Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sự thật thông tin vải thiều Lục Ngạn bị ép giá xuống 2.000 đồng/kg

(VTC News) -

UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định thông tin vải thiều bị thương lái ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg là không đúng.

UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, ngày 27/5, mạng xã hội facebook lan truyền thông tin về trường hợp người dân xã Phượng Sơn đi bán vải thiều chín sớm bị thương lái thu mua ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg.

Sau khi nắm được thông tin này, lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo công an huyện, các ngành chức năng, chính quyền xã Phượng Sơn tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.

"Qua quá trình làm việc trực tiếp với chủ hộ thu mua vải, chủ hộ đã ký biên bản làm việc khẳng định thông tin tài khoản facebook đã đăng tải về việc ép giá mua vải trong buổi sáng 27/5 xuống còn 2.000 đồng/kg là không đúng sự thật. Đồng thời cung cấp sổ sách ghi chép, theo dõi chi tiết việc mua thu vải trong ngày để xác thực", văn bản của UBND huyện Lục Ngạn nêu.

Qua làm việc, chính quyền địa phương cũng khẳng định thông tin về việc vải bị ép giá còn 2.000 đồng/kg hoàn toàn không đúng sự thật.

UBND huyện Lục Ngạn khẳng định thông tin vải thiều bị thương lái ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg là không đúng sự thật.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay địa phương đã vào vụ thu hoạch vải chín sớm và việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi. Đối với sản phẩm quả vải chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, được cấp mã số vùng trồng thì có giá bán ổn định từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Các loại vải chín sớm khác có giá bán dao động theo phân loại sản phẩm và nhu cầu của thị trường.

Trưa 27/5, mạng xã hội facebook lan truyền bài viết của một người dân đi bán vải ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị "ép giá" từ 8.000 đồng/kg xuống còn 2.000 đồng/kg, thu hút sự chú ý của dư luận.

"Hôm nay, mình đi bán một chuyến vải ở địa chỉ này, đối diện bờ sông Kim. Lợi dụng lúc trưa ế hàng, nó ép giá vẫy mình lại trả 8.000 đồng và bắt mình cùng rất nhiều người đứng đợi để cân. Đợi được khoảng 1 tiếng thì nó ra trả giá lại xuống còn 6.000 đồng, mình vẫn đồng ý bán vì giờ đó không còn ai mua nữa cả. Tiếp tục đợi thêm 1 tiếng nữa và cuối cùng xếp hàng được vào cân nó ra chê lên chê xuống và chốt một câu là 2.000 đồng, bán thì bán không bán thì thôi...", nội dung bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên đến sáng nay, chủ tài khoản facebook đăng tải nội dung trên đã đăng bài viết thừa thông tin trên là sai sự thật và xin lỗi người dân huyện Lục Ngạn. 

Vải thiều ở huyện Lục Ngạn mới vào vụ thu hoạch được 4 ngày. Thời điểm hiện tại vải trà sớm bắt đầu chín, sản lượng đã thu hoạch khoảng gần 4.000 tấn. Theo đó, những loại vải xấu mã có giá bán thấp nhất là 8.000 đồng/kg, còn đa phần giá dao động trong khoảng 15.000-28.000 đồng/kg. Loại có mẫu mã đẹp giá lên tới 30.000-35.000 đồng/kg. Riêng lứa vải muộn phải tới giữa tháng 6 mới bắt đầu chín rộ.

"Vụ này vải thiều Lục Ngạn được mùa, mẫu mã cũng như chất lượng quả vải đều rất tốt. Với sản lượng 120.000 tấn, dự kiến loại quả đặc sản này sẽ cho doanh thu khoảng trên 4.000 tỷ đồng", một lãnh đạo huyện Lục Ngạn khẳng định.

Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với 3 kịch bản có thể xảy ra.

Nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn. Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart; các doanh nghiệp chế biến; xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.

Nếu COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…

Ở kịch bản xấu nhất, COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn. Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm.

Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, xác định đây là kênh tiêu thụ trong nước chủ yếu, dự kiến tiêu thụ khoảng 60.000 tấn; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống. Tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình tiêu thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô. Tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử…

Tiến Dũng

Tin mới