Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao cây sanh thường được trồng theo cặp?

(VTC News) -

Sanh là một trong những loại cây cảnh thường được trồng trước cửa nhà, nếu đề ý bạn sẽ thấy người ta thường trồng cây sanh theo cặp, ít khi trồng lẻ, tại sao?

Cây sanh, tên khoa học Ficus Indica L., là loài cây thân gỗ có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trung Quốc. Tại Việt Nam, sanh nằm trong bộ cây cảnh tứ linh cùng với đa, si và sung. Nó rất được ưa chuộng để làm cây phong thuỷ hoặc cây bonsai trang trí.

Hiện nay, thị trường có một số loại cây sanh phổ biến như:

  • Cây sanh Hải Hậu: Phần thân và lá to hơn những giống cây khác, tạo thế sum suê nên được nhiều người chọn mua về trang trí
  • Cây sanh Nam Điền: Có tán lá màu xanh biếc đẹp mắt, thân cây lại có thể thay đổi màu sắc quanh năm, trồng càng lâu thì thân cây sẽ càng có màu đồng, cây giữ thế, dáng lâu và không bị thay đổi.
  • Cây sanh miền Nam: Giống cây sanh chỉ sinh trưởng và phát triển ở khu vực miền Tây Nam Bộ, có lá nhỏ hơn so với các giống cây sanh miền Bắc. Màu của thân cây cũng thay đổi từ xanh thẫm sang trắng đốm khi đã nhiều tuổi. 

Ưu điểm của loài cây này là dễ trồng, dễ chăm sóc, lại chịu được thời tiết khắc nghiệp. Vì vậy, cây sanh được trồng nhiều ở trước cổng nhà, công viên hay các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, nếu để ý bạn sẽ thấy sanh ít khi đứng lẻ một mình mà thường đi theo cặp.

Tại sao cây sanh thường được trồng 2 cây? 

Trong phong thủy, cây sanh mang ý nghĩa trường thọ, sung túc, gia đình sum vầy. Cây sinh trưởng và phát triển rất tốt trong điều kiện khắc nghiệt, thể hiện sức sống kiên cường và sự trường tồn. Do đó sanh đại diện cho sức sống mãnh liệt của con người, cho sự kiên định vững vàng. Cây đâm trồi, nảy lộc, phát triển tốt tạo nên cả cảnh đẹp và bóng mát nên thường được trồng trước cửa nhà, công viên...

Tại sao trồng cây sanh thường trồng 2 cây? (Ảnh: Thành Lâm)

Khi trồng cây sanh người ta thường trồng 2 cây, đặt đối xứng nhau. Lý do là cây sanh còn thể hiện cho mối quan hệ vợ chồng hoà thuận, nếu trồng một cây sẽ tạo cảm giác lẻ loi. Nếu chẳng may một cây sanh bị chết, người ta thường trồng ngay một cây khác vào để tạo lại thế đối xứng, có đôi có cặp.

Hai cây hai bên còn tạo thế cân bằng, điều có ý nghĩa trong cả thẩm mỹ và phong thủy. Trồng một cây thì khi nó cao lớn sẽ tạo thành thế "độc thụ", vừa không đẹp vừa thể hiện sự lẻ loi, cô độc, thiếu cân bằng. Đó là lý do tại sao trồng cây sanh thường trồng 2 cây.

Ngoài ra, các nhà phong thủy cho rằng cây sanh có dương khí mạnh nên cần trồng hai cây hai bên để điều hòa nhau, không làm ảnh hưởng đến dương khí của gia chủ.

Những lưu ý khi trồng cây sanh

Cây sanh có khả năng tự sinh trưởng tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bỏ mặc cây, không chăm sóc. Bạn cần tỉa cảnh, tuốt lá, tưới nước để cây luôn tươi tốt và đẹp. Nếu để cây phát triển tự nhiên, lá sẽ quá um tùm, rậm rạp.

- Cắt tỉa: Dùng kéo cắt bỏ đi những phần cành thừa và lá hư hỏng, tạo hình thành dáng bonsai mà bạn mong muốn.

- Tạo rễ: Bạn có thể tạo rễ cho cây sanh theo một trong hai cách. Thứ nhất là dùng dao cắt vào thân cây, sâu đến phần sắp ra rễ của cây rồi xịt thuốc kích thích ra rễ, phủ một lớp lưới lên để tránh bị khô. Sau khoảng 1 - 2 tuần, rễ cây sẽ mọc thẳng đẹp. Cách 2 là ghép rễ: Tách hẳn một mảng rễ của cây khách có dính phần da của thân, sau đó rạch một đoạn tương ứng trên thân cây mẹ, cho phần rễ vào và quấn thật chặt. Phần rễ ghép sẽ tự liền và phát triển bình thường.

- Bạn nên trồng cây sanh ở vị trí dưới bóng râm để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

- Tưới nước trung bình 2 lần/tuần.

- Bón phân cho cây khoảng 6 tháng một lần.

- Các bệnh thường gặp ở cây sanh là sâu cuốn lá, bọ trĩ, bệnh đốm đen, sâu đục thân... Cách phòng trừ là phun các loại thuốc hoặc hỗn hợp lưu huỳnh - vôi.

Do trồng cây sanh thường trồng 2 cây nên mọi người sẽ cố gắng chăm sóc để cả hai cây đều phát triển tốt. Nếu một cây chết, người ta sẽ sớm bổ sung cây mới để tạo thế hài hòa.

Minh Anh (Tổng hợp)

Tin mới