Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sốt rét 'nhập khẩu' có đáng lo?

Việt Nam liên tục tiếp nhận 4 ca nhiễm sổt rét ác tính “nhập khẩu” từ các nước Châu Phi, người dân cần làm gì để an toàn trước căn bệnh nguy hiểm này?

Ngày 1/6, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đang điều trị cho 2 bệnh nhân sốt rét trở về từ Angola. Tiếp đó, ngày 4/5 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xác nhận rằng đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị sốt xuất huyết vừa trở về từ Châu Phi. Một bệnh nhân là nam 63 tuổi trở về từ Bờ Biển Ngà (Tây Phi), bệnh nhân thứ hai là nữ du học sinh 24 tuổi trở về từ Cameroon (Trung Phi).

Việc liên tục tiếp nhận các ca nhiễm sốt rét trong thời gian gần đây khiến cho rất nhiều người dân cảm thấy hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh - cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: "Sốt rét có thể lây từ người sang người với vật trung gian là muỗi Anopheles. Tuy nhiên, người dân không cần quá lo lắng vì loài muỗi này chỉ thường xuất hiện ở các khu vực rừng núi. Và cho tới nay, ở Việt Nam rất ít người bị mắc sốt rét. Vậy nên người dân không cần quá hoang mang và lo lắng trước những ca bệnh hiếm này".

Người dân không cần quá lo lắng trước những ca bệnh sốt rét vừa qua, căn bệnh đáng lo ngại hiện nay là sốt xuất huyết Dengue.

Trong những năm qua bệnh sốt rét ở Việt Nam đã được kiểm soát khá thành công bởi chúng ta đã có những chương trình phòng chống hiệu quả ở các địa phương. Thuốc sốt rét cũng được cung cấp đầy đủ để điều trị nên tỉ lệ mắc và tử vong do sốt rét giảm nhiều, chỉ còn ở một số tỉnh Tây Nguyên và phía Nam.

Nếu bệnh nhân sống hay di chuyển từ quốc gia có dịch như Lào, Campuchia, Châu Phi, vùng rừng núi, ngập mặn, nơi đang lưu hành sốt rét như Bình Phước, khu vực Tây Nguyên và có biểu hiện sốt thì cần nghĩ ngay tới nguy cơ bị nhiễm sốt rét đầu tiên. Các bác sĩ cần khai thác kỹ yếu tố dịch tễ đối với các ca bệnh nghi nhiễm sốt rét để tránh nhầm lẫn hay bỏ sót bệnh.

Theo TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, sốt rét là bệnh ít gặp nên các ca bệnh thường được phát hiện trễ. Bên cạnh đó, các biểu hiện của bệnh cũng rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh khác như sốt xuất huyết Dengue và các bệnh nhiễm trùng  đang phổ biến gần đây.

Cần chú ý phân biệt triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt rét. Sốt xuất huyết do 4 type virus gây ra, bệnh nhân sẽ bị sốt đột ngột, sốt nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt lại, người mệt, nhức đầu, đau hốc mắt, buồn nôn, tiêu chảy...

Còn sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, cơn sốt rét điển hình sẽ có các triệu chứng như rét run, sốt nóng và vã mồ hôi. Mỗi ngày người bệnh sẽ lên cơn sốt 1-2 lần tùy thuộc vào loại ký sinh trùng nào gây ra. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi sau mỗi cơn sốt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Hiện nay, có thể chẩn đoán bệnh bằng cách tìm ký sinh trùng Plasmodium trong máu ngoại vi và các xét nghiệm chẩn đoán nhanh.

Theo HCDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM) sốt rét là một bệnh sốt cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt từ muỗi Anopheles. Sốt rét là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Tuy nhiên, hiện nay sốt rét vẫn tiếp tục tác động đến sức khỏe và nghề nghiệp của mọi người trên khắp thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới và 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia vào năm 2020. Trong đó, hơn 2/3 số ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi sống ở Khu vực Châu Phi.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Tin mới