Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao bóng dáng trùm Năm Cam và đàn em có trong ‘Người phán xử’?

Giám đốc sản xuất, NSƯT Đỗ Thanh Hải, giải thích lý do tại sao bóng dáng trùm Năm Cam và đàn em có trong ‘Người phán xử’.

Video: Trailer "Người phán xử"

Hai bộ phim truyền hình dài tập Việt Người phán xửSống chung với mẹ chồng vừa lên sóng đã gây bão dư luận. PV có cuộc trò chuyện với NSƯT Đỗ Thanh Hải xung quanh sức hấp dẫn của hai tác phẩm này.

Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC, Đài truyền hình VN. (Ảnh: NVCC)

Phim chỉ có sức hút khi khán giả thấy đời sống trên màn ảnh

- Bộ phim "Người phán xử" mới lên sóng đã có sức hút mạnh mẽ. Những câu chuyện úp mở về "cảm hứng Năm Cam" và đàn em đã mang đến sức hấp dẫn lớn cho bộ phim. Là người nắm kịch bản phim, anh có thể nói nhiều hơn về việc mượn những hình ảnh giang hồ có thật ở Việt Nam lồng trong 1 kịch bản Israel chuyển thể?

 
Phim dành cho khán giả Việt thì đương nhiên phải nói được câu chuyện hay vấn đề của xã hội Việt nam.

Đỗ Thanh Hải

Đó là dụng ý của chúng tôi khi quyết định sản xuất Người phản xử. Phim dành cho khán giả Việt thì đương nhiên phải nói được câu chuyện hay vấn đề của xã hội Việt nam. Nếu không đó chỉ là một bộ phim thành thạo kỹ thuật dàn dựng mà cảm xúc không có.

Việc này càng quan trọng khi bắt tay Việt hoá một kịch bản nước ngoài, phim chỉ thành công và thu hút khán giả khi chúng tôi kể cho khán giả một câu chuyện mà chính họ thấy nó đã hay đang tồn tại quanh đời sống của mình.  

- Nếu không có bóng dáng Năm Cam và đàn em cài cắm trong "Người phán xử", bộ phim hẳn đã không có sức hút đến thế?

Đó là một trong những yếu tố tạo nên sự quan tâm với bộ phim chứ không phải tất cả. Tôi thấy nhân vật Phan Quân được ê kíp làm phim sáng tạo rất sinh động, vừa ma mãnh quỷ quái, vừa nặng tình ân oán.

Cũng phải nói thêm là bộ phim này may mắn có sự cộng tác của nhiều nghệ sỹ tài năng, có người đang ở độ chín về nghề, có người mà tài năng đã được khán giả ghi nhận nhưng vẫn cho thấy sự đam mê và tận tâm với từng vai diễn, dù ngắn hay dài.

Chính chúng tôi cũng chờ đợi một dự án phim như thế này từ rất lâu để thuyết phục khán giả hãy tiếp tục dành sự ủng hộ với phim truyền hình Việt.

Phim truyền hình Việt từng bế tắc. Những cuộc "xâm lăng" ồ ạt của phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc đã từng đánh bại phim Việt. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của những "Tuổi thanh xuân", "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng"… có thể được lý giải như thế nào, theo anh?

Đúng là có một khoảng thời gian, chúng ta đã để hoạt động sản xuất phim truyền hình diễn ra ồ ạt. Nhiều đơn vị sản xuất phim tư nhân, mà thực chất là các công ty truyền thông, lấy tiêu chí tạo ra lợi nhuận, bán quảng cáo nên không coi trọng giá trị nội dung của phim, chỉ cố gắng đưa vào đó những gương mặt đẹp hay những sự bóng bẩy, hào nhoáng bên ngoài.

Nhiều kịch bản chất lượng kém vẫn được sản xuất. Do đó chất lượng phim truyền hình giảm sút, kéo theo là sự thờ ơ của khán giả. Hiện nay tình trạng đó đang lặp lại với hoạt động sản xuất game show. 

VFC là một đơn vị làm phim lớn của VTV, có kinh nghiệm và đội ngũ làm nghề được đào tạo bài bản nên chúng tôi cố gắng giữ chất lượng để không bị yếu tố thị trường, kinh doanh tác động đến mức thả nổi chất lượng nội dung.

Bên cạnh đó, VTV đã có chiến lược phát triển phim truyền hình Việt rất cụ thể, ngoài vấn đề nội dung là cốt lõi thì các hoạt động hợp tác sản xuất với các đài truyền hình quốc tế, bổ sung thiết bị chuyên nghiệp và nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ làm phim được đầu tư.

Những đề tài liên quan đến chân dài, đại gia, nhà lầu, xe hơi từng được lầm tưởng là sẽ kéo được khán giả trở về với phim truyền hình Việt, nhưng hóa ra tội ác của những băng đảng xã hội đen, đời sống mâu thuẫn giữa nàng dâu và mẹ chồng… mới đang làm "đảo điên" cộng đồng mạng. Theo anh, đề tài hay cách xử lý đề tài có thể giúp một bộ phim gây bão với dư luận?

Những đề tài này không mới, đã từng được khai thác trong nhiều phim truyền hình. Nhưng điểm thấy rõ là chất lượng phim, cách thể hiện hình ảnh, phong cách sáng tác đã có sự thay đổi.

VFC trong nhiều năm qua đã trao những cơ hội làm phim cho các đạo diễn trẻ và chính họ đã góp phần tạo nên sự mới mẻ cho những bộ phim của VFC. Những đạo diễn trẻ như Mai Hiền, Khải Anh, Bùi Tiến Huy, Quốc Việt... đã dần dần khẳng định được tay nghề, chững chạc đứng tên đạo diễn trong nhiều bộ phim được khán giả yêu thích hay đạt các giải thưởng nghề nghiệp.

Đôi khi, tôi cũng có những tranh luận về nghề với họ và nhận thấy chính mình phải thay đổi vì tư duy làm nghề đã chuyển dịch theo thời gian, chưa kể lớp khán giả mới hôm nay xem phim ngày càng đòi hỏi chất lượng và gu thẩm mỹ cao hơn.

Câu chuyện của ông trùm Năm Cam và đàn em được đưa vào phim Người phán xử. (Ảnh: VFC)

Phải âm thầm sản xuất "Người phán xử"

VFC từng có series phim "Cảnh sát hình sự" kéo dài với nhiều phần, trong đó nhiều phần phim bị chê rập khuôn, khô cứng. Trong phim "Người phán xử", đời sống tội phạm có sức thuyết phục hơn, điều đó hẳn là được rút kinh nghiệm từ series "Cảnh sát hình sự"? 

Chúng tôi đã từng có lúc cho dừng sản xuất một số kịch bản hình sự đã được duyệt để xem lại tính hấp dẫn và thuyết phục của dòng phim này. Cái khó là làm phim truyền hình đề cập hình ảnh cảnh sát hình sự phải luôn giữ sự chuẩn mực, kiên trung và hạn chế một số bí mật nghiệp vụ điều tra.

Chưa kể phim khai thác giới tội phạm, còn phải kể ở mức vừa phải để không tạo ấn tượng cái xấu đang phổ biến công khai trong xã hội.

Dự án phim Người phán xử đã được âm thầm sản xuất trong suốt hai năm qua. Chúng tôi phải giữ thông tin dự án để không bị những ý kiến săm soi, hay không may tạo ra dư luận thiếu tích cực, ảnh hưởng đến quá trình làm phim.

Không phải chỉ với đề tài này mà nhiều bộ phim chúng tôi vừa phát sóng một, hai tập nhưng đã từng có ý kiến đề nghị cắt sửa hay điều chỉnh vì thấy nhân vật hay tình huống nào đó được khai thác hơi khác biệt.

 Bộ phim được âm thầm sản xuất trong suốt hai năm, không dám hé lộ thông tin, sợ có nhiều ý kiến ảnh hưởng đến quá trình làm phim. (Ảnh: VFC)

- Điều khó nhất để chuyển tải những câu chuyện giang hồ, tội ác có thật lên màn ảnh theo anh là độ sát thực, chân thật hay là nhào nặn để câu chuyện hấp dẫn hơn, “phim ảnh” hơn?

Tôi nghĩ quan trọng nhất là tính thuyết phục của câu chuyện phim. Dù nói về cái tốt, cái xấu, đều phải khiến khán giả thấy thuyết phục.

Một bộ phim truyền hình dành cho nhiều tầng lớp khán giả muốn hấp dẫn không chỉ cần có đề tài hay, mà phải là cách làm phim có nghề với những cảnh quay hấp dẫn, tạo được cảm xúc cho khán giả.

Bên cạnh "Người phán xử" còn có "Sống chung với mẹ chồng" cũng đang thu hút dư luận. "Sống chung với mẹ chồng" tìm được sự đồng cảm với nhiều cô dâu, nhiều mẹ chồng ngoài đời thực. Hẳn chất liệu cuộc sống đã giúp bộ phim này thắng thế?

Không thể phủ nhận kịch bản này có câu chuyện chạm vào vấn đề mà đông đảo khán giả quan tâm. Vì vậy mà khi chúng tôi mới giới thiệu trailer, một số trích đoạn phim đã tạo nên cơn sốt.

Tôi đã xem toàn bộ các tập phim và nhận thấy câu chuyện phim rất hấp dẫn, thậm chí chưa từng được khai thác kỹ như vậy.

Ngoài ra, có thể đời sống hiện đại hôm nay với nhiều gia đình trẻ, vợ chồng bận rộn nên sự thiếu quan tâm, thậm chí thiếu tinh tế để nhận thấy tấm lòng, tình cảm của những người mẹ cả đời hy sinh cho chồng con , chỉ mong mỏi được tham gia vào mọi ngóc ngách cuộc sống hôn nhân của vợ chồng trẻ.

Bi kịch cũng từ đây mà ra, hay nói cách khác là bi kịch của những người quá yêu thương nhau.

 Bộ phim Sống chung với mẹ chồng gây sốt ngay từ tập đầu tiên. (Ảnh: VFC)

Để có được loạt dự án gây chú ý với khán giả, hẳn VFC đã chi mạnh tay để đầu tư: Từ kịch bản, cát-sê diễn viên, chi phí sản xuất, thu tiếng đồng bộ… Những khoản tiền nào các anh sẵn sàng chi mạnh để đẩy cao chất lượng phim truyền hình?

Tôi sẽ không bao giờ tiết lộ con số vì điều đó không giúp cho hoạt động sản xuất của chúng tôi tốt hơn.

Tôi chỉ có thể chia sẻ rằng những dự án phim gần đây của VFC được khán giả đón nhận, thu hút sự quan tâm của dư luận là kết quả bước đầu của sự đầu tư vào chiến lược con người, đội ngũ sáng tác và cả tính chuyên nghiệp trong hoạt động làm phim của VTV.

Sự sáng tạo và phát triển nhân lực làm phim chắc chắn là những hạng mục xứng đáng để đầu tư nhất.

 

Nguồn: Zing News

Tin mới