Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sững sờ với ‘Ngàn năm mây trắng’ - Vở diễn đầu tiên kết hợp 4 loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam

Lần đầu tiên sân khấu kịch Việt Nam có một vở diễn kết hợp nhuần nhuyễn 4 loại hình nghệ thuật truyền thống gồm: Chèo, cải lương, hát xẩm và hát văn Huế.

Buổi tổng duyệt vở kịch hát Ngàn năm mây trắng do Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, biểu diễn vừa diễn ra tối 11/8.

Ngàn năm mây trắng được dàn dựng nhằm hưởng ứng Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, đồng thời là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nàng Tô Thị bồng con đi tìm chồng trong vở kịch "Ngàn năm mây trắng". 

Tới dự buổi duyệt vở kịch Ngàn năm mây trắng có NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Bên cạnh đó, buổi tổng duyệt cũng có sự tham dự của lãnh đạo của các đơn vị tham gia dàn dựng vở Ngàn năm mây trắng gồm: NSƯT Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Trần Minh Hùng -  Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Ngô Minh Hiển -  Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản của vở diễn "Ngàn năm mây trắng".

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản của vở diễn Ngàn năm mây trắng. Ông viết vở kịch này từ cảm hứng các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta có vô vàn Hòn Vọng Phu: Người vợ chờ chồng nơi chiến trận trở về, chờ chồng đi biển nhưng bặt vô âm tín, chờ chồng đi làm ăn buôn bán phương xa, chờ chồng đi sứ, đi ra nước ngoài hay một số lý do, hoàn cảnh nào đó…Câu chuyện về nàng Tô Thị mang tính điển hình rất cao, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lay động lòng người.

Năm 1997, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đến thăm, chiêm bái tượng đá nàng Tô Thị và viết bài thơ Trước nàng Tô Thị. Sau này, bài thơ tiếp tục là cảm hứng, là tứ để ông viết vở kịch hát Ngàn năm mây trắng.

Lấy cảm hứng từ sự tích Hòn vọng phu - Nàng Tô Thị, nhưng PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đưa vào trong nội dung vở kịch những tình huống mới lạ, độc đáo kết hợp với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác nhau.

 

Ngàn năm mây trắng kể về hành trình đi tìm chồng – Trần Khôi của nàng Tô Thị. Trong hành trình ấy, nàng luôn nhận được sự hỗ trợ của Trương Lỗ (em kết nghĩa với Trần Khôi). Thế nhưng cuối cùng, nàng phát hiện ra sự thật, chính Trương Lỗ là người giết chết chồng nàng. Hắn vì dã tâm muốn có được Tô Thị mà phản bội tình huynh đệ.

Với Ngàn năm mây trắng, lần đầu tiên trên sân khẩu kịch Việt Nam xuất hiện một vở diễn hay và lạ, phát huy thế mạnh của các loại hình nghệ thuật truyền thống, hòa trộn nhuần nguyễn 4 loại hình nghệ thuật dân gian như chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế…  .

"Ngàn năm mây trắng" kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Cải lương, chèo, hát xẩm và hát văn Huế.

Buổi tổng duyệt vở kịch Ngàn năm mây trắng thu hút đông đảo khán giả tới xem. Họ liên tục dành cho các nghệ sĩ biểu diễn những tràng pháo tay không ngớt.

Ngay sau tổng duyệt vở Ngàn năm mây trắng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đánh giá: "Cải lương và chèo đóng vai trò chủ đạo trong vở kịch hát này. Ngoài ra còn có xẩm, hát văn Huế và thậm chí trong diễn xuất của diễn viên có bóng dáng của tuồng. Những loại hình nghệ thuật này được đưa vào vở diễn hợp lý". 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết thêm: "Ngàn năm mây trắng khéo léo xây dựng tình huống là nàng Tô Thị đi tìm chồng. Nàng đi qua những vùng đất khác nhau và bắt gặp các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Nếu không có đường dây như thế, sự gán ghép các loại hình nghệ thuật khác nhau trong một vở kịch có thể thành khiên cưỡng". 

Trương Lỗ đâm chết Trần Khôi vì muốn có được nàng Tô Thị.

Chính vì có sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nên vở Ngàn năm mây trắng có 2 đạo diễn. Đó là NSƯT Thanh Ngoan phụ trách phần chèo, xẩm, hát văn Huế; NSƯT Triệu Trung Kiên phụ trách phần cải lương.

Khi được hỏi về cảm xúc của mình khi tác phẩm được công diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên - một trong hai đạo diễn của vở kịch cho biết: “Khi các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu, tôi thấy rõ ràng một không khí hồ hởi, thích thú dưới khán giả. Nếu xét về cảm xúc của người xem, chúng tôi đã thành công, còn chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe các ý kiến của giới chuyên môn để hoàn thiện vở diễn".

 

NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ thêm về những khó khăn khi thực hiện vở kịch hát Ngàn năm mây trắng: “Khó khăn nhất là làm sao để hòa trộn các loại hình nghệ thuật gồm: Chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế trong cùng một vở kịch. Có thể nói, trên sân khấu kịch Việt Nam, chưa có một tác phẩm nào có sự hòa trộn như thế này.

Rất may, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam tập hợp nhiều nghệ sĩ thuộc các thể loại nghệ thuật dân gian khác nhau. Khi dàn dựng vở kịch Ngàn năm mây trắng, chúng tôi lấy lực lượng chính là các diễn viên của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Các nghệ sĩ vào vai rất ổn, toát lên hình tượng của nhân vật và tạo được dấu ấn riêng trong diễn xuất".

"Ngàn năm mây trắng" sẽ được biểu diễn rộng rãi đề phục vụ khán giả.

Ngàn năm mây trắng có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như của các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

Sau khi tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, vở Ngàn năm mây trắng sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, được phát sóng trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đài phát thanh, truyền hình địa phương.

Huyền Trâm

Tin mới