Trong một báo cáo về quân đội Trung Quốc vào năm 2020, Lầu Năm Góc cho biết tiềm lực quân sự của Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể trong 20 năm với chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang đầy tham vọng của nước này.
Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc về cơ bản đang sở hữu một lực lượng vũ trang hiện đại, điều này khiến các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc cảm thấy không thoải mái. Bắc Kinh hiện đang sở hữu hạm đội tàu chiến lớn nhất thế giới và sẽ sớm vượt mặt Mỹ nếu họ chế tạo được tàu sân bay hạt nhân.
Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới 2021 của Global Firepower, Trung Quốc (0,0854) vẫn đứng vị trí thứ 3, xếp sau Nga (0,0791) và Mỹ 0,0718).
Tiềm lực quân sự của Trung Quốc không ngừng gia tăng trong hơn 20 năm qua, tạo nên mối đe dọa mới cho Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Reddit)
Bảng xếp hạng Global Firepower sử dụng hơn 50 yếu tố riêng lẻ để xác định điểm số Power Index (Pwr Index) của một quốc gia theo các tiêu chí từ sức mạnh quân sự và tài chính đến khả năng hậu cần và địa lý. Điểm Pwr Index hoàn hảo là 0,0000, trên thực tế không có quốc gia nào đáp ứng đạt được thang điểm tuyệt đối của Global Firepower.
Đội quân đông nhất thế giới
Cũng theo báo cáo trên của Lầu Năm Góc, lục quân là “xương sống” của quân đội Trung Quốc và đây cũng là lực lượng mặt đất có quy mô lớn nhất thế giới với hơn 975.000 quân nhân. Lục quân Trung Quốc về cơ bản này được biên chế thành 13 quân đoàn có quy mô như tập đoàn quân, một số đơn vị có quân số tương đương các quân đoàn của quân đội Mỹ (từ 20.000 đến 45.000 quân)
Một quân đoàn bao gồm 78 lữ đoàn vũ trang tổng hợp, mỗi lữ đoàn có thể có tới 5.000 binh sĩ.
Các lữ đoàn được tổ chức thành ba loại: hạng nặng (xe tăng và xe bọc thép bánh xích), hạng trung (xe bọc thép bánh lốp) và hạng nhẹ (bộ binh, đường không, núi và cơ giới).
Trung Quốc là quốc gia có lực lượng lục quân đông đảo nhất thế giới. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Điều khá đặc biệt là trong biên chế của lục quân Trung Quốc còn bao gồm cả quân đoàn đổ bộ đường không, vốn là một phần của không quân. Đơn vị này được hợp thành từ 6 lữ đoàn lính dù hỗn hợp, được vũ trang và cơ giới hóa không hề kém Mỹ hay Nga.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phân các vùng có vai trò chiến lược thành 5 đại chiến khu.
Theo Global Firepower, quân đội Trung Quốc đang có trong biên chế khoảng 3.200 xe tăng các loại, 35.000 xe bọc thép/xe chiến đấu bộ binh, 1.970 pháo tự hành, 1.234 pháo kéo và 2.250 hệ thống phóng rocket hoặc tên lửa các loại.
Cường quốc hải quân số 1 thế giới
Báo cáo của Lầu Năm Góc nhận định quy mô của hải quân Trung Quốc đang đứng đầu thế giới và một phần nào đó vượt mặt Mỹ. Bắc Kinh sở hữu hơn 350 tàu chiến các loại, đa phần đều là các tàu chiến đa năng với các hệ thống vũ khí chống hạm, phòng không trên hạm cho đến chống ngầm tiên tiến.
Hải quân Trung Quốc được phân chia thành ba hạm đội gồm hạm đội Nam Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Bắc Hải. Các hạm đội này cũng được phân về các chiến khu tương ứng không từng khu vực.
Tính đến năm 2021, quy mô hạm đội của hải quân Trung Quốc đã vượt mặt người Mỹ. (Ảnh: huanqiu)
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang sở hữu hạm đội với 2 tàu sân bay (1 một tàu khác đang đóng), 1 tàu tấn công đổ bộ (2 tàu khác sắp được biên chế), 8 tàu đổ bộ cỡ lớn, 50 tàu khu trục, 46 khinh hạm, 72 tàu hộ vệ, hơn 100 tàu tên lửa, 79 tàu ngầm tấn công (bao gồm cả tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo).
Ngoài lực lượng tàu chiến đông đảo, hải quân Trung Quốc còn được biên chế thêm 6 lữ đoàn hải quân dánh bộ (khoảng 50.000 quân) và không quân hải quân với hơn 700 máy bay các loại.
Không quân Trung Quốc
Theo báo cáo của Mỹ, không quân Trung Quốc và không quân hải quân Trung Quốc là lực lượng không quân lớn thứ 3 trên thế giới, có quy mô hơn 4.000 máy bay quân sự các loại, quân số ước tính 395.000 người.
Trong số 4.000 máy bay nói trên, có hơn 3.370 chiếc thuộc không quân và hơn 700 thuộc không quân hải quân.
Nói về sự phát triển của Không quân Trung Quốc, phía Mỹ cho rằng Bắc KInh đang nhanh chóng bắt kịp không quân các nước phương Tây trên mọi mặt.
Trung Quốc là một trong ba nước đầu tiên trên thế giới đưa vào trang bị tiêm kích tàng hình, thậm chí họ còn vượt mặt cả người Nga. (Ảnh: Defense News)
Điều này có thể thấy rõ qua việc hơn 800 trong số 1.500 chiến đấu cơ của Trung Quốc là máy bay chiến đấu thế hệ 4, ngang bằng số máy bay của các nước phương Tây. Đó là chưa kể tới các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 (J-20 và J-31) và máy bay ném bom chiến lược tàng hình H-20 (đang phát triển).
Ở thời điểm hiện tại, Không quân Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân với các máy bay ném bom tầm xa H-6N (có khả năng tiếp nhiên liệu trên không). Điều này đánh dấu sự trở lại của nhánh không quân trong bộ 3 hạt nhân của Bắc Kinh.
Hầu hết các căn cứ chiến lược của không quân Trung Quốc đều được bố trí ở phía Đông và phía Nam nước này. Các căn cứ ở phía Tây cũng nằm cách xa biên giới Ấn Độ.
Sức mạnh tên lửa Trung Quốc
Ngoài Hải-Lục-Không quân, Quân đội Trung Quốc còn đầu tư mạnh cho lực lượng tên lửa chiến lược hay còn biết tới với cái tên “lực lượng nhị pháo”. Kho tên lửa của Bắc Kinh có thể nói là đa dạng và lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc nắm trong tay các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, hầu hết chúng đều có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Đây cũng được xem là lực lượng có khả năng răn đe hạt nhân mạnh nhất của Bắc Kinh.
Cũng theo nói thêm rằng hầu như các tên lửa thông thường của Trung Quốc đều có tầm bắn lên tới 2.000km.
Các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đều có thể vươn đến hầu hết các căn cứ của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: DW)
Ngoài các loại tên lửa đạn đạo thông thường, quân đội Trung Quốc còn phát triển các mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm (tầm trung) có tầm bắn lên đến hàng nghìn km như DF-26 và DF-21 (từ 1.770 – 5.000km), chúng được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với nhóm tàu sân bay Mỹ hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khi đó các mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Trung Quốc đều có thể vươn đến hầu hết các vùng lãnh thổ của nước Mỹ (từ 1.750 - 13.000km). Trong các mẫu ICBM của Trung Quốc, DF-41 được xem là đáng quan ngại nhất khi nó có thể mang theo tối đa 10 đầu đạn, tấn công đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau.