Đặc điểm và tác dụng của cây hương nhu
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, hương nhu thuộc họ Hoa môi, nguồn gốc ở miền Trung bắc của Ấn Độ, là loài cây có mùi thơm, dáng bụi thẳng, cao 30 - 75 cm. Thân của hương nhu có lông mịn.
Lá hương nhu mọc đối, hình trứng, có lông, mép lá có răng cưa, đầu nhọn hoặc tù. Hoa hương nhu nhỏ, mọc chùm, màu tím, xếp thành từng chùm dài xoắn gần nhau.
Dưới đây là những tác dụng của cây hương nhu với sức khoẻ:
Giảm lo lắng, căng thẳng
Tinh dầu trong hương nhu với mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng có tác dụng thư giãn tâm trí, chống trầm cảm, giảm lo âu tương đương với hiệu quả của thuốc chống trầm cảm và diazepam.
Mỗi ngày dùng 500mg chiết xuất hương nhu sẽ giảm căng thẳng, lo lắng, mang lại trạng thái tâm lý thư giãn cho trí não.
Kháng viêm, chống nhiễm trùng
Axit linoleic và eugenol trong hương nhu có khả năng chống viêm trên động vật. Ngoài ra, lipoxygenase và cyclooxygenase trong hương nhu còn ức chế chuyển hóa axit arachidonic nên có thể kiểm soát viêm nhiễm. Khả năng chống viêm này có giá trị tương đương với một số thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen, diclofenac.
Từng có nghiên cứu cho thấy, cây hương nhu có thể dùng trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn ở các bệnh như tả, thương hàn, viêm phổi, nhiễm trùng vết thương, nhiễm khuẩn tiết niệu.
Kiểm soát đường huyết
Chiết xuất hương nhu sau khi sử dụng 30 ngày có thể làm giảm 26,4% đường huyết và ngăn ngừa tăng glucose huyết tương trên chuột bị tiểu đường. Điều này cho thấy hương nhu có khả năng kiểm soát chỉ số đường huyết khá hiệu quả.
Cũng từng có nghiên cứu thực hiện trên bệnh nhân tiểu đường type 2 trong 12 tuần khi sử dụng 300mg chiết xuất từ lá hương nhu và thuốc glibenclamide. Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân này cải thiện lượng đường huyết và HbA1c hơn so với nhóm chỉ dùng thuốc tiểu đường.
Hạ cholesterol máu
Nghiên cứu sử dụng lá hương nhu trên động vật cho kết quả giảm cholesterol LDL và tăng cholesterol HDL. Ngoài ra, tinh dầu hương nhu chứa Eugenol có tác dụng giảm cholesterol trong gan, thận, tim.
Tốt cho dạ dày
Đối với dạ dày, chiết xuất hương nhu có thể bảo vệ tổn thương dạ dày do các vết loét thông qua cơ chế:
- Giảm tăng tiết axit và tăng tiết tế bào chất nhầy, tăng chất nhầy.
- Tăng tuổi thọ tế bào chất nhầy.
Nghiên cứu được thực hiện năm 2012 trên động vật uống liều 200mg/kg chiết xuất hương nhu cho kết quả giảm số lượng và chỉ số vết loét tới 66,67%.
Cây hương nhu có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ
Các bài thuốc chữa bệnh có hương nhu
Báo Lao động dẫn lời Lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (Huế), hương nhu tía là cây dùng để làm thuốc chữa bệnh rất quen thuộc trong nhân dân cũng như trong Đông y.
Lương y Thích Tuệ tâm chỉ ra 9 công dụng - bài thuốc chữa bệnh rất hiệu quả có sử dụng hương nhu tía như sau:
- Trị chứng hôi miệng: Hương nhu tía 10g sắc với 200ml nước còn 100ml. Dùng nước sắc từ hương nhu để súc miệng và ngậm hàng ngày, nên dùng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Dùng liên tục trong 15 ngày.
- Giúp tóc nhanh dài, bóng mượt: Hương nhu tía, lá bưởi (hoặc vỏ bưởi), quả bồ kết khô (đã đốt qua), mỗi vị 10g, nấu với 3 lít nước, pha ấm gội đầu. Tuần gội 2 lần, giúp tóc nhanh dài và rất mượt.
- Chữa tiêu chảy do lạnh bụng: Hương nhu tía 12g, tía tô (lá và cành), mộc qua, mỗi vị 9g, sắc nước với 3 bát nước còn 1 bát, uống trong ngày sau bữa ăn sáng.
- Chữa phù thũng, nước tiểu đục: Hương nhu tía 9g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 12g, sắc với 600ml nước còn khoảng 200ml, uống thay trà hàng ngày. Mỗi liệu trình điều trị trong 10 ngày.
- Trẻ chậm mọc tóc: Hương nhu tía 40g, sắc với 200ml nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, ngày bôi 1-2 lần. Trước khi bôi cần vệ sinh da đầu cho trẻ sạch sẽ tránh viêm nhiễm do da đầu bụi, bẩn.
- Chữa cám sốt, nhức dầu, dau bụng, chân tay lạnh: Hương nhu tía 500g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, bạch biến đậu (sao) 2000g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10g có khi đến 20g với nước sôi để nguội.
- Chữa cảm, làm ra mồ hôi, hạ sốt: Hương nhu, hoắc hương, bạc hà, sả, tía tô, lá bưởi, lá chanh mỗi thứ 10g. Tất cả rửa sạch, đun sôi dùng xông hơi.
- Phòng, chữa cảm nấng, say nắng: Lá hương nhu 32g, hạt đậu ván -32g, củ sắn dây 24g, gừng sống 12g. Các vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần người lớn dùng 16g, trẻ em 8g; hãm với nước sôi, gạn uống.
- Chữa trẻ em chậm mọc tóc: Hương nhu sắc đặc, hòa với mỡ lợn bôi hàng ngày.
Trên đây là những tác dụng của cây hương nhu với sức khoẻ. Nếu bạn muốn sử dụng cây hương nhu với mục đích chữa bệnh thì cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng.