Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tác dụng của củ đinh lăng

(VTC News) -

Ở Việt Nam củ đinh lăng được trồng khá phổ biến và được nhiều người sử dụng, vậy tác dụng của củ đinh lăng là gì?

Ở Việt Nam, củ đinh lăng được biết đến như một loại nhân sâm của người nghèo. Vậy tác dụng của củ đinh lăng là gì? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.

Tác dụng của củ đinh lăng

Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), đinh lăng là loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao khoảng 0,8 - 1,5m. Lá to, mọc so le, kép lông chim, lá chét răng cưa nhọn. Lá có mùi thơm khi vò nát, cuống dài, phát triển thành bẹ to ở phần cuối.

Rễ củ của cây đinh lăng chứa nhiều saponin và công dụng tương tự như nhân sâm.

Bài viết của ThS.BS Nguyễn Quang Dương (Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh) trên Báo Khoa học & Đời sống cho thấy, củ cây đinh lăng có giá trị cao, tác dụng bồi bổ cơ thể phục hồi tốt cho người mới ốm dậy, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Các thầy thuốc Đông y quý củ đinh lăng lâu năm như sâm cao ly.

Củ rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.

Tác dụng của củ đinh lăng.

Một số bài thuốc từ củ rễ của cây đinh lăng

Một số bài thuốc từ củ rễ của cây đinh lăng trên website của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM):

- Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, ho, đau, tức ngực, nước tiểu vàng: Đinh lăng tươi (rễ, cành) 30g, lá hoặc vỏ chanh 10g, vỏ quýt 10g, sài hồ (rễ, lá, cành) 20g, lá tre tươi 20g, cam thảo 30g, rau má tươi 30g, chua me đất 20g. Các vị cắt nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia uống 3 lần trong ngày.

- Chữa sốt rét: Rễ đinh lăng, sài hồ mỗi vị 20g; rau má 16g; lá tre, cam thảo nam mỗi vị 12g; bán hạ sao vàng 8g; gừng 6g. Sắc lấy nước uống.

- Chữa viêm gan mạn tính: Rễ đinh lăng 12g, nhân trần 20g, ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất mỗi vị 8g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang.

Lưu ý khi sử dụng củ rễ của cây đinh lăng

Theo thông tin trên website Bệnh viện Vinmec, tương tự như các loại cây có nhựa mủ, thì đinh lăng cho nhựa nhiều ở phần vỏ. Phần nhựa này cũng nằm trong thành phần dược chất được chiết xuất từ đinh lăng. Và liều lượng dùng quá mức quy định có thể gây độc đối với người dùng. Liều chết LD50 xác lập trên chuột của đinh lăng là 32,9 gam/kg, còn với nhân sâm 16,5 gam/kg; ngũ gia bì 14,5 gam/kg.

Ngoài ra, thành phần độc tố saponin trong đinh lăng có thể gây vỡ hồng cầu. Nếu uống quá nhiều đinh lăng có thể dễ gặp phải tình trạng say, mệt mỏi và tiêu chảy.

Trên đây là những thông tin giải đáp về tác dụng của củ đinh lăng và những lưu ý khi sử dụng củ rễ đinh lăng.

Vân Anh (Tổng hợp)

Tin mới