Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Steve Bannon: Từ 'sủng thần' của Trump tới tội đồ của nước Mỹ

(VTC News) -

Cựu cố vấn quyền lực của Tổng thống Trump - Steve Bannon, vừa bị bắt vì tội lừa đảo, từng là trợ thủ đắc lực và là nhân vật có ảnh hưởng đối với ông chủ Nhà Trắng.

Steve Bannon từng được xem là một trong những cố vấn được tin cậy nhất song cũng gây nhiều tranh cãi nhất của ông Trump. Bannon đã có công rất lớn trong việc tạo nên làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc trong lòng các cử tri Mỹ, giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Hôm 20/8, cựu cố vấn quyền lực của Trump bị bắt giữ và truy tố tội âm mưu lừa đảo. Theo cáo trạng, ông Bannon và 3 đồng phạm khác đã phát động một chiến dịch gây quỹ trực tuyến có tên "We Build the Wall" (Tạm dịch: Chúng ta xây bức tường) với cam kết sẽ dùng tiền này xây dựng bức tường biên giới. 

Từ ‘át chủ bài’ giúp ông Trump đắc cử

Steve Bannon vốn là một người sùng bái chủ nghĩa dân túy có tính cách quyết liệt và táo bạo. Ông được xem là nhân vật có vai trò quan trọng, “thủ lĩnh” chiến dịch đưa ông Donald Trump trở thành chủ nhân của Nhà Trắng vào năm 2016.

Steve Bannon là nhân vật có vai trò quan trọng giúp ông Trump đắc cử Tổng thống năm 2016. (Ảnh: AP)

Gặp ông Trump lần đầu tiên năm 2010, Bannon, một cựu sĩ quan Hải quân, cựu nhân viên của Goldman Sachs và cũng là một nhà làm phim theo đường lối bảo thủ bắt đầu tiếp nhận chiến dịch tranh cử Tổng thống của tỷ phú bất động sản Donald Trump vào tháng 8/2016. Vượt qua nhiều khó khăn, hai người đã tạo nên cơn địa chấn trong lịch sử nước Mỹ.

Ông Trump và Bannon có nhiều điểm tương đồng trong tính cách. Trước khi bước vào chính trường, họ đều là những “ông trùm” nói nhiều, thích phát ngôn gây sốc và dường như không muốn hòa nhập vào tầng lớp tinh hoa. Họ đều là những người khá hiếu chiến và sẵn sàng đối đầu với bất cứ cuộc chiến nào. “Tấn công, tấn công, tấn công, tấn công”, Bannon tự nhận xét về bản thân như vậy.

Ông Bannon từng nói rằng cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều dính phải vấn nạn tham nhũng. Đây cũng là niềm tin đã giúp định hình nên nghề nghiệp của Bannon, một nhà làm phim chính luận và một người từng gây ra những cú chấn động trên Internet.

Soi chiếu bằng nhiều góc cạnh, Bannon và ông Trump có cùng đích đến trong nhiều vấn đề, từ thương mại, nhập cư, an ninh đến môi trường... Trong khi nhiều cố vấn khác cố gắng thay đổi Trump, Bannon lại ủng hộ ông.

Những ai đã đọc qua một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Trump, “The Art of the Deal” (Tạm dịch: Nghệ thuật đàm phán), đều nhớ rằng ông coi xung đột, những cuộc đấu khẩu và niềm tự kiêu là những nhân tố hữu ích để tạo nên thành công. “Phong cách chốt 'deal' (thỏa thuận) của tôi khá đơn giản và thẳng thắn. Tôi thường đặt mục tiêu rất cao và sau đó liên tục đẩy mạnh để đạt được mục tiêu ấy”, Trump từng nói.

Chính những nét tương đồng về tính cách giữa ông Trump và Bannon đã tạo thành cặp bài trùng ăn ý, giúp Bannon trở thành phụ tá thân cận, đạo diễn chiến dịch tranh cử thành công của Tổng thống Trump vào năm 2016.

Theo Sam Nunberg, một cựu cố vấn của ông Trump, Bannon chính là người đóng vai trò quan trọng trong con đường tới Nhà Trắng của Tổng thống. Sự trung thành không phải bàn cãi cùng với thái độ sẵn sàng khiêu chiến với giới chính trị gia theo phong cách truyền thống khiến Bannon trở thành nhân vật được các cử tri ủng hộ Trump ngưỡng mộ và kính trọng.

“Bannon bước vào Nhà Trắng và không phản bội lại những giá trị của bản thân, nỗ lực hàng ngày để thúc đẩy chương trình nghị sự mà Tổng thống Trump đã đề ra khi tranh cử”, Sam Nunberg cho hay.

Ảnh hưởng sâu sắc tới Trump

Trong những ngày tháng đầu tiên ở Nhà Trắng, hầu hết các Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ hiện đại thường nhận được sự trợ giúp của một think tank - tập hợp chuyên gia nghiên cứu, đưa ra các tư vấn về chính sách trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, chính trị, kinh tế…

Tuy nhiên, những bước đi đầu tiên của Tổng thống thứ 45, Donald Trump, lại không giống vậy. Cố vấn thân cận, nhận vật có ảnh hưởng nhất đối với ông Trump trong những ngày đầu tiên nắm quyền ở Nhà Trắng lại là Steve Bannon.

Chính sách Trump chịu nhiều ảnh hưởng từ tư tưởng sắc sảo mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc cùng với mong muốn giải quyết triệt để làn sóng nhập cư trái phép vào Mỹ, cũng như tham vọng hồi phục nền kinh tế của vị cố vấn Bannon.

Steve Bannon là người có ảnh hưởng đối với ông Trump trong những ngày đầu nắm quyền ở Nhà Trắng. (Ảnh: Getty)

Là người cố vấn cho ông Trump về bài phát biểu nhậm chức và cả sắc lệnh nhập cư, có thể thấy dấu ấn của Bannon ở khắp mọi nơi. Ông chính là người chắp bút cho tác phẩm “Make America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của Tổng thống Trump.

Dẫn dắt chiến dịch của Trump trong những tháng cuối cùng và giữ vững niềm tin khi những người khác đã bỏ rơi ứng viên đảng Cộng hòa, rõ ràng Bannon được xem là trợ thủ hàng đầu trong mắt vị tỷ phú New York.

Chính vì vậy, sau khi làm việc cùng ông Trump tại Nhà Trắng, vị cố vấn Bannon ngày càng được ông Trump tin tưởng. Nhiều người cho rằng, quyền lực của Bannon ngày một được củng cố, ông có thể trực tiếp với Phòng Bầu dục để báo cáo thẳng cho tổng thống.

Quyền lực lên như "diều gặp gió" của ông Bannon sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến cho danh tiếng vị cố vấn này phủ sóng trên nhiều trang bìa các tạp chí, thậm chí còn có những đồn thổi về “Tổng thống Bannon”. Bannon dường như đủ khả năng loại bỏ các cơ quan và lãnh đạo bị ông tuyên bố là tham nhũng và trục lợi. 

Đáng chú ý, trong những ngày đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump, Bannon - người đàn ông duy nhất dám xuất hiện ở văn phòng của Trump mà không mặc vest và đeo cà vạt – có đầy đủ công cụ để tăng cường sức ảnh hưởng của mình.

Các đồng nghiệp gọi ông là “cuốn bách khoa toàn thư” vì khối lượng thông tin khổng lồ có trong bộ óc của Bannon, nhưng điểm thú vị ở con người này là ông có lối suy nghĩ thực sự giống với Trump.

Một đồng minh lâu năm của Tổng thống Trump từng tiết lộ Bannon tác động đến mọi chính sách. Trước cả khi bầu cử, hai người đã ngồi lại với nhau và đưa ra danh sách những việc muốn làm ngay sau khi nhậm chức. Trump là người quyết định sẽ chọn những đầu việc nào, và Bannon đủ thông minh để đưa ra danh sách hợp lý.

Bị "ra rìa" vì không thể ở quá gần "Mặt trời"

Mặc dù được Tổng thống Trump trọng dụng song giống như câu chuyện trong thần thoại, Bannon đã bay quá gần “Mặt trời”. Ông bị loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia và bị sa thải vào tháng 8/2017.

Sau khi giúp Trump đắc cử Tổng thống, Bannon hi vọng rằng mình sẽ cùng Tổng thống xây dựng một Chính phủ liên bang tôn thờ chủ nghĩa dân tộc. Nhưng tính cách mạnh mẽ của ông đã đem lại khá nhiều rắc rối ở Nhà Trắng. Phỏng vấn trên tờ American Prospect, Bannon từng thẳng thừng tuyên bố loại bỏ tất cả những người đi ngược lại tư tưởng của mình ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

Tồi tệ hơn, Bannon đã công khai nói rằng sẽ không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề Triều Tiên tới khi các bên tìm ra một đáp án để đảm bảo an toàn cho toàn bộ 10 triệu người dân Seoul trước nguy cơ bị Bình Nhưỡng tấn công. Điều này mâu thuẫn với lời cảnh báo cứng rắn mà Tổng thống Trump đã phát đi trong thời gian qua.

Bài phỏng vấn như “đổ thêm dầu vào lửa”. Có nhiều lời phàn nàn rằng Bannon là nhân vật gây chia rẽ ở Nhà Trắng, những ảnh hưởng nhất định của Bannon lên Tổng thống khiến Nhà Trắng lâm vào tình trạng hỗn loạn.

Ngay chính Tổng thống Trump cũng khó chịu với những bài bình luận quá đà của Bannon. Ông Trump đã gọi Bannon là “Steve cẩu thả” và là người "bị mất trí" khi Bannon nói những điều không hay về Trump trong cuốn sách “Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump” (Fire and Fury: Inside The Trump White House).

Ông Trump từng gọi Bannon là “Steve cẩu thả” và là người “bị mất trí”. (Ảnh: AP)

Cựu chiến lược gia tại Nhà Trắng đã nặng lời chỉ trích tổng thống và gia đình. Ông gọi quyết định gặp mặt người Nga của Donald Trump Jr, con trai của ông Trump, trong chiến dịch tranh cử năm ngoái là “mưu phản”.

Bên cạnh đó, cuốn sách “Fire and Fury: Inside The Trump White House” cũng dẫn quan điểm của ông Bannon mô tả ông Trump như một người không ổn định và không được chuẩn bị để giữ cương vị Tổng thống của nước Mỹ.

Bị bắt vì tội lừa đảo

Hôm 20/8, ông Steve Bannon đã bị bắt giữ và bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt một số tiền lớn. Các công tố viên liên bang đã buộc tội ông Steve Bannon và ba người khác lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm nghìn USD trong một chiến dịch gây quỹ trên mạng nhằm xây dựng tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Cả 4 nghi phạm đều đã bị bắt giữ và phải ra tòa trong ngày 20/8 với tội danh lừa đảo trên mạng và rửa tiền. Tổng cộng, những người này đã huy động được hơn 25 triệu USD. Cựu cố vấn của ông Trump bị cáo buộc đã lấy hàng trăm nghìn USD trong số này chi xài cá nhân.

Theo bộ Tư pháp Mỹ, các nghi phạm đã lừa đảo hàng trăm nghìn người với danh nghĩa huy động tài chính cho việc xây dựng tường biên giới. Tuy nhiên, số tiền lừa đảo đã rơi vào túi của Brian Kolfage, người đứng đầu chiến dịch này, cho mục đích sử dụng riêng. Ông Brian Kolfage được cho là đã nhận hơn 350.000 USD, còn ông Steve Bannon đã nhận hơn 1 triệu USD.

Cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng xuất hiện ở tòa sau đó và khẳng định mình không có tội. “Toàn bộ sự việc này là để ngăn chặn những người muốn xây dựng bức tường”, Steve Bannon cho hay.

Khoảng 330.000 người đã góp tiền cho dự án của ông Bannon. Hai bức tường cũng được xây dựng ở New Mexico và Texas trên phần đất tư nhân nhưng gặp phải vấn đề nghiêm trọng về kết cấu.

Vụ bắt giữ xảy ra ngay trong thời điểm được xem là nhạy cảm với ông Trump - người đang hi vọng tái đắc cử vào tháng 11 tới. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định không liên quan gì tới dự án gây quỹ của cựu cố vấn.

Trả lời khi được hỏi về vụ việc, ông Trump đáp: "Tôi không có biết gì về dự án đó hết. Nghe này, tôi khá buồn khi hay tin đó. Đây là một chuyện rất buồn cho ông ấy. Tôi có đọc trên báo thôi. Nhưng tôi không thích cách làm đó. Đây là chuyện của chính phủ, không phải tư nhân".

Kông Anh (Nguồn: Tổng hợp)

Tin mới