Nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên, một trong những người sáng lập ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hồ sơ của cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã vượt qua 3 vòng xét duyệt, đủ các hồ sơ và đứng đầu danh sách đề nghị với 100% số phiếu bầu của Hội đồng xét duyệt nhưng lại không có tên trong danh sách nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 vừa công bố.
Bà Đinh Tuyết Lan, con gái của cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên cho biết, ban đầu gia đình chỉ muốn làm hồ sơ xét duyệt giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, hội đồng cấp ngành vì nhận thấy những đóng góp lớn lao của nhạc sĩ nên đã khuyên gia đình xin xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh.
“Qua 3 vòng xét duyệt, với số phiếu đạt 100%, gia đình chúng tôi yên tâm hồ sơ của ba mình sẽ đạt. Vậy nhưng, cuối cùng ông không có tên trong danh sách những người được trao tặng giải thưởng. Điều này khiến chúng tôi rất đau xót”, bà Tuyết Lan nói.
Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên là một trong những bậc lão thành của nền âm nhạc Việt Nam. “Không thể đo đếm hết những đóng góp của ông đối với cuộc kháng chiến và âm nhạc cách mạng dân tộc. Cả cuộc đời ông dành trọn cho những sáng tác và phát triển khí nhạc.
Ông và dàn kèn đã thổi vào những tác phẩm âm nhạc cách mạng đầu tiên và nâng lên thành những tác phẩm kinh điển như Tiến quân ca; Vì nhân dân quên mình; Sông Lô; Chiến sĩ Việt Nam; Qua miền Tây Bắc, Lãnh tụ ca...
Bản thân những sáng tác, cụm tác phẩm đặc biệt vẫn dùng đến ngày nay làm nhạc hiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), các đài phát thanh và truyền hình, kèn hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cụm kèn hiệu đến nay vẫn dùng cho Quân đội nhân dân Việt Nam như kèn nghiêm, chào, nghi lễ dành cho các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quân đội khi duyệt binh; chào đón lãnh đạo cao cấp ra vị trí đón tiếp. Kèn hiệu báo thức, làm việc, giải lao, ăn cơm, điểm danh, làm hiệu lệnh duy trì các chế độ sinh hoạt, huấn luyện và chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, tại các trường học, các bài trống chào cờ, trống diễu hành đều là sáng tác của ông”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết.
Ngoài ra, từ năm 1949 đến nay, tác phẩm Hải cảng về ta và Phủ thông chiến thắng thường xuyên được sử dụng trong diễu binh, diễu hành và các sự kiện thể thao của nước ta. Tác phẩm Xuân chiến thắng thường xuyên được phát trên sóng phát thanh và truyền hình mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Tác phẩm Vọng gác tiền tiêu vùng Duyên hải được biểu diễn thường xuyên với quy mô lớn suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, có tác dụng cổ vũ lớn lao với quân dân miền Bắc trong lao động và chiến đấu. "Hành khúc tang lễ" được dùng trong tang lễ của Nhà nước và Quân đội.
Theo bà Tuyết Lan, khi nhạc sĩ còn sống cũng như khi đã mất, chưa bao giờ gia đình bà đòi hỏi “bản quyền” các tác phẩm của ông đến bây giờ vẫn được sử dụng mà chỉ lấy đó làm niềm tự hào của gia đình.
“Khi được Hội đồng xét duyệt đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, cả gia đình đều thầm cảm ơn Hội đồng xét duyệt và những người làm nghề biết ông và đã không quên ông. Nhưng cho đến hôm nay, danh sách được trao giải lại không có tên ông?”.
Bà Đinh Tuyết Lan cung cấp cho báo chí những tư liệu quan trọng về cuộc đời của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên. Trong đó có bức ảnh với bút tích của nhạc sĩ Văn Cao ghi rõ: “Một kỷ niệm với cháu Đinh Tuyết Lan với những năm tháng cùng người nhạc sĩ lớn Đinh Ngọc Liên là bạn đồng hành nhiều năm với những tác phẩm đầu tiên. Người cùng tôi là đồng tác giả về Quốc ca của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về sự thay đổi nhịp điệu".
Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên cùng thế hệ với những nhạc sĩ gạo cội như nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khoát…Những người cùng thời với ông, thậm chí thuộc đàn em của ông đều đã được vinh danh.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đã dẫn toàn bộ đội kèn Bảo an ninh về với cách mạng, trở thành Đoàn quân nhạc Vệ quốc đoàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông cũng là người đầu tiên sáng tác nhạc cho nhạc kèn. Cho đến nay số nhạc sĩ sáng tác cho nhạc kèn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những tác phẩm của ông là những trang ghi chép lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, điều khó hiểu là những hồ sơ đặc biệt xứng đáng theo cách đánh giá của Hội đồng chuyên ngành cấp Cơ sở, cấp Nhà nước như nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên không được giải thích lý do rõ ràng vì sao bị trượt giải thưởng Hồ Chí Minh?
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, việc nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên trượt giải thưởng Hồ Chí Minh lần này là một điều hết sức đáng tiếc. Hy vọng, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ có sự xem xét lại để ghi nhận đúng hơn về những đóng góp lớn lao của tác giả đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam./.