Theo báo cáo đánh giá về hoạt động thông tin điện tử tại Hội nghị Đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2024, định hướng thúc đẩy phát triển lĩnh vực năm 2025 diễn ra vào ngày 28/11, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho hay, năm 2024 đã có thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép.
Tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 tài khoản.
Năm 2024 có tới 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép. (Ảnh minh họa)
Trong đó, số người dùng Zalo hàng tháng (tính đến 30/6) là 76,5 triệu người dùng. Số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và Tiktok là 67 triệu người dùng. Theo Cục PTTH&TTĐT, như vậy, đến thời điểm hiện tại, nền tảng Zalo có đông tài khoản đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, như vậy đến thời điểm hiện tại nền tảng Zalo có đông tài khoản đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá, mạng xã hội trong nước đã dần thu hút được đông người sử dụng Việt Nam, trong đó Zalo với hơn 76 triệu tài khoản người sử dụng Việt Nam, trở thành mạng xã hội có số tài khoản người dùng lớn nhất tại Việt Nam.
"Tuy nhiên, thực tế sức ảnh hưởng, tác động của thông tin trên các mạng xã hội trong nước vẫn còn hạn chế so với các nền tảng xuyên biên giới, do các quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới dẫn đến các thông tin vi phạm pháp luật VN như tin giả, tin lừa đảo chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới", ông Long nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long.
Các nền tảng xuyên biên giới trong năm qua đã có bước tiến tích cực trong việc hợp tác với cơ quan quản lý để xử lý các nội dung vi phạm và đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân nhận biết và cảnh giác với tin giả, tin lừa đảo.
Tuy nhiên vì hàng ngày hàng giờ người dùng khắp nơi trên thế giới vẫn xả “rác” lên mạng, do vậy, các nền tảng xuyên biên giới không thể chỉ xử lý các yêu cầu từ cơ quan quản lý mà cần chủ động sử dụng thuật toán để rà quét, phát hiện các vi phạm tương tự.
Có như vậy việc xử lý mới hiệu quả, căn cơ, và đây cũng là trách nhiệm của nền tảng đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam như Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP...
Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc của Bộ TT&TT đã kết nối với các Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc tại địa phương để hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia (20 tỉnh, thành phố).
Nhờ vậy các địa phương đã chủ động xác minh và xử lý ngay được vi phạm tại địa bàn.