Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể bùng phát thành dịch. Muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người lành.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt nhiều ở các tỉnh thành Nam bộ, thường bùng dịch lớn vào mùa mưa.
Virus Dengue có 4 loại D1, D2, D3, D4 đều ghi nhận tại nước ta và luân phiên gây bệnh. Người bệnh có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời, lần sau thường nặng hơn lần nhiễm trước đó.
Người lớn mắc sốt xuất huyết thường có nhiều triệu chứng và dễ gặp biến chứng nghiêm trọng.
Sốt xuất huyết người lớn ở thể nhẹ
Ở thể nhẹ, bệnh sốt xuất huyết ở người lớn sẽ có triệu chứng rõ hơn ở trẻ em. Người bệnh khởi phát triệu chứng sốt (từ 2-7 ngày) và kèm theo các biểu hiện như: Đau phía sau mắt, đau nhức đầu, đau khớp và cơ, phát ban, buồn nôn và ói mửa.
Người bệnh có biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Dạng sốt xuất huyết gây xuất huyết nội tạng
Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết nội tạng. Đầu tiên, người bệnh vẫn có các biểu hiện sốt xuất huyết mức độ nhẹ. Sau khoảng 2 ngày, sẽ đi ngoài hoặc nôn ra máu, phân có màu đen hoặc ra máu tươi. Đó là biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa.
Một số ít người bệnh có thể bị xuất huyết não nhưng khó nhận biết vì triệu chứng không rõ ràng. Biểu hiện ban đầu có thể chỉ bị sốt, đau đầu, sau đó liệt chân, tay hoặc liệt nửa người, rơi vào hôn mê, nguy cơ dẫn đến tử vong. Ngoài xuất huyết não, người bệnh còn có thể xuất huyết trong phổi, gan, lách, thận.
Hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue
Biến chứng nghiêm trọng này thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 sau khi khởi phát bệnh. Đây là thể nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn, bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, kết hợp với triệu chứng chảy máu, huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt, hạ huyết áp...
Người bệnh có da lạnh ẩm, bứt rứt, vật vã hoặc li bì, hoặc có thể rơi vào suy đa tạng, viêm não, viêm cơ tim, viêm gan nặng. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng.
Muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.
Điều trị sốt xuất huyết người lớn
Hiện nay sốt xuất huyết người lớn vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Phần lớn người bệnh được ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở khi có diễn tiến nặng hơn.
Trong thời gian theo dõi tại nhà, nếu sốt trên 38,5 độ C, người bệnh có thể uống hạ sốt bằng Paracetamol, kết hợp lau mát liên tục.
Liều dùng Paracetamol từ 10-15 mg/kg cân nặng /lần, cách nhau 4-6 giờ, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h.
Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để giảm sốt vì có thể khiến xuất huyết thêm nghiêm trọng.
Khuyến khích người bệnh ăn uống bình thường, đặc biệt uống nhiều nước. Có thể uống nước lọc, oresol, nước trái cây, nước dừa. Hạn chế các loại thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, coca (vì khi nôn ói có kèm máu sẽ không phân biệt được).
Khi có chỉ định nhập viện, tùy tình trạng, bệnh nhân được chống sốc bằng dịch truyền, truyền máu và các chế phẩm máu theo chỉ định. Ở mức độ nặng hơn, bệnh nhân có thể phải hồi sức hô hấp, tuần hoàn, lọc máu…
Khi nào cần nhập viện?
Người lớn mắc sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu sau đây:
- Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn uống được.
- Nôn ói nhiều
- Đau bụng nhiều hơn
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen - hoặc máu đỏ.
- Có các hành vi thay đổi như mất tri giác, kích thích, vật vã hoặc li bì.