảm 30% lương cầu thủ sẽ ảnh hưởng tới sự chắc chắn về tài chính của ngân khố quốc gia", theo PFA.
Các siêu sao ở Anh bị giảm 30% tiền lương.
Hiệp hội đại diện cho quyền và lợi ích cầu thủ đưa ra dẫn chứng: Tổng 30% lương tháng của cầu thủ trong 1 năm có giá trị lên tới 500 triệu bảng, với mức thuế thu nhập 40% sẽ tương đương với 200 triệu bảng tiền thuế. Với tình trạng xấu nhất là các CLB giảm 30% lương cầu thủ trong 1 năm, Chính phủ Anh sẽ mất tới 200 triệu bảng tiền thuế đáng ra phải có, con số rất đáng kể.
"Sự thất thu của chính phủ sẽ ảnh hưởng thế nào tới hệ thống dịch vụ y tế công cộng Anh (NHS). Khi yêu cầu các cầu thủ giảm lương, liệu Bộ trưởng Y tế Matt Hancock có cân nhắc tới điều này không?", PFA đặt dấu hỏi. Hậu vệ Danny Rose của Tottenham cũng đồng ý khi cho rằng Ban tổ chức giải "đẩy cầu thủ vào thế chân tường" khi yêu cầu giảm lương.
Nhiều cầu thủ tại Anh như Marcus Rashford, Andy Robertson,... rất tích cực gây quỹ từ thiện. Mới đây, thủ quân của 20 đội Ngoại hạng Anh, dẫn đầu là Jordan Henderson của Liverpool, cũng quyết định gây quỹ và dự kiến ủng hộ hàng triệu bảng để góp sức chống dịch Covid-19.