Ngày 2/12, các đại diện thường trực của EU đã đạt được thỏa thuận về đề xuất của nhóm G7 áp đặt trần giá dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng. Đại diện thường trực Ba Lan tại EU Andrzej Sados thông báo rằng, “Ba Lan đã đồng ý thỏa hiệp với Liên minh châu Âu (EU) về việc đưa ra mức trần đối với dầu của Nga là 60 USD/thùng, điều này sẽ cho phép EU chính thức thông qua quyết định này vào cuối tuần”. Ba Lan là quốc gia EU duy nhất cho đến thời điểm này ngăn chặn việc áp trần giá dầu, khi yêu cầu giá phải được hạ thấp hơn nữa.
Một nhà máy lọc dầu của Nga ở vùng Amur (Ảnh: TASS)
Phiên bản cập nhật của thỏa thuận quy định rằng, các quốc gia EU có thể xem xét mức giá tối đa đối với nguyên liệu thô từ Nga hai tháng một lần, để nó thấp hơn 5% so với giá thị trường. Trần giá này chỉ áp dụng cho dầu vận chuyển bằng đường biển. Biện pháp này sẽ không tác động trực tiếp đến việc mua dầu Nga của các nước EU, vì đồng thời với nỗ lực đưa ra mức giá trần, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga, được đưa ra trong tháng 6, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Đối với EU, trần giá dầu từ Nga chủ yếu liên quan đến việc cấm vận chuyển đường biển hoặc bảo hiểm cho việc vận chuyển dầu của Nga, nếu nó được giao cho các nước thứ ba với giá cao hơn mức trần do EU quy định.
Như các chuyên gia Nga và châu Âu đã nhiều lần lưu ý, biện pháp này sẽ chỉ có tác dụng nếu có đủ số lượng các nước nhập khẩu tham gia cơ chế này. Nếu không, nó sẽ chỉ gây ra những biến dạng mới trên thị trường dầu mỏ và chỉ có thể dẫn đến tăng thu nhập của Nga. Đại diện lãnh đạo Nga đã nhiều lần tuyên bố, nước này sẽ không cung cấp dầu cho các nước tham gia cơ chế này.
Maxim Chirkov - Phó Giáo sư bộ môn Kinh tế Chính trị- Khoa Kinh tế Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên V. Lomonosov cho rằng, việc áp trần giá dầu sẽ không dẫn đến tổn thất cho nền kinh tế Nga, vì có nhiều lựa chọn để lách các hạn chế. Cách được mong đợi nhất là giao dịch thông qua các nước thân thiện. Ví dụ, Ấn Độ mua dầu của Nga với số lượng kỷ lục. Đồng thời, nếu xem xét kỹ các tài liệu, sẽ có nhiều trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, trần giá không tính đến chi phí vận chuyển và bảo hiểm, tức là những chi phí này có thể được tính vào giá cuối cùng và nó sẽ cao hơn giá trần. Ngoài ra, dầu được xử lý bên ngoài nước Nga không bị hạn chế, đây là hầu hết các loại dầu được vận chuyển qua đường ống dẫn đến châu Âu.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép cung cấp dầu mỏ Nga cho Bulgaria, Croatia và các quốc gia không giáp biển thuộc EU. Ngoài ra, Mỹ tuyên bố rằng, cho đến ngày 23/9/2023, Nga được phép cung cấp dầu từ mỏ Sakhalin-2 cho Nhật Bản. Giá trần sẽ không áp dụng cho dầu của Nga, nếu nó được xử lý đáng kể. Chuyên gia kết luận, với những ngoại lệ này, giá trần sẽ không thực sự hiệu quả.