Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sông Hồng - sông Mẹ và những ẩn họa chực chờ

(VTC News) -

Sông Hồng, con sông Mẹ của đồng bằng Bắc bộ, đang trải qua những biến đổi sâu sắc và theo các chuyên gia, đằng sau sự biến đổi ấy là những ẩn họa chực chờ.

Ở gần cầu Cốc Lếu, TP. Lào Cai, ven sông Hồng có mấy vườn rau xanh um. Nhưng các chủ vườn rau phải dùng nước giếng để tưới, vì sợ dùng nước sông thì rau sẽ chết.

Ông Lê Văn Nam, người dân TP. Lào Cai, nói mấy năm nay, sông Hồng ô nhiễm nặng hơn, hoặc theo hiểu biết của ông, thì “đang biến đổi rất ghê”.

Sông Hồng đang trải qua những biến đổi sâu sắc. Trong ảnh: Sông Hồng đoạn chảy qua huyện Văn Yên, Yên Bái

Video: Sông Hồng cạn nước

Sông Hồng màu xanh nhạt

Ông Nam bảo trước đây hàng năm nước lũ về nhiều lắm, nước sông đục vì phù sa, nhưng 5 năm trở lại đây nước cạn dần, màu nước cũng khác.

Sông Hồng phải đục thì mới gọi là sông Hồng nhưng giờ nước lại trong”, ông Nam nói và cho rằng nước đổi màu sang xanh nhạt là do mất đi phù sa, mà nguyên nhân có thể là do bên Trung Quốc ngăn nước xây dựng đập thuỷ điện.

“Vài năm trở lại đây, bên Trung Quốc có nhà máy cồn sắn, cứ đến tháng 2 hàng năm là họ xả thải, chảy sang bên Lào Cai này sùi bọt như xà phòng”.

Ông Lê Văn Nam 

Theo người đã có thâm niên sống bên sông Hồng mấy chục năm như ông Nam, vài năm trở lại đây, sinh vật dưới sông cũng ít dần đi. “Trước người dân bắt được những con cá chiên nặng đến 4 – 5 cân, nhưng 2 năm nay hầu như không còn nữa. Nếu không có phù sa thì sinh vật sao mà phát triển được”, ông nói.

Ông Nam làm vườn ngay sát sông nhưng dùng nước giếng khoan để tưới. “Cũng nghe kể việc rau chết do tưới nước sông Hồng, tôi nghĩ là hệ quả của việc xả thải của nhà máy sắn bên phía Trung Quốc. Từ lâu tôi đã không dùng nước sông tưới rau”.

Đi xuôi sông Hồng từ Lào Cai về Yên Bái, sẽ tới huyện Văn Yên. Thôn Toàn An, xã Đông An, nằm ven sông. Nhà cửa cách bờ sông Hồng chỉ vài bước chân.

Anh Nguyễn Văn Ánh, 38 tuổi, nói nhà mình ba đời làm nghề đánh cá trên sông. Ông nội, bố và các chú đều gắn bó và sống chủ yếu bằng chài lưới. Anh cũng nối gót, đánh cá trên sông Hồng mấy chục năm qua. “Học hết lớp năm, tôi theo bố và chú. Hồi đó, ngày bắt được vài chục cân là bình thường, đủ loại cá như chiên, mịt, ngạnh, lăng".

Anh Ánh bảo, năm 2017, anh vay tiền dựng lồng nuôi cá, nhưng rồi nước đầu nguồn không thấy về, sông ngày càng cạn. Sông cạn, dòng chảy yếu, cá nhiễm khuẩn chết. Anh trắng tay.

Dọc từ Lào Cai về Yên Bái, nhiều khúc sông Hồng cạn trơ đáy

Sau đó tôi phải sang Trung Quốc kiếm việc làm. Rồi lại quay về làm nghề đánh cá”, anh kể tiếp. “Nhưng một vài năm trở lại đây, bắt được cho đủ nhà ăn còn khó, lấy đâu ra mà bán. Dạo này tôi đã ngừng đi đánh cá vì kiếm vài ba cân một ngày còn không nổi”.

Anh dẫn chúng tôi ra xem “tàn tích” của đám lồng nuôi cá, những tấm lưới bỏ mục lâu ngày.

Từ giữa năm 2021, anh chuyển sang làm bốc vác ở xưởng gỗ quế, ngày được vài trăm nghìn. Sống ven sông, nhà ba đời đánh cá nhưng thuyền và lưới để không cả nửa năm nay.

 

"Tôi đã ngừng đi đánh cá vì giờ một ngày không được nổi vài ba cân".

Anh Nguyễn Văn Ánh - người dân sống ven sông Hồng

Anh Ánh bảo, cá không còn nhiều là do người ta đánh bắt tận thu bằng kích điện, nếu chỉ dùng lưới chài, câu thì không bao giờ hết cá. Nhưng đó cũng là một phần nguyên nhân, cái chính là nước sông ngày càng ô nhiễm.

Dọc từ đây (huyện Văn Yên) lên huyện Văn Bàn có hàng loạt nhà máy xả thải ra sông. Chưa kể hàng ngày cứ khoảng 5 giờ chiều có xe rác to lại đổ xuống ngay chân cầu Thoái Hút kia”, anh ngư dân bỏ nghề nói.

Anh bảo trước đây còn dùng nước sông Hồng để ăn uống, nhưng giờ tắm còn không dám vì ngứa, cá đánh lên nhiều con bị dị tật ở mồm, chả dám ăn. Thả lưới không thấy cá nhưng nhớt, chất thải thì bám đầy.

Thay vì cá, dòng sông nay chỉ toàn chất thải và rác

Cũng có trường hợp tưới rau bằng nước sông, rau chết, ngay ở dưới Suối Hút kia. Nhưng quả thật chúng tôi là dân, thấp cổ bé họng không dám kêu ai, mà có nhiều lần chưa kịp kêu đã bị đe doạ. Có lần đài truyền hình về làm phóng sự cũng không dám kể”, anh Ánh tỏ ra e ngại khi phóng viên hỏi chuyện.

Vì sao sông Hồng đổi màu?

Trong cuộc trò chuyện với VTC News, ông Hồ Cao Khải, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai nói hiện nay, việc điều tiết nước sông Hồng phụ thuộc phía Trung Quốc bởi nhiều công trình thuỷ điện lớn và các hồ tích nước đã được họ xây dựng trong những năm gần đây.

Nói cách khác, đây được xem là “vũ khí nước” – quyền điều tiết. Khi mình không cần thì họ xả, ngược lại lúc mình cần thì họ lại không xả”, ông Khải nói.

Vị giám đốc sở nói trước đây sông Hồng đục, nhưng các công trình phía Trung Quốc đã chặn hết nên phù sa không về nữa. Vì thế sông Hồng đổi màu, nước trong, “có những khu vực có thể nhìn thấy đáy”. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đập đầu nguồn.

Ông Hồ Cao Khải - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai

Ông Khải cho rằng nguồn nước điều tiết không ổn định sẽ dẫn đến tình trạng “sa mạc hoá hạ du”. Ông dẫn chứng: Nước sông Hồng từ năm 1991, khi tỉnh Lào Cai tái lập, ghi nhận tại khu vực cầu Cốc Lếu luôn ở mức 80 (cầu có cos 92), cho đến 85-86. Thời điểm thấp nhất vẫn đạt mức 79. Tuy nhiên, thời điểm bây giờ (đầu tháng 1/2022), nước sông chảy qua tỉnh Lào Cai gần như cạn kiệt. Cầu Cốc Lếu hở gần hết trụ.
Trước đây, lũ sẽ theo chu kỳ tự nhiên, một năm sẽ có mấy mùa nhưng giờ ngược lại. Tức là không phải mùa mưa lại vẫn có lũ bởi bên Trung Quốc mưa. Lưu vực tỉnh Vân Nam và châu Hồng Hà (Trung Quốc) đẩy nước ra sông Hồng rất nhiều, tích tụ lại thì họ xả, đương nhiên sẽ tạo ra sự bất thường so với thời tiết ở Việt Nam.

Những lo ngại của ông Hồ Cao Khải cũng là mối bận tâm của một số nhà khoa học thủy lợi.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi nói, sông Hồng từ thượng nguồn, đi qua các cao nguyên Trung Quốc, những vùng đất đỏ, kéo theo loại đất này tạo nên phù sa. Những năm gần đây, khi Trung Quốc đẩy mạnh khai thác, xây dựng thuỷ điện thì đã giữ lại hầu hết sự màu mỡ của dòng sông này.
Chính phù sa của sông Hồng đã bồi đắp nên khu vực đồng bằng sông Hồng như hiện nay. Tôi lo ngại rằng, không chỉ sự biến đổi nước một vài năm gần đây ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà rồi đồng bằng sông Hồng liệu có còn được tồn tại, hay là sẽ sạt lở dần”, ông Hồng nói với VTC News.

Vị chuyên gia lâu năm của ngành thủy lợi nhận định: Sông Hồng chuyển màu nghĩa là nó đã mất đi sự màu mỡ, và điều này cũng dẫn đến tình trạng xói lở lòng sông.

Theo quy luật tự nhiên, để dòng sông “sống” thì phải có phù sa. Sông ít bùn cát, phù sa thì không thể tạo thành dòng chảy, buộc phải xói lở hai bên bờ cho đủ lượng bùn cát, sỏi, tạo nên dòng chảy, dịch chuyển nước.

Nhiều nhà khoa học rất quan ngại việc khai thác cát bừa bãi trên các sông khiến tình trạng xói lở càng trở nên nghiêm trọng. Nhà nước đã có nhiều chế tài xử lý nhưng vẫn chưa dẹp được nạn cát tặc, vấn đề này vô cùng nguy hại”.

Theo những gì tôi nghiên cứu trong tài liệu của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, sau này trở thành tổng thống Pháp, ông nói rằng Hà Nội là sản phẩm của dòng sông Hồng. Đây là dòng sông cổ, quy luật dòng chảy, quá trình xói lở nếu không được kiểm soát sẽ “ngoạm” cả Thủ đô này mất”, ông Hồng nói.

Vị cựu thứ trưởng Bộ Thủy lợi, sau này là thứ trưởng Bộ NN&PTNT kể ngày trước, cứ đến mùa lũ là ông chỉ đạo bồi đắp, thả cát, thả đá để chống giữ, bảo vệ cho bằng được cửa Tứ Liên (Hà Nội).

Tuy nhiên đến hiện nay, khi sông Hồng mất dần phù sa, tình trạng xói lở sẽ diễn ra càng nghiêm trọng. Mà theo quy luật, xói lở không phải trên bề mặt, cứ thả đá là được, vì diễn ra ngầm ở dưới”.

TS. Đào Trọng Tứ

Theo TS. Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), hồ chứa được xây dựng ở phía thượng nguồn càng lớn thì giữ phù sa của con sông càng nhiều, khu vực hạ du sẽ thiếu hụt phù sa, màu mỡ.

Nếu không có hồ chứa thì dòng chảy tự nhiên sẽ kéo theo phù sa với tốc độ chậm, ít gây xói lở ở lòng sông và hai bên bờ. Tuy nhiên khi phù sa bị giữ lại, dòng sông sẽ “đói” và tốc độ dòng chảy sẽ cao hơn, để cân bằng động lực sẽ xói bờ và lòng sông trong quá trình di chuyển.

Theo quy luật tự nhiên, sông vẫn sẽ bên lở bên bồi. Khi có đập, chuyện bên lở bên bồi sẽ biến động rất lớn, hiện tượng xói lở và bồi lắng sẽ phức tạp hơn.

Hiện nay, tác động của những con đập từ bên ngoài cũng như trong nước làm cho lòng sông Hồng từ Sơn Tây trở xuống bị xói xuống, có nơi tới hàng chục mét. Đã có nghiên cứu xác định nguyên nhân của hiện tượng này là do mất phù sa, do khai thác cát.

Dòng sông cạn

Không chỉ đổi màu từ hồng sang xanh nhạt mà vài năm trở lại đây mực nước sông Hồng cũng đã giảm. So với những năm 90 của thế kỷ trước, cùng một cấp lưu lượng thì mực nước sông Hồng hiện nay đã hạ xuống khoảng 2,4m, và dự báo trong thời gian tới sẽ còn hạ nữa”, GS.TS Đào Xuân Học - chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Theo ông, hiện nay, tất cả các công trình thuỷ lợi lấy nước trực tiếp từ sông Hồng từ trạm bơm Trung Hà (Ba Vì) đến trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) rồi cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) và cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) về công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải đều không thể lấy nước chủ động trong mùa kiệt nếu không có việc gia tăng xả nước từ hồ Hoà Bình.

 

“Không chỉ đổi màu từ hồng sang xanh nhạt mà vài năm trở lại đây mực nước sông Hồng cũng đã giảm".

GS.TS Đào Xuân Học

Từ giai đoạn năm 2012 trở về trước, để phục vụ cho một đợt tưới, hồ Hoà Bình xả 1,5 tỷ m3 khiến mực nước sông Hồng dâng 2,2 – 2,3m, lúc này các công trình thuỷ lợi kể trên lấy nước thuận lợi.

Nhưng năm vừa rồi (2021) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu ngành điện phải xả trên 5 tỷ m3 mà nước sông Hồng chỉ dâng lên mức 1,9m, cho thấy mực nước đã hạ rất thấp”, GS.TS Đào Xuân Học nói.

Bên sông Hồng, ở thôn Toàn An, ngư dân bỏ nghề tên Ánh bảo, trước đây mỗi khi mùa lũ, nước sông Hồng dâng lên ngấp nghé vườn rau khoai trước sân nhà anh. “Nay nước lùi xa vài chục mét, và mấy năm qua chưa thấy lần nào lên lại”, anh Ánh nói.

Xuân Thủy - Anh Văn - Trần Quang

Tin mới