Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sốt cao, phát ban - dấu hiệu trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống sau COVID-19

(VTC News) -

Khoảng 2-6 tuần sau khi mắc COVID-19, trẻ sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ... có thể là dấu hiệu hội chứng viêm đa hệ thống.

MIS-C là viết tắt của từ tiếng Anh (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children) hay Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan tới nhiễm SARS-Cov-2. Bệnh thường xảy ra sau mắc COVID-19 khoảng 2-6 tuần với các biểu hiện thường gặp như: sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ,...

Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện. Biểu hiện MIS-C khá giống với với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị, tỉ lệ tử vong là rất thấp.

Bệnh thường xảy ra sau mắc COVID-19 khoảng 2-6 tuần.

Bệnh có hay gặp không?

Không, tỷ lệ mắc MIS-C khá thấp. Ở Mỹ, cứ khoảng 3000-4000 trẻ nhiễm SARS-CoV-2 thì có 1 trẻ bị MIS-C sau đó. Số liệu chính xác về tỷ lệ mắc MIS-C ở trẻ em Việt Nam cũng như ở các nước châu Á chưa rõ, nhưng có thể thấp hơn ở các nước Âu- Mỹ.

Ai hay bị MIS-C?

Trẻ em ở lứa tuổi học đường. Tuổi trung bình ở trẻ mắc MIS-C là 8-9 tuổi, và hơn nửa số trẻ mắc ở lứa tuổi > 5. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở tuổi nhũ nhi và thanh niên.

Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc COVID-19 bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vaccine COVID-19, nguy cơ mắc MIS-C cao hơn so với trẻ được tiêm vaccine.

MIS-C nguy hiểm không?

Có hay không tùy mức độ bệnh. Bệnh có nhiều mức độ, có thể chỉ là các biển hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, ban trên da cho tới  mức độ nặng, sốc, suy đa cơ quan thậm chí tử vong.

Tuy bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn tới suy đa cơ quan nhưng hầu hết bệnh cũng hồi phục nhanh khi được điều trị thích hợp. Một số ít (1-1,5%) có thể tiến triển nặng và tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh?

Cho tới nay, nguyên nhân chính xác của MIS-C còn chưa rõ, có thể là hậu quả của tình trạng đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với nhiễm virus SARS-CoV-2.

Do MIS-C chỉ xảy ra ở một số ít trẻ mắc COVID-19, do đó, giả thiết về yếu tố gene có liên quan tới xuất hiện MIS-C cũng đã được đưa ra.

Khi nào nên nghi ngờ con mắc MIS-C?

Bạn cần nghĩ tới con mình bị MIS-C và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện sau:

- Trẻ sốt cao liên tục > 38,5 độ C, kèm theo có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ.

- Trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

Mặc dù MIS-C xảy ra sau mắc COVID-19, nhưng đa phần COVID-19 ở trẻ thường không có triệu chứng hoặc nhẹ. Trong tình hình dịch bệnh xảy ra như hiện nay, cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ, kể cả khi không biết rõ trẻ đã bị mắc COVID-19 trước đó hay không.

Khi nhập viện con bạn sẽ được các bác sĩ thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh lý khác như bệnh Kawasaki cũng như nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác như sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc…. Xét nghiệm được chỉ định tùy vào mức độ bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng kèm theo. Các xét nghiệm thường được làm cho những trẻ bị MIS-C bao gồm:

- Xét nghiệm máu đánh giá tình trạng đông máu, phản ứng viêm của cơ thể, tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan, thận; xét nghiệm đánh giá tổn thương tim.

- Cấy máu loại trừ nhiễm trùng huyết.

- Siêu âm tim đánh giá suy tim, giãn động mạch vành.

- Xét nghiệm khẳng định từng mắc COVID-19: kháng thể kháng SARS-CoV-2.

Chẩn đoán

MIS-C được chẩn đoán dựa vào tập hợp các triệu chứng lâm sàng (như sốt cao, các dấu hiệu tổn thương các cơ quan như tim, hệ tiêu hóa..) và các kết quả xét nghiệm có tình trạng tăng phản ứng viêm của cơ thể.  Trẻ cũng cần bằng chứng của nhiễm SARS-CoV-2. Tới nay, chưa có triệu chứng hay một xét nghiệm đơn độc nào đủ để chẩn đoán xác định MIS-C.

Khi chẩn đoán xác định MIS-C, trẻ được đánh giá mức độ bệnh, hội chẩn với các bác sĩ: hồi sức, truyền nhiễm, miễn dịch để đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp với mức độ bệnh. Nếu trẻ trong tình trạng nặng, nguy kịch, sẽ được điều trị hồi sức, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Trẻ sẽ được sử dụng các thuốc chống viêm, thuốc điều hòa miễn dịch như corticoids, immunoglobuline đường tĩnh mạch để làm giảm quá trình viêm ở mạch máu, tim… Ngoài ra trẻ cũng có thể được điều trị với thuốc Aspirin liều thấp hoặc thuốc chống đông để giảm nguy cơ đông máu và tắc mạch.

Tùy vào tình trạng của con bạn tại thời điểm ra viện, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tiếp tục điều trị tại nhà và hẹn khám lại. Tần suất tái khám tùy từng trường hợp cụ thể. Mỗi lần tái khám, con bạn sẽ cần được khám tổng quát, có thể cần làm lại các xét nghiêm và siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim và mạch vành. Trẻ cũng có thể được làm thêm các thăm dò về tim mạch nếu như có những dấu hiệu bất thường.

Làm gì để dự phòng MIS-C?

Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc COVID-19. Cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như 5K và cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch. Tiêm đủ liều vaccine COVID-19 giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng/nguy kịch, đồng thời cũng giảm nguy cơ mắc MIS-C.

Với trẻ đang mắc hoặc sau mắc COVID-19, nếu xuất hiện các biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa cần phải nghĩ tới MIS-C và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

MIS-C chỉ gặp ở trẻ em?

Không, hội chứng này còn gặp ở trẻ sơ sinh (MIS-N) và ở người trưởng thành (MIS-A).

BS Lê Nhật Cường - BS Phan Hữu Phúc

Tin mới