Sau khi lấy ráy xong, khách hàng này đã được chuyển thẳng tới bệnh viện để làm phẫu thuật do nhân viên để "quên" cây móc ráy trong tai.
Chiều 9/3, BV Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận một nam bệnh nhân được nhân viên một tiệm hớt tóc trên địa bàn TP đưa đến trong tình trạng đau, ù tai phải với dụng cụ bằng kim loại lấy ráy tai nằm dính trong đó. Đây là ca cấp cứu hi hữu nhất từ trước đến nay tại BV Tai Mũi Họng.
Bệnh nhân khai, khi lấy xong ráy tai ở tiệm hớt tóc thì nhân viên phát hiện bị mất cây móc và đã tìm thấy trong lỗ tai khách hàng. Kéo cây móc ra không được nên tiệm đã đưa khách hàng đi bệnh viện.
BS Lê Khánh Huy, BV Tai Mũi Họng, cho biết kết quả khám và nội soi thấy đầu móc dụng cụ ráy tai là một dây thòng lọng quàng vào cán xương búa (sau màng nhĩ có ba xương dẫn truyền âm thanh: Xương búa, xương đe và xương bàn đạp). Các bác sĩ đưa bệnh nhân lên phòng mổ gây mê, nội soi tách xương búa và cái móc ra. Sau khi tách thấy xương búa bị trật khớp quay ra trước nên bác sĩ dùng dụng cụ chỉnh lại cho đúng.
Cây móc ráy lấy từ tai bệnh nhân. Ảnh: Tiền Phong |
Sáng nay, 10/3, sau khi chụp CT và đo thính giác thấy bệnh nhân bình thường, màng nhĩ bị chấn thương nên bệnh viện cho thuốc kháng sinh, đồng thời cho bệnh nhân xuất viện và hẹn ngày tái khám.
"Bình thường nếu bệnh nhân không bị thủng màng nhĩ thì khi người lấy ráy tai đụng vào nhĩ sẽ gây đau, giựt mình. Đằng này bệnh nhân bị viêm tai xương chũm, màng nhĩ đã bị thủng (thể nặng hơn viêm tai giữa) nên người lấy ráy tai mới đưa móc tai qua màng nhĩ mà bệnh nhân không nghe đau. Khi thấy xương búa lò ra người ta tưởng ráy tai nên cố kéo ra. Trường hợp này, nếu không dừng đúng lúc có thể sẽ kéo đứt xương búa" - BS Huy nói.
BS CKII Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng, khuyến cáo quý ông không nên lấy ráy tai ở tiệm vì bị dễ bị lây nấm tai của người khác do dụng cụ lấy ráy tai là dùng chung, không được vệ sinh thường xuyên. Hậu quả là nấm tai gây bội nhiễm tại chỗ, nếu để lâu sẽ ăn vào tai giữa gây viêm tai giữa, không được điều trị kịp thời sẽ gây viêm xương chũm".
"Bên cạnh đó việc
lấy ráy tai
không đúng cách sẽ gây chấn thương ngoài. Thêm nữa, ngoáy tay bằng bông sẽ dồn ráy vào trong. Mặc khác, nhân viên lấy ráy tai có nhiều người không nhìn được màng nhĩ gây thủng nhĩ và không hiểu biết các cấu trúc tai nên có thể lấy ra luôn xương trong đó" - BS Vinh nói.Nguồn: Tiền Phong