Cứ sang thời tiết mùa đông, nhiệt độ ngoài trời thay đổi khó lường, có khi rét đậm, rét hại kéo dài, lúc lại nóng ấm nên người lớn trẻ con hay bị cảm, cúm. Nhưng nhiều người hay nhầm cảm lạnh là cảm cúm.
Thực tế, cảm lạnh hay cảm cúm đều có những triệu chứng tương tự nhau như ho, sốt, nghẹt mũi hay đau nhức, nhưng nguyên nhân của bệnh là khác nhau, mức độ nguy hiểm và cách chữa trị vì thế cũng không giống nhau. Nên mọi người có thể căn cứ vào một vài biểu hiện bên ngoài cơ bản nhất để có thể nhận định đó là bệnh nào.
Cảm lạnh
Đối với bệnh cảm lạnh, họng sẽ là thứ được tác động đầu tiên, đau hoặc viêm họng. Sau đó 1-2 ngày, chúng có thể biến mất sau đó là triệu chứng khác như: sổ mũi, nghẹt mũi, nước mũi trong chảy nhiều. Nếu cảm lạnh ở mức độ nặng, nước mũi có thể chuyển thành màu vàng hoặc xanh, dịch mũi đặc nếu bị nhiễm trùng. Ngoài ra, đối với trẻ em còn có thể thấy sốt nhẹ.
Khi bị bệnh, người bệnh thường thấy cơ thể bứt rứt, khó chịu nhưng vẫn có thể thực hiện những công việc hàng ngày một cách bình thường.
Biến chứng khi mắc cảm lạnh có thể là nghẹt mũi và viêm tai giữa. Cảm lạnh thường thường chỉ kéo dài trong khoảng một tuần, bệnh cũng có thể lây lan cho người khác, nhanh khỏi hơn.
Cảm cúm
Người bị cảm cúm thường sốt cao từ 38-39 độ C kèm theo mệt mỏi toàn thân và đau nhức cơ thể, sổ mũi. Triệu chứng bệnh thường dồn dập và đột ngột, tăng nhanh chóng trong khi cảm lạnh thường tiến triển chậm và dễ chữa khỏi bằng các chế độ chăm sóc đúng cách.
Cảm cúm rất dễ dàng lây lan cho người khác hơn là cảm lạnh. Bệnh cảm cúm không có thuốc đặc trị do virus gây ra mà thường được chỉ định các loại thuốc nhằm điều trị triệu chứng. Cảm cúm thông thường sẽ thường tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày.
Tuy nhiên, nếu bệnh càng tiến triển nặng thêm kèm theo các biểu hiện khác như sốt liên tục, đau khi nuốt, đau đầu và tắc mũi không khỏi, khó thở, buồn nôn…, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.