Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tác dụng của mỡ lợn với sức khỏe

(VTC News) -

Dưới đây là những tác dụng của mỡ lợn đối với sức khỏe bạn không nên bỏ qua.

Mỡ lợn (mỡ heo) được cho rằng chứa nhiều chất béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, việc ăn mỡ lợn điều độ cũng đem lại lợi ích cho sức khoẻ. Vậy, mỡ lợn có tác dụng gì với sức khỏe?

Tác dụng của mỡ lợn

Bồi bổ nội tạng

Báo Lao động dẫn nguồn tờ Aboluowang cho biết, mỡ lợn rất bổ dưỡng, thỉnh thoảng ăn một ít mỡ heo cũng có thể bồi bổ nội tạng. Ăn mỡ lợn tác dụng bồi bổ nhất định cho lá lách, dạ dày và phổi của chúng ta, người gầy yếu có thể ăn một ít mỡ lợn sẽ phù hợp. Ăn mỡ lợn cũng có thể tăng tốc độ tiêu hóa và khai vị.

Cải thiện chức năng tim mạch

Báo VnExpress dẫn lời Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mỡ lợn mặc dù có axit béo bão hòa nhưng giàu khoáng chất, tốt cho sức khỏe và vitamin như vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể. Lượng vitamin D trong mỡ lợn có tác dụng giúp cải thiện chức năng tim mạch, duy trì sức khỏe của phổi và hô hấp, tăng cường chức năng cơ bắp và giúp cơ thể phòng chống nhiễm trùng.

Mỡ lợn rất tốt cho sức khỏe nếu như ăn điều độ

Tốt với một số nhóm người

Bài viết của Bác sĩ Hồ Văn Cưng trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra, trong một số trường hợp, mỡ heo thích hợp với người bị các bệnh như thiếu máu, chóng mặt, suy dinh dưỡng, tóc gãy rụng, tóc bạc sớm, táo bón, tay chân nứt nẻ, phụ nữ sau sinh…

Việc sử dụng mỡ động vật với liều lượng hợp lý, phù hợp với từng lứa tuổi và giai đoạn phát triển đều mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe của người dùng.

Nhuận tràng

Mỡ lợn là loại thực phẩm tương đối nhờn, nên thỉnh thoảng ăn một ít mỡ lợn sẽ có tác dụng nhuận tràng. Nếu bạn gặp vấn đề về táo bón, bạn có thể ăn một ít mỡ lợn, có thể làm giảm vấn đề táo bón.

Lời khuyên của chuyên gia

Trên báo VnExpress, bác sĩ Lê Quang Hào, Viện dinh dưỡng Quốc gia thông tin, mỡ lợn không làm tăng nguy cơ bệnh tật, chỉ những người cao tuổi, người bị các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu... thì nên kiêng. Người bình thường nên cân bằng cả dầu và mỡ, tỉ lệ phối hợp lý tưởng nhất giữa dầu thực vật và mỡ động vật trong bữa ăn là 50 : 50. Trẻ nhỏ dưới một tuổi nên ăn mỡ và dầu ở tỷ lệ 70 : 30. Từ trên một tuổi ăn tỉ lệ mỡ và dầu tỷ lệ 50 : 50.

Nên cân đối lượng chất béo trong bữa ăn. Với trẻ em dưới một tuổi, chất béo chiếm 40-50% năng lượng khẩu phần ăn, trẻ 1 -3 tuổi chất béo chiếm 35- 40% năng lượng khẩu phần ăn, trẻ đến 10 tuổi là 30-35%, trẻ trên 10 tuổi và người trưởng thành là 20-25% năng lượng khẩu phần ăn.

Hạ An (Tổng hợp)

Tin mới