Theo đài Sputnik (Nga), trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương P. Nandalal Weerasinghe cho biết nước này sẽ tạm ngừng thanh toán nợ nước ngoài để tránh tình trạng vỡ nợ, do cần có dự trữ cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.
“Việc thanh toán nợ đã trở nên khó khăn và không thể thực hiện được. Ông nói, hành động tốt nhất có thể được thực hiện là tái cơ cấu nợ và tránh vỡ nợ”, ông nói và bày tỏ hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận với các chủ nợ. Song vị thống đốc nhấn mạnh ngân hàng trung ương vẫn duy trì phát hành trái phiếu riêng lẻ và không cơ cấu lại.
Người dân xếp hàng mua dầu hỏa tại một trạm nhiên liệu ở Colombo, Sri Lanka ngày 21/3, trong bối cảnh thiếu khí đốt do khủng hoảng kinh tế gây ra. (Ảnh: Reuters)
Sri Lanka đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập vào năm 1948. Tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trên khắp đất nước. Cuối tuần trước, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã giải tán toàn bộ Nội các, ngoại trừ Thủ tướng Mahinda Rajapaksa trong bối cảnh làn sóng bất ổn lan rộng trên toàn quốc.
Nhà chức trách cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do tình trạng thiếu thuốc men và thiết bị y tế trầm trọng.
Cuộc khủng hoảng mà chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang phải đối mặt một phần là do đại dịch COVID-19 chặn đứng nguồn thu từ ngành du lịch. Bên cạnh đó, chi tiêu của chính phủ ở mức cao, việc cắt giảm thuế khiến nguồn thu của nhà nước bị thâm hụt, các khoản trả nợ lớn cho Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong thập kỷ cũng góp phần gây ra khủng hoảng hiện nay.
Tình trạng thiếu ngoại tệ đã khiến nước này gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và thuốc men. Nhiều người đã phải xếp hàng dài để mua thực phẩm và dầu ăn. Trong khi đó, do tình trạng thiếu nhiên liệu, Chính phủ Sri Lanka đã phải áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên ở một số vùng trên cả nước trong thời gian kéo dài lâu nhất từ năm 1996 đến nay.