Đã có những báo cáo về sự chia rẽ trong ban lãnh đạo của lực lượng Taliaban. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về sự đoàn kết trong tổ chức Hồi giáo đã giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8.
Nội bộ Taliban rạn nứt
Sự nghi ngờ của công chúng về sự đoàn kết của Taliban bắt đầu tăng lên vào đầu tháng 9, khi Phó Thủ tướng lâm thời Afghanistan Mullah Abdul Ghani Baradar đột nhiên mất tích khỏi truyền thông. Sau đó, đã xuất hiện tin đồn ông Baradar bị giết hoặc bị thương trong một cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái của Taliban.
Gia đình của các cựu quan chức nói rằng, các chiến binh Taliban đã chiếm đoạt đồ nhà và ô tô riêng của họ. (Ảnh: Reuters)
Khi xuất hiện trở lại trong một đoạn video trả lời phỏng vấn, ông Baradar cầm trên tay một tờ giấy và dường như đọc câu trả lời được ghi sẵn trên đó. Phó Thủ tướng lâm thời Afghanistan nói rằng, ông có một chuyến đi vào thời điểm đó và khẳng định nội bộ Taliban có quan hệ tốt. “Quan hệ của chúng tôi thậm chí còn tốt hơn cả một gia đình”, ông Baradar nói.
Để xóa bỏ sự nghi ngờ về tin đồn bị giết hoặc bị thương, ông Baradar đã xuất hiện trong bức ảnh tham dự một cuộc họp với các quan chức Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao và chính trị nói với Al Jazeera rằng, mối bất hòa giữa ban lãnh đạo Taliban là có thật, đồng thời cho biết thêm, sự bất hòa ngày càng gia tăng sẽ gây thêm rắc rối cho người dân Afghanistan.
Một phóng viên kỳ cựu về Taliban cho biết, sự rạn nứt này là kết quả của sự chia rẽ chính trị - quân sự.
Một nguồn tin chính trị có mối quan hệ lâu năm với đồng minh hàng đầu của Taliban đồng tình với quan điểm trên. Ông nói rằng ảnh hưởng của sự rạn nứt trải dài từ các cấp chính quyền cho đến trên đường phố, nơi các tay súng Taliban đi qua các thành phố lớn và chiếm đoạt đồ đạc của các cựu quan chức và gia đình của họ.
“Hiện tại, tất cả những gì Taliban quan tâm là lấy xe và nhà của mọi người”, nguồn tin cho biết.
Gia đình của các cựu quan chức nói rằng, các chiến binh Taliban đã chiếm đoạt đồ đạc của họ, bao gồm nhà và ô tô riêng.
Tình trạng này xảy ra bất chấp việc sau khi Taliban kiểm soát đất nước 2 ngày, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Văn hóa Zabihullah Mujahid nói “chúng tôi đã yêu cầu các tay súng không được vào nhà của bất kỳ ai, dù họ là thường dân hay thuộc quân đội”. Cũng tại cuộc họp báo vào ngày 17/8, ông Mujahid nói rằng: “Có một sự khác biệt rất lớn giữa chúng tôi và chính phủ trước đây”.
Những người am hiểu với tình hình cho rằng, ban lãnh đạo Taliban hiện tại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự các phe phái như chính phủ của cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, người đã rời khỏi đất nước vào ngày Taliban kiểm soát thủ đô Kabul.
Al Jazeera dẫn các nguồn tin cho biết, sự chia rẽ trong nội bộ Taliban không chỉ do các thành viên quá tham vọng hoặc có quan điểm chính trị đối lập mà còn đến từ những điều cơ bản.
Các phe phái trong Taliban
Một số quốc gia đã công khai tuyên bố sẽ không sẵn sàng chấp nhận một chính phủ do Taliban lãnh đạo ở Afghanistan, với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 22/9 yêu cầu Taliban phải thành lập một chính phủ toàn diện hơn.
Afghanistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính khi bị các tổ chức quốc tế cắt viện trợ và Mỹ đóng băng hơn 9 tỷ USD tài sản sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước.
Một phóng viên giấu tên nói rằng, các nhà lãnh đạo như Bộ trưởng Quốc phòng Mullah Muhammad Yaqoob là một trong những nhân vật đại diện cho phe cứng rắn đã tập trung vào vấn đề quân sự của Taliban.
Những người khác như Phó Thủ tướng lâm thời Baradar và Thứ trưởng Ngoại giao Sher Muhammad Abbas Stanikzai, đại diện cho phe có tư tưởng chính trị, là những người muốn tạo ra một đất nước toàn diện hơn.
Một điểm gây tranh cãi khác của hai phe là vai trò của các nước láng giềng trong khu vực như Pakistan và Iran từ lâu đã bị cáo buộc hỗ trợ Taliban trong cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài 20 năm của lực lượng này.
Những nghi ngờ về Pakistan dấy lên khi người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân đội Pakistan (ISI) đến thủ đô Kabul ngay trước khi Taliban công bố thành phần nội các. Người phóng viên cho biết, Tướng Faiz Hameed đã kêu gọi một chính phủ mới hòa nhập hơn ở Afghanistan, tạo điều kiện cho phụ nữ và người Hồi giáo dòng Shia tham gia vào nội các. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa cứng rắn đã từ chối đề nghị này.
Khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng kêu gọi một chính phủ hòa nhập ở Afghanistan, Mohammad Mobeen - một thủ lĩnh Taliban, đã chỉ trích ông Khan, nói rằng lực lượng này không “cho bất kỳ ai” quyền kêu gọi một chính phủ hòa nhập, và Afghanistan vẫn duy trì quyền có hệ thống riêng.
Trong nhiều tuần, Taliban đã mua chuộc các quan chức như cựu Tổng thống Hamid Karzai, chính trị gia Abdullah Abdullah và cựu thống đốc tỉnh Nangarhar Gul Agha Sherzai.
Vào thời điểm đó, nhiều người Afghanistan cho rằng những người này sẽ được đưa vào chính phủ mới. Tuy nhiên, một cựu quan chức ngoại giao cho biết, những người theo chủ nghĩa cứng rắn trong Taliban nói rằng bất kỳ ai “dù chỉ một ngày” giữ chức vụ trong chính quyền trước đây sẽ không được bổ nhiệm trong chính phủ mới do Taliban điều hành.
Điều này cho thấy chỉ còn lại các nhân vật chủ chốt trong Taliban được lựa chọn để đứng đầu các bộ.
Đối với thế giới bên ngoài, chính phủ hiện tại, mà Taliban gọi là “tạm thời”, là chưa hòa nhập. Tuy nhiên, đối với những người quen thuộc với vấn đề này, chính phủ lâm thời hiện tại rất phù hợp với các phe khác nhau trong Taliban. Thủ lĩnh Mobeen cũng nói rằng chính quyền hiện tại rất toàn diện.
“Đây là chính phủ tốt nhất mà Taliban sẽ có được. Chính phủ này sẽ không thể trở nên hòa nhập hơn được nữa”, Mobeen nói.
Quyền lực thực sự của Taliban
Ngày 21/9, Taliban công bố các thành viên còn lại trong chính phủ mới tại Afghanistan gồm toàn nam giới. Đáng chú ý, không có phụ nữ nào được bổ nhiệm vào nội các.
Taliban đã chỉ ra rằng, các vị trí mới sẽ được trao cho người gốc Panjshir, Baghlan và Sar-e Pol, các tỉnh có dân số Tajik và Uzbek đáng kể. Mặc dù Taliban đã nhường chỗ cho người Tajik, người Uzbek và người Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn không có người Shias, người Hazara hoặc bất kỳ nhóm thiểu số nào khác trong chính phủ của họ.
Các nguồn tin cho biết, quyền lực thực sự của Taliban nằm ở hội đồng lãnh đạo (hay còn gọi là Shura) ở Kandahar, nơi thủ lĩnh tối cao Hibutallah Akhunzada đặt trụ sở của lực lượng. Hội đồng lãnh đạo này được coi là những người sẽ đưa ra quyết định thực sự ở Afghanistan trong tương lai.
Theo Al Jazeera, một số thủ lĩnh của Taliban rõ ràng không hài lòng với vị trí của họ trong chính quyền mới.
Các nguồn tin ngoại giao và chính trị cho biết, dựa trên các hành động hiện tại của Taliban trên đường phố Kabul, có những lo ngại rằng mối thù cá nhân giữa các cấp bậc của Taliban sẽ dẫn đến các cuộc giao tranh ở thủ đô và các tỉnh khác.
“Các cuộc chiến giành vị trí trong chính trị là một chuyện, nhưng khi binh lính của họ bắt đầu chiến đấu dựa trên mối thù lâu năm, sẽ không có nơi nào an toàn”, nguồn tin này nói.