Chúng ta cần phải đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể nào đó, mà phải xét cả đến danh dự, vì đã là vinh dự nhà nước mà lại thế nọ thế kia thì rất không hay.
Phó Cục trưởng Cục người có công (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Duy Kiên nêu quan điểm khi trao đổi với phóng viên về việc xét tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cho những trường hợp tái giá.
Phó Cục trưởng Cục người có công (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Duy Kiên (Ảnh ND) |
- Mấy ngày gần đây dư luận quan tâm nhiều đến các trường hợp nếu tái giá không được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phải chăng các bà mẹ khi đã tái giá sẽ không được phong tặng danh hiệu cao quý này?
Không phải cứ tái giá thì không được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo quy định hiện nay, bà mẹ có 1 con duy nhất, hoặc có 2 con liệt sỹ thì đương nhiên được công nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng, dù có tái giá hay không.
Riêng với trường hợp có con và chồng là liệt sỹ, nhưng nếu đã tái giá, tức là đã chuyển sang hôn nhân mới, thì mặc định hôn nhân cũ đã mất hiệu lực. Vì khái niệm chồng được hiểu là người mà hôn nhân đang có hiệu lực.
- Tuy nhiên việc xét tặng danh hiệu cho các trường hợp bà mẹ đã tái giá cũng có những cái cần phải bàn. Chẳng hạn như trường hợp mẹ M. như ở TP.HCM có 1 con và chồng là liệt sỹ, nhưng đã tái giá. Vậy trường hợp này nếu lấy chồng cũ ra làm tiêu chuẩn được không?
Cái này trong quy định vẫn chưa có và cần phải chờ hướng dẫn để cân đối với các văn bản pháp luật khác nữa, chẳng hạn như luật hôn nhân gia đình. Được hay không không quan trọng, nhưng về mặt hành lang pháp lý thì cần phải có.
- Vậy cơ quan nào có trách nhiệm hướng dẫn vấn đề này?
Nghị định 56 quy định rõ, cơ quan chỉ đạo hướng dẫn việc truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng là Bộ Nội vụ.
Có nhiều trường hợp, trong đó có cả trường hợp của mẹ M. chúng tôi đã nhận được phản ánh của địa phương, nhưng vì quy định như hiện nay rất vướng trong việc có xét tặng hay không.
Trên cơ sở đó chúng tôi đã có liên tiếp 3 văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể các trường hợp đã tái giá, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Có thể Bộ Nội vụ không trực tiếp làm vì nhiều khả năng do Ban thi đua khen thưởng phụ trách. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản lên Ban thi đua khen thưởng rồi.
- Hôm trước Chính phủ cũng hỏi việc này, và chúng tôi cũng báo cáo lại như vậy. Thực tế hiện nay còn rất nhiều cái vướng. Chẳng hạn là con nuôi thì xử lý như thế nào? Có 1 con và chồng trước là liệt sỹ và đang ở với chồng sau thì có được phong tặng không?...
Còn hàng chục vấn đề xoay quanh chuyện này chứ không phải chỉ có một. Rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải có thông tư hướng dẫn, nhưng mình chỉ có quyền đề nghị thôi chứ không có quyền đứng ra thực hiện.
Bộ Nội vụ phải là cơ quan đứng ra chủ trì việc này, còn các đơn vị khác như Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng cũng chỉ là phối hợp thôi.
Vẫn còn nhiều chậm trễ trong việc xét tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng cho những trường hợp tái giá
- Theo quan điểm của ông, những trường hợp có con và chồng là liệt sỹ, nhưng đã tái giá thì có nên công nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng?
Theo tôi, mọi thứ đều phải có một chuẩn mực nhất định. Nếu càng tôn cao phẩm chất thì danh hiệu ấy càng có giá trị. Ngược lại nếu hạ dần phẩm chất đi thì danh hiệu ấy lại giảm giá trị đi.
Ngày xưa chúng ta đề nghị phải có 3 con, giờ lại hạ xuống 2 con liệt sỹ thì được xét tặng. Nhưng thời bình đã vậy, còn thời chiến tranh thì thế nào? Bây giờ trong thời bình, khi phong tặng gần hết rồi chúng ta lại mở rộng thêm. Nếu giải quyết ào ạt như vậy lúc đó sẽ thế nào?
- Nhưng nếu xét về mặt tình cảm tri ân thì những trường hợp “đang cân nhắc” như vậy có nên xét tặng cho các mẹ đã cả một đời cống hiến cho cách mạng?
Việc xét tặng ở đây chủ yếu là danh hiệu nhà nước thôi, chứ chế độ không có gì to lớn cả. Nếu nói phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng thì bây giờ chúng ta hãy phụng dưỡng những trường hợp cô đơn đi. Việc trợ cấp thường được tính theo từng hoàn cảnh cá nhân cụ thể.
Những trường hợp như mẹ M. thì chỉ là chậm trễ trong hướng dẫn thôi chứ chúng ta không thể quy kết là vô cảm được. Trên thực tế cũng có nhiều trường hợp đã chờ đợi từ năm ngoái, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Đối với những trường hợp tái giá nhưng không đăng ký kết hôn thì quan điểm của Cục chúng tôi là vẫn được xét tặng. Tuy nhiên đối với những trường hợp tái giá, và có đăng ký kết hôn thì Cục phải chờ hướng dẫn.
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần xét đến khái niệm đạo đức ở đây. Ví dụ một bà mẹ đủ tiêu chuẩn, nhưng khi chồng chết lại lăng nhăng mà cả địa phương biết, trong quy định hiện nay lại không đề cập đến. Những trường hợp như vậy ngày xưa cũng có chứ không phải không, vì thế chúng ta phải tính đến đủ các khả năng xảy ra.
Chẳng hạn như một trường hợp ở Quảng Ninh, vốn là mẹ Pháp nên địa phương vẫn chưa giải quyết, dù trên thực tế bà ấy đã đủ tiêu chuẩn vì chỉ có một đứa con duy nhất là liệt sỹ.
Vì thế chúng ta cần phải đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể nào đó, mà phải xét cả đến danh dự, vì đã là vinh dự nhà nước mà lại thế nọ thế kia thì rất không hay.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet