Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sửng sốt với nghĩa địa mộ thân cây gỗ lim nguyên vẹn từ 3.000 năm trước ở Hưng Yên

Lớp vải, cói và lớp bồi đã tạo ra vỏ bọc xung quanh xác chết cứng, chắc chắn, yếm khí chẳng khác gì các xác ướp Ai Cập.

Kỳ 2 (kỳ cuối): Giải mã bí ẩn mộ thân cây

Chẳng ai rỗi rãi thống kê, so sánh xem nhà khảo cổ nào ở nước ta đào được nhiều mộ thân cây khoét rỗng nhất, tuy nhiên, trong những ngày lang thang theo ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, tôi tin rằng, ông Hoành là người đã bỏ nhiều công sức nhất vào những chiếc mộ thân cây hình thuyền độc mộc. Cả cuộc đời làm khảo cổ của ông, đã có tới hơn 30 năm đi đào mộ cổ và số lượng mộ thân cây được ông và các cán bộ đào lên nhiều nhất.

Hầu hết những chiếc mộ thân cây cổ nhất, đẹp nhất, nguyên vẹn nhất đều được quật lên từ lòng đất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, vùng đất mà ông gắn chặt cả sự nghiệp khảo cổ của mình. Mộ thân cây cũng được tìm thấy rải rác ở vùng Hải Phòng, Quảng Ninh, nhưng so với vùng Hải Hưng cũ thì không đáng kể.

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông Tăng Bá Hoành đã phát hiện ra nghĩa địa mộ thân cây khổng lồ ở làng Động Xá. Khi người dân đào đào ao, phát hiện loại mộ táng này, ông đã tức tốc về tận nơi, cùng nhân dân tát ao, tiếp tục đào xới. Kết quả, ông đã đào lên được hàng chục chiếc mộ thân cây tuyệt đẹp, vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Tăng Bá Hoành bên những chiếc mộ thân cây được bảo quản sơ sài ở Bảo tàng Hải Dương.

Dùng các phương tiện thô sơ để dò, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã phát hiện thêm được 100 ngôi mộ dưới lòng đất trong phạm vi chừng 2ha.

Việc phát hiện nghĩa địa mộ thân cây tập trung dày đặc trên phạm vi một thôn, đã gây chấn động, bàng hoàng không những giới khảo cổ trong nước, mà gây ngạc nhiên cho cả giới khảo cổ học quốc tế.

Điều đặc biệt là nghĩa địa mộ thân cây này có niên đại rất cổ, thậm chí có ngôi đến 2.500, thậm chí 3.000 năm.

Sau một thời gian khai quật, nghiên cứu và công bố, ông Hoành cũng như các chuyên gia khảo cổ học quốc tế đều công nhận nghĩa địa mộ thân cây khoét rỗng hình thuyền của cư dân Đông Sơn ở Động Xá còn nguyên vẹn và đẹp nhất Đông Nam Á. Những ngôi mộ này sẽ là kho sử liệu quý giá, giúp các nhà khoa học phục dựng lại đời sống của cư dân Đông Sơn xa xưa. 

Ngoài những ngôi mộ khai quật được ở nghĩa địa mộ thân cây Động Xá, ông Hoành còn khai quật được khá nhiều mộ dạng hình thuyền độc mộc ở Hải Dương.

Năm 2001, cả nước phải sửng sốt với hai ngôi mộ thân cây khoét rỗng hình thuyền ở Kiệt Thượng (xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương). Đây là hai ngôi mộ cực kỳ nguyên vẹn, mặc dù đã có tuổi 2.000 năm. Mọi thứ trong ngôi mộ còn nguyên. Xương cốt đầy đủ, thậm chí quần áo bằng vải thô còn bền, đồ tùy táng cực kỳ hoàn chỉnh. Kể cả những hạt quả vải tu hú (vải trái mùa, ăn chua) vẫn còn. Cung tên bằng đồng còn nguyên cả cán.

Mộ thân cây trong lồng kính ở Bảo tàng Hải Dương. 

Đặc biệt là chiếc di đồng rất đẹp, là thứ đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam. Di đồng là vật dụng của quan lại, nhà giàu, dùng để rửa tay, rửa mặt.

Trong mộ còn rất nhiều vật dụng khác như thau đồng, đai lưng đồng, thố đồng, bát đồng, giáo đồng, lao đồng, rìu đồng, tấm che ngực bằng đồng, nồi đồng, kiếm sắt, nhĩ bôi (chén hình tai), ghế gỗ, vỏ quả bầu...

Trong lòng thân cây khoét rỗng thậm chí chứa rất nhiều xương chó, xương lợn. Điều này giải thích rằng, người Việt cổ quan niệm chết chỉ là đi về thế giới khác, nên cũng được chia của, để người chết mang theo sử dụng. Chính vì thế, người sống đã gửi cho người chết cả chó và lợn.

Sau khi khai quật chữa cháy ngôi mộ Kiệt Thượng 1, ông Hoành khẳng định sẽ còn ngôi mộ nữa, bởi ông biết rằng, mộ thân cây thường “có đôi”.

Và quả thực, không lâu sau, ông cùng đồng nghiệp đã lại quật lên mộ thân cây Kiệt Thượng 2, ngay cạnh đó, cũng đẹp và hoàn chỉnh không khác gì ngôi Kiệt Thượng 1.

Từ hai ngôi mộ đặc biệt này, các nhà khoa học có thể dựng lại khá chi tiết đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng thời đó. Còn các nhà nhân chủng học, với bộ xương nguyên vẹn, có thể miêu tả, phục dựng khá chi tiết hình dáng người Việt cách nay 2.000 năm.

 Con sông ở làng Động Xá, nơi đào được cả trăm mộ thân cây dưới lòng sông.

Nói đến chuyện phục dựng đời sống thời Đông Sơn, thậm chí phục dựng cả khuôn mặt, dáng vóc người Đông Sơn, không thể không nói đến TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á. Ông Việt là người đã phục dựng thành công khuôn mặt phụ nữ thời Đông Sơn thông qua một hộp sọ của người phụ nữ. Qua đó, chúng ta có thể hình dung rõ ràng hơn về tổ tiên xa xưa của mình.

Dù nghiên cứu mộ thân cây khoét rỗng, còn gọi là mộ thuyền sau ông Hoành, song TS. Nguyễn Việt là người say mê loại mộ này đến quên ăn quên ngủ. Tuy nhiên, ông Việt không đồng ý với cách gọi loại mộ táng này là mộ thuyền, mà ông gọi là mộ hình thuyền, hoặc gọi theo cách gọi của thế giới là mộ thân cây khoét rỗng.

Thực tế, cho đến lúc này, chúng ta mới chỉ phát hiện duy nhất một ngôi mộ làm bằng chiếc thuyền, còn tất cả đều làm bằng thân cây khoét rỗng. Ngôi mộ làm bằng thuyền được phát hiện ở Động Xá. Đó là một chiếc thuyền, có thể là thuyền hỏng, được cưa đôi để làm quan tài. Bên trong chiếc thuyền chứa nhiều đồ tùy táng, song chỉ là đồ cũ, hỏng, vỡ, ít giá trị.

Ông Việt kết luận, đó là một ngôi mộ của người nghèo và họ nghèo đến nỗi, không có được chiếc quan tài đục bằng thân cây rỗng như bình thường, nên phải cưa chiếc thuyền hỏng làm quan tài.

Sau khi sự kiện mộ thân cây khoét rỗng được phát hiện ở Động Xá, TS. Nguyễn Việt đã đặc biệt quan tâm đến khu vực này.

Vào năm 2002, ông đã tìm về Động Xá và đi khảo sát một vòng. Không cần đào bới, khai quật, ông dễ dàng nhìn thấy những chiếc mộ thân cây lòi ra ở bờ mương.

 Gò đất này chôn rất nhiều bộ xương cổ do người dân Động Xá cải táng khi đào trúng mộ thân cây.

Nhìn cảnh di sản quý giá bị bỏ rơi, ông Việt rất đau xót, đã gặp lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đề xuất việc khai quật, kinh phí do ông bỏ ra. Tuy nhiên, đề xuất của ông đã không được đáp ứng.

Năm 2004, qua dự án nghiên cứu về đời sống cư dân Đông Sơn của các nhà khoa học Australia, TS. Nguyễn Việt mới được tiếp cận trực tiếp với nghĩa địa mộ thuyền Động Xá thông qua các cuộc khai quật.

Cuộc khai quật nhiều ngày ở Động Xá đã để lại cho TS. Nguyễn Việt nhiều cảm xúc, bởi ông đã có vô vàn phát hiện mới mẻ. Ông không khai quật kiểu truyền thống, cứ phá mộ, rồi vẽ sơ đồ, ghi chép, sau đó thì hoàn táng cho người chết, rồi cuối cùng di vật cũng tan nát cả. Khi phát hiện một ngôi mộ thân cây còn nguyên vẹn, TS. Nguyễn Việt đã cho máy cẩu, nhấc cả ngôi mộ bằng thân cây và lập tức đem về phòng thí nghiệm.

TS. Nguyễn Việt đầy vẻ tự hào: “Chúng ta thấy xác ướp các vị vua Ai Cập thú vị là vì trải qua mấy ngàn năm, những xác chết đó vẫn còn nguyên. Nhưng chúng ta đâu biết rằng, tổ tiên chúng ta từ thời Đông Sơn, cách nay hơn 2.000 năm, cũng vẫn còn nguyên vẹn, từ quan tài thân cây hình thuyền, đến xương cốt, đồ tùy táng…”.

Theo TS. Nguyễn Việt, nếu phá ngôi mộ này ra ghi chép ngay tại bờ ruộng, lòng sông, thì sẽ chẳng thấy nó đặc biệt, vì sau đó, mọi thứ tan nát hết, nhưng để nguyên cả quan tài với xác ướp bên trong mà chiêm ngưỡng, thì thú vị không kém gì xác ướp Ai Cập. 

Quan tài thân cây nguyên vẹn ở Bảo tàng Hưng Yên. 

Ngay sau khi trục chiếc quan tài thân cây hình thuyền lên khỏi mặt đất, TS. Nguyễn Việt đã dày tâm ngày đêm cùng các chuyên gia vùi đầu nghiên cứu. Ông đã lập hẳn một cơ sở mới ở Quảng Ninh để phục vụ cho các cuộc nghiên cứu mộ thân cây. Ông bảo, đã 6 năm trôi qua, kể từ ngày phát hiện ngôi mộ thân cây ở Động Xá, ông vẫn chưa thể khám phá hết được sự đặc biệt từ ngôi mộ này.

Riêng gỗ để sử dụng làm quan tài, là vấn đề đau đầu với các nhà khoa học. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Việt đã gửi mẫu gỗ sang Đức và bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các nhà khoa học Đức đã xác định được loại gỗ làm quan tài chủ yếu là gỗ lim.

Điều đặc biệt là quan tài được chôn dưới lòng đất, đầy bùn nhão, song bên trong quan tài lại chỉ có một lớp phù du đậm đặc, cực mịn. Lớp phù du này đã ngấm qua các thớ gỗ, thân cây suốt cả ngàn năm vẫn chưa đầy lòng quan tài.

Như vậy, theo TS. Nguyễn Việt, để làm được một chiếc áo quan bằng thân cây khoét rỗng, với phương tiện rất thô sơ, người Đông Sơn đã phải rất kỳ công.

Từ việc hạ cây gỗ lim khổng lồ, vận chuyển từ rừng xuống đồng bằng, rồi chẻ làm đôi, đục thành máng như cái thuyền, rồi mài dũa để khi lắp vào khít đến mức nước không ngấm qua được là cả một quá trình tốn rất nhiều công sức. Chỉ có những cư dân của xã hội no đủ, có thừa thãi thời gian, mới làm được những chiếc quan tài như thế.

Khi người chết được đặt vào quan tài, tấm thiên đậy lại, người ta tiếp tục dùng chất kết dính bôi kín, rồi đóng mộng thật khít, tạo ra môi trường yếm khí, nên mới bảo quản được xác lâu dài dưới lòng đất.

Ngoài việc làm quan tài cầu kỳ, thì việc “bảo quản” xác chết cũng rất kỳ công. Xác chết trong ngôi mộ thân cây mà ông khai quật được bọc bởi 40 lớp vải, rồi đến lớp cói. Mỗi lớp vải lại được bồi một lớp hợp chất kết dính như keo. Lớp vải, cói và lớp bồi đã tạo ra vỏ bọc xung quanh xác chết cứng, chắc chắn, yếm khí chẳng khác gì các xác ướp Ai Cập.

Những chiếc quan tài thân cây khai quật ở Động Xá được bảo quản sơ sài trong những bể nước ở Bảo tàng Hưng Yên. 

TS. Nguyễn Việt tin rằng, nếu những xác chết này, cùng quan tài bằng thân cây được đặt trong môi trường khô ráo, yếm khí như trong các kim tự tháp, thì các xác chết cũng sẽ được bảo quản rất tốt.

Theo TS. Nguyễn Việt, ngoài vùng Động Xá, thì nhiều vùng khác ở Đồng bằng Sông Hồng, lòng đất vẫn bảo quản tốt mộ thân cây.

Qua các cuộc nghiên cứu mộ táng thân cây, TS. Nguyễn Việt có thể dựng lại hình ảnh của xã hội Đông Sơn cách nay từ 2-3.000 năm.

Khi đó, đang diễn ra quá trình tiến biển. Lớp phù sa phủ mặt đất dày chừng 10cm (hiện giờ phù sa đã dày 70cm). Người Đông Sơn từ các vùng núi tiến xuống, chỉ cần rắc hạt lúa xuống đất là có ăn. Thời đó, trình độ canh tác lúa nước đã đạt tới đỉnh cao, nghề trồng lúa đã rất hoàn thiện.

Những chiếc mộ thân cây chính là cánh cửa để tìm hiểu về xã hội Đông Sơn thời xưa, xã hội mà chúng ta ngày nay có rất ít thông tin và sự hiểu biết. Phát hiện này cho phép khẳng định tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam là những người đã sáng tạo ra nền văn hóa Đông Sơn.

Cũng qua những hiện vật bằng đồng tìm được trong mộ thuyền Đông Sơn, đặc biệt là những chiếc trống đồng, có thể khẳng định rằng, kỹ thuật, mỹ thuật đúc đồng, cũng như văn hóa của người Việt thời Đông Sơn đã đạt trình độ khá cao, không kém gì những nền văn minh đương thời trong khu vực.

“Qua những chứng cứ tìm được từ mộ thân cây, chúng ta có thể tự tin tự hào về tổ tiên mình, là những người thông minh, sáng tạo, đầy tài hoa, chứ không phải là một bộ lạc nguyên thủy, đóng khố, sống trong hang đá, đàn ông chỉ biết đi săn, đàn bà chỉ biết hái lượm, trong những câu chuyện cổ tích” – ông Tăng Bá Hoành rưng rưng tự hào nói như vậy.

Video: Bên trong mộ cổ 600 năm ở Hà Tĩnh có gì?

Phạm Dương Ngọc

Tin mới