Quả mướp là loại rau được ưa thích vì hương vị thơm ngon đặc biệt, lại có tác dụng thanh nhiệt, giải nhiệt rất tốt. Mướp cũng chứa nhiều vitamin Am vitamin C, vitain K và khoáng chất, giàu chất chống oxy hóa như các carotenoid (chẳng hạn như lutein, zeaxanthin và beta-carotene), các chất xơ hòa tan. Nhờ đó, nó giúp tăng cường sức đề kháng, tốt cho hệ tiêu hóa, có lợi cho mắt, da và tim...
Nói đến mướp, người ta thường chỉ nghĩ đến phần thịt quả, không biết rằng phần vỏ cũng chứa nhiều chất quý giá. Vậy vỏ quả mướp có tác dụng gì, cách sử dụng ra sao?
Theo Sohu, vỏ mướp cũng là vị thuốc trong y học cổ truyền Trung Quốc. Vỏ mướp vị ngọt, tính lạnh, có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Và dưới đây là những công dụng tuyệt vời của vỏ mướp theo Trung y:
Vỏ quả mướp có tác dụng gì? Bạn có thể nấu nước vỏ mướp uống để thanh nhiệt, giải độc. ( Ảnh: Sohu)
Thanh nhiệt, giải độc
Khi thời tiết nóng, cơ thể dễ bị nhiệt, mệt mỏi. Vì vỏ mướp có tính lạnh, lại rất giàu vitamin C, carbohydrate và các chất dinh dưỡng khác nên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Để tận dụng lợi ích này, bạn rửa sạch vỏ mướp, cho vào nồi cùng với nước vào nồi, đun trên lửa lớn.
Khi nước sôi, bạn hạ lửa vừa rồi nhỏ, tiếp tục nấu trong 5-8 phút rồi tắt bếp, để nguội. Mỗi ngày, bạn có thể oống 2-3 cốc nước vỏ mướp để thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.
Làm trắng da và trị mụn
Vỏ mướp rất giàu carbohydrate, riboflavin (vitamin B2), vitamin E và các chất dinh dưỡng khác. Sự kết hợp của các chất này có tác dụng làm trắng da và loại bỏ mụn trứng cá. Cách sử dụng rất đơn giản, có thể dùng đường uống hoặc bôi ngoài.
Đường uống: Sắc 9-15gr vỏ mướp với nước hoặc phơi khô tán thành bột để uống.
Dùng ngoài: Sử dụng một lượng vỏ mướp thích hợp xay nhuyễn để bôi.
Việc ăn mướp cả vỏ cũng cũng có nhiều lợi ích cho da, có thể loại bỏ mẩn ngứa, viêm da và có tác dụng làm trắng da.
Giảm phù nề
Vỏ mướp có tác dụng tiêu phù thũng rất tốt. Cách sử dụng là đun vỏ mướp với nước, sau khi sôi thì để khoảng 20 phút với lửa vừa và nhỏ rồi lọc lấy nước, để nguội, cho vào chai để bảo quản, dùng chườm lên vùng da bị phù nề.
Vỏ mướp có tác dụng tiêu phù thũng rất tốt. (Ảnh: Sohu)
Mặc dù vỏ mướp có tác dụng tốt như vậy, các thầy thuốc Trung y cảnh báo, những người đàn ông kém về khả năng cương dương nên tránh sử dụng vỏ mướp để không gây xuất tinh sớm.
Ngoài ra, nếu không đảm bảo chắc chắn quả mướp mình sử dụng được trồng theo quy trình an toàn, bạn cũng không được sử dụng vỏ mướp để tránh đưa vào cơ thể các chất độc hại.
Rất nhiều bộ phận của cây mướp được dùng làm thuốc, chẳng hạn như lá, hoa, dây, quả, rễ, xơ... Trong bài viết trên Báo Sức khỏe và Đời sống, BS Hoàng Xuân Đại nêu một số bài thuốc từ mướp như sau:
- Chữa nứt nẻ đầu vú: Lá mướp hương phơi khô, đốt tồn tính (không để cháy thành than), tán bột mịn, hòa với dầu vừng bôi vào đầu vú. Cách này còn chữa chảy máu chân răng rất tốt.
- Chữa lở ngứa: Rễ mướp sắc lấy nước để ngâm, rửa những vùng bị lở ngứa.
- Chữa sốt cao, đau đầu: Hoa mướp 20gr, hạt đậu xanh để cả vỏ 100gr, ninh nhừ lấy 400ml nước cốt. Vớt xác đậu xanh ra, cho hoa mướp đã thái nhỏ vào, đun sôi trong 5 - 10 phút. Để nguội, chắt lấy nước uống 2 - 3 lần trong ngày.
- Chữa mề đay: Lá mướp tươi một nắm nghiền nát thành nước, thêm vào một chút băng phiến, bôi lên vết mề đay.
- Chữa tắc tia sữa: Xơ mướp 1 cái, gai bồ kết 10 cái, hành tươi hoặc hành khô 1 củ. Tất cả băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng trong 2 - 3 ngày, kết hợp xoa nắn ngực cho thông tia sữa.
- Làm thông sữa: Mướp nướng tồn tính, nghiền vụn, uống 3 - 6gr với chút rượu. Sau khi uống, cần đắp chăn cho ra mồ hôi.
- Chữa băng huyết: Mướp hương 1 - 2 quả, huyết dụ 2 - 3 lá, rễ cỏ tranh 20gr, rễ cỏ giày 20gr, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống ngày 2 lần.
- Điều hòa kinh nguyệt: Dùng 1 quả mướp khô đốt tồn tính, tán bột, uống ngày 10gr vào sáng sớm lúc đói bụng. Mỗi liệu trình 10 ngày.
- Chữa phù thũng: lá mướp hương 15gr, cây cứt lợn 10gr thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống 1 lần trong ngày. Dùng 5 - 7 ngày.
- Chữa nước ăn chân: Lá mướp hương để tươi, giã nát, lấy nước hoặc đem nướng lá, rồi giã đem xát vào chỗ tổn thương.
- Chữa viêm họng: Lá mướp hương rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống một lần.
- Chữa ho kéo dài: Lá mướp hương 15gr nấu nước uống.
(*) Lưu ý: Các bài thuốc được đăng tải trong bài chỉ để tham khảo, việc dùng thuốc nhất thiết phải theo sự chỉ định của bác sỹ.