Bên cạnh các dược liệu Đông y nổi tiếng như cỏ ngọt, kim tiền thảo, đương quy... thì kỷ tử và táo đỏ cũng là những nguyên liệu được sử dụng khá phổ biến. Vậy, kỷ tử và táo đỏ có tác dụng gì với sức khoẻ?
Tác dụng của kỷ tử và táo đỏ với sức khoẻ
Tác dụng của táo đỏ
Bài viết của BS Vũ Hồng cho biết, táo đỏ (hồng táo) vị ngọt, tính bình. Theo Đông y, táo đỏ tác dụng bổ tỳ vị, lợi khí, sinh tân dịch, cường lực, giảm ho, bổ huyết, an thần, giải độc dược, điều hòa các loại thuốc.
Táo đỏ chủ trị tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, kém ăn, hồi hộp, suy nhược cơ thể, bồn chồn khó ngủ, lở loét ngoài da, táo bón, nghẹt mũi.
Liều dùng: Ngày dùng 3-10 quả táo đỏ.
Cách dùng: Dùng cả quả táo đỏ khô sắc uống. Có thể chưng nhừ, bỏ hột và vỏ lấy phần thịt quả trộn với các dược liệu khác làm hoàn. Ngoài ra, quả hồng táo còn được sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn bài thuốc trị bệnh, cải thiện sức khỏe.
- Kiêng kỵ: Trái xanh ăn không tốt, không nên ăn nhiều. Ăn táo với hành làm ngũ tạng bất hòa, ăn với cá làm đau bụng, đau thắt lưng.
Táo đỏ và kỷ tử rất tốt cho sức khoẻ
Tác dụng của kỷ tử
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, kỷ tử là dược liệu được dùng trong Đông y từ xa xưa, được nhận xét là có vị ngọt, tính bình, chủ yếu dùng cho các bài thuốc an thần, ích khí, trừ phong, cường thịnh âm đạo và nhuận phế.
Dựa trên ghi chép của Sổ tay lâm sàng trung dược, kỷ tử chứa hoạt chất là betaine (cũng được tìm thấy trong rau bina và củ cải đường), rất tốt cho da và tóc, cải thiện tình trạng nếp nhăn nên được nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng.
Trong quyển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, kỷ tử chứa một hàm lượng lớn chất béo, có lợi, protein và axit linoleic.
Những chất dinh dưỡng của kỷ tử còn được khám phá chi tiết trong Nghiên cứu của Triệu Hủ Huấn và Từ Quốc Quân (Trung Quốc) đó là: mỗi 100g kỷ tử, ta sẽ bắt gặp 150mg canxi, photpho 6,7mg, caroten 3,96mg cùng 18 loại axit amin, các chất khoáng khác như sắt, kẽm, phốt pho và vitamin B2.
Đặc biệt, nếu so sánh với rau bina cùng đậu nành thì hàm lượng sắt của kỷ tử lớn hơn rất nhiều, điều này cũng tương tự khi so sánh hàm lượng beta-caroten của kỷ tử với cà rốt.
Cách sử dụng kỷ tử táo đỏ
Bài viết của BS. Vũ Hồng trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, mặc dù táo đỏ và kỷ tử tác dụng rất tốt đối với sức khỏe nhưng phải dùng đúng cách, đúng liều lượng.
- Sử dụng hằng ngày: Khi sử dụng kỷ tử và táo đỏ hằng ngày bạn cần lưu ý đến tính vị, liều lượng và những tác dụng của mỗi vị thuốc như đã nêu trên.
- Sử dụng làm trà: Táo đỏ và kỷ tử được dùng khá phổ biến trong các gói trà hoa hãm uống hằng ngày với tác dụng bổ huyết, sáng mắt, an thần. Với cách dùng này bạn có thể sử dụng hằng ngày với liều lượng 5-7 quả kỷ tử, 1-2 quả hồng táo. Dùng duy trì 1-2 tháng liên tục, mỗi năm có thể dùng 2-3 đợt.
- Sử dụng trong các món hầm: Với các món hầm có thể sử dụng 50-70g kỉ tử, 5-7 quả hồng táo. Ngoài ra, có thể kết hợp với 50g ý dĩ, 15g thục địa, 20g đương quy để món ăn thêm bổ dưỡng. Với cách chế biến này, bạn có thể duy trì 1 bữa trong 1-2 tuần.
Trên đây là tác dụng của kỷ tử và táo đỏ đối với sử khoẻ. Hãy sử dụng táo đỏ và kỷ tử đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé.