Gần chỗ học thêm của con tôi có một hàng phở. Thực ra, phở chỗ đó cũng không ngon cho lắm. Nhưng anh chủ hay chuyện nên cứ khi nào đưa con đi học thêm, tôi lại tạt vào làm bát phở.
Anh chị có một cậu con trai năm nay 19 tuổi. Cậu con trai từng hai lần trượt đại học, nhưng anh chị vẫn đang ấp ủ và kỳ vọng nó sẽ đỗ.
Anh chủ hàng phở kể, anh treo thưởng cho con 2 lần. Lần 1 là xe máy SH nó đang đi. Lần 2 vừa rồi, một chiếc điện thoại Iphone 12 promax mà nó đang dùng.
Tôi thắc mắc, nó không đỗ mà anh chị vẫn mua? Anh chị chủ hàng phở cười cười bảo: "Thì biết làm sao. Lần trước mua cho nó chiếc xe máy SH để nó lấy tinh thần và khí thế thi đại học. Nó cũng cố gắng lắm rồi nhưng học tài thi phận, biết làm sao?".
Tôi tiếp tục hỏi, còn lần 2 treo thưởng chiếc điện thoại Iphone 12 Pro max nhưng em nhớ là mãi tháng 11 mới mở bán ở Việt Nam mà cu cậu thi trượt từ tháng 7 rồi mà?
Anh chủ quán lại bẽn lẽn đáp: "Ờ thì thấy cũng thương nó nên tặc lưỡi mua cho. Gần 40 triệu đấy!"
Tôi ăn bát phở nhà anh hết 30 nghìn đồng cả quẩy. Vậy là cần bán khoảng 2.000 bát phở, trừ mọi chi phí thực phẩm, thuê nhà... thì mới mua được điện thoại IPhone ấy. Còn xe máy SH thì đâu đó chắc phải gấp 4- 5 lần chiếc điện thoại iPhone rồi.
Nhìn cậu trai đang phì phèo thuốc lá bấm điện thoại sành điệu mà tôi bỏ dở cả bát phở mà về.
Học sinh học bài ở nhà. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Tôi chợt nghĩ, những người cha, người mẹ như anh chị hàng phở thật ra không hiếm gặp trong đời. Cũng chẳng phải chỉ có người lao động ít hiểu biết mới thế. Cả những người hiểu biết tôi cũng gặp nhiều người như vậy. Nuôi con trai bằng rất nhiều kỳ vọng.
Từ những điều nhỏ xíu, nhiều cha mẹ vật vã lo lắng: “Con trai em lệch lạc giới tính. Cháu 9 tuổi rồi nhưng chỉ thích chơi những trò chơi của con gái và rất thân với cậu bạn lớp trưởng, vì con bảo bạn ấy học giỏi lại đẹp trai nữa”; hay: “Con trai em rất uỷ mị và hay khóc. Em rất lo lắng. Em phải làm sao để con trai em cứng rắn hơn?”
Rồi lại chuyện: "Em và chồng ly dị. Chồng bắt phải chia đôi 2 con. Em chọn nuôi con gái lớn để con trai 3 tuổi cho bố nó nuôi vì con trai theo bố sẽ tốt hơn. Em lựa chọn vậy có đúng không?”
Đến những điều lớn hơn, xa xôi hơn như tâm sự của cô bạn tôi: "Có con trai nhức đầu hơn có con gái. Con gái lo cho nó đến khi nó đi lấy chồng là tàm tạm xong xuôi có thể thở phào nhẹ nhõm. Đó là nếu nó lấy được chồng tử tế. Nhưng con trai thì kể cả khi nó lấy vợ rồi mình vẫn đau đầu. Nào là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Mình đi làm dâu mình biết, mẹ chồng có lành đến đâu con dâu nó cũng vẫn nhìn ra điểm bất ổn. Sống cùng chúng thì mâu thuẫn, mà không sống cùng thì vẫn cứ bị gọi là “khác máu tanh lòng”.
Bao nhiêu mẹ chồng phải nhịn con dâu vì hạnh phúc của con trai? Là chưa kể, con trai mình mà năng lực kém không nuôi nổi vợ con là bị vợ coi thường, nhà vợ coi thường. Như ông anh nhà tớ, bố mẹ tớ phải dấm dúi cho ông ấy tiền để ông ấy có nhà cửa đàng hoàng rồi mới cho ông ấy cưới vợ. Thế mà vợ ông ấy vẫn bĩu môi chê chồng bám váy mẹ đấy. Vậy mà ai cũng cố để đẻ ra một thằng cu.
Các vị phụ huynh đang có con gái chắc sẽ hiểu và nghe quá rát tai những câu chúc Tết vậy rồi nhỉ? Thế mà nhiều mẹ vẫn cứ than: "Đẻ con gái là thấy đời nó khổ rồi".
Tôi cũng có một cậu con trai. Hôm nay cậu ấy tròn 15 tuổi. Tôi cũng từng nuôi cậu ấy bằng sự kỳ vọng. Tôi luôn nói với cậu ấy: "Con hơn cha là nhà có phúc. Bố đã hơn ông nội thì con phải hơn bố".
Tôi cũng luôn bắt nó phải nhường nhịn 2 em gái, hay lêu lêu nó khi thấy xem phim và nước mắt vòng quanh. Tôi cũng sợ nó mai này vui quá làm con gái người ta bầu bì. Tôi càng sợ hơn nếu như nó thất bại mai này.
Nhưng có lẽ tôi phải nghĩ lại. Nuôi con trai xin đừng bằng kỳ vọng nữa. Bình đẳng giới tôi nghĩ, trong một khuôn khổ hẹp, nó là phi giới tính.
Đừng là con trai thì phải thế này hay con gái nên thế kia. Người lớn áp đặt định kiến giới lên một đứa trẻ rõ ràng là chúng ta sai rồi. Bao nhiêu kỳ vọng của cha mẹ khiến đứa trẻ trở thành những kẻ thất bại sau này?
(Ảnh minh hoạ)
Tôi vẫn cho rằng, với con cái nói chung, kỳ công trong nuôi dạy nhưng đừng kỳ vọng. Thay vào đó, hãy dạy con trách nhiệm. Không phải con gái thì không cần trách nhiệm với ai mà là mai này khi ra đời. Hay thứ làm nên giá trị người đàn ông chính là trách nhiệm. Đàn ông có tiền, có vị trí xã hội, đẹp trai đi chăng nữa mà vô trách nhiệm cũng không được.
Trách nhiệm không phải là kỳ vọng. Trách nhiệm là bắt buộc để trở thành người hữu ích, những cái khác bàn sau.
May thay, cậu cả nhà tôi từ bé cũng được rèn giũa nhiều về hai chữ "trách nhiệm". Từ những chuyện nhỏ nhất như không bao giờ nói dối. Như đã hẹn giờ nào về là trước đó phải đứng dậy xin phép ra về rồi chứ không phải ngồi đến đúng giờ mới đứng dậy. Tự chịu trách nhiệm với việc học của mình. Bố mẹ chỉ hỗ trợ chứ không học thay...
Cuối cùng, xin các cha mẹ làm ơn hãy để câu “Có con là hạnh phúc” được nguyên nghĩa ấy, thay vì “con cái chúng ta khổ thật và chúng ta....cũng thế”.