Ấn Độ từng ghi nhận nhiều đột biến của biến thể Delta – gọi phổ biến là Delta Plus – nhưng ở đất nước 1,3 tỷ dân này, các đột biến hay các biến thể phụ không nguy hiểm so với biển thể gốc Delta từng khiến hệ thống y tế của Ấn Độ gần như tê liệt hồi đầu năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm của Ấn Độ với các đột biến của Delta không phải là bài học hình mẫu cho Anh. Thứ nhất, các đột biến ở Ấn Độ chủ yếu là AY.1 và AY.2. Ấn Độ cũng có một số trường hợp nhiễm AY.4 nhưng đột biến gây lo ngại ở Anh lại là AY.4.2. Đây là sự kết hợp của AY.4 và S:Y145H.
Hành khách đeo khẩu trang khi đi xe buýt ở London, Anh. (Ảnh: AP)
Các dòng đột biến khác nhau
“Ở Ấn Độ, các đột biến chủ đạo của Delta là AY.1 và AY.2. Tất cả đều là đột biến của Delta, nhưng kinh nghiệm của Ấn Độ với AY.1 và AY.2 lại không liên quan đến dòng AY.4.2 đang gây lo ngại ở Anh hiện nay”, Bác sỹ Anurag Agrawal, Giám đốc Viện nghiên cứu gen tại New Delhi cho biết.
Theo Bác sỹ Agrawal, quá trình giải trình tự gen cho thấy các dòng Delta Plus ở Ấn Độ không có đặc tính đặc biệt nào, chúng có mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng tương đương với biến thể gốc Delta chứ không cao hơn.
Biến thể Delta Plus đầu tiên ở Ấn Độ được xác định trong số các ca mắc COVID-19 ở bang Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai. Thời điểm đó, Ấn Độ vừa mới bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 2 do biến thể Delta. Những thông tin về một biến thể có khả năng lây lan cao hơn thậm chí có khả năng lẩn trốn vaccine đã gây lo ngại ở Ấn Độ khi đó.
Tuy nhiên, điều tồi tệ đã không xảy ra. Chỉ một số ca đầu tiên nhiễm biến thể Delta Plus tại 2 bang của Ấn Độ được thông tin rộng rãi. Ban đầu nó được giới chức y tế phân loại là “biến thể đáng lo ngại” do các nghiên cứu cho thấy Delta Plus dễ lây hơn, dễ bám vào các tế bào trong phổi và có thể kháng các liệu pháp kháng thể đơn dòng.
Sau đó không có nhiều thông tin về các đột biến này. Lần gần đây nhất Delta Plus được nhắc đến là khi ông Balram Bhargava, Giám đốc Hội đồng nghiên cứu khoa học Ấn Độ được hỏi về các đột biến này trong một cuộc họp báo ngày 2/9.
Ông Bhargava nói rằng 300 ca nhiễm biến thể Delta Plus đã được phát hiện kể từ ngày 11/6 và các nhà khoa học đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine đối với chủng này.
AY.4.2 nguy hiểm hơn biến thể gốc Delta?
Ấn Độ dự kiến đạt 1 tỷ mũi vaccine ngừa COVID-19 trong tuần này. Điều này có thể giải thích vì sao dịch bệnh đang được kiểm soát và virus không còn lây lan rộng trên khắp cả nước..
Ngay cả Kerala và Maharashtra, 2 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng COVID-19 thứ 2, cũng không gặp bất cứ khó khăn nào do biến thể Delta Plus gây ra.
Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vẫn đang được đẩy mạnh, số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong ngày ở Ấn Độ chỉ khoảng khoảng 14.000 ca, mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Con số này thấp hơn đáng kể so với ở Anh, quốc gia có dân số nhỏ hơn nhiều nhưng đã ghi nhận 50.000 ca mắc COVID-19 trong ngày 20/10.
Khoảng 75% dân số Ấn Độ đã được tiêm một mũi vaccine và khoảng 30% đã được tiêm đủ 2 mũi.
Các chuyên gia đã lo ngại làn sóng COVID-19 thứ ba có thể “tấn công” Ấn Độ vào tháng 10 hoặc tháng 11, nhưng cho đến nay Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu nào về một đợt bùng phát mới dù đã mở cửa trở lại và người dân di chuyển tự do nhiều hơn.
“Tin đáng mừng từ quá trình giải trình tự gen là không có bằng chứng nào cho thấy có sự xuất hiện của một biến thể mới. Chúng tôi cảm thấy Ấn Độ có thể tránh được một làn sóng COVID-19 mới”, Tiến sĩ Suneela Garg, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 ở thủ đô Ấn Độ cho biết.
Nhà virus học hàng đầu Ấn Độ, Tiến sĩ T Jacob ngày 19/10 cho biết khả năng xảy ra đợt thứ ba là rất xa vời.
“Đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ đã chuyển sang giai đoạn dịch bệnh thông thường. Chúng ta cần phải quên làn sóng thứ ba vào lúc này. Nếu nó xuất hiện, nó sẽ là giữa năm hoặc quý 4 năm sau”, ông Jacob nói.
Trái ngược với Ấn Độ, Anh lại đang chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19. Tỷ lệ lây nhiễm tại Anh vẫn tăng mạnh mặc dù nước này có tỷ lệ tiêm chủng cao. Điều này khiến cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ Scott Gottlieb bày tỏ lo ngại và kêu gọi nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu xem liệu “biến thể Delta Plus có khả năng lây truyền cao hơn, hoặc có khả năng lẩn trốn cơ chế miễn dịch hay không”.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết còn sớm để nói chắc chắn liệu biến thể phụ AY.4.2 có phải là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng đột biến các bệnh mắc COVID-19 hiện nay hay không.
Trong một bài viết trên chuyên trang y tế Health.com ngày 18/10, các chuyên gia cho rằng kịch bản này rất có khả năng xảy ra.
Dù vậy, Tiến sĩ Amesh A. Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết: “Không có thông tin đáng kể nào cho thấy liệu các đột biến có làm thay đổi hành vi của virus hay không và cũng không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy chúng nguy hiểm hơn so với biến thể Delta gốc”.