Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sông Hồng không còn lũ là điều đáng mừng hay báo trước sự suy vong?

(VTC News) -

Không còn lũ, sông Hồng biến đổi sâu sắc và một trong những hệ lụy nguy hiểm là tình trạng nước biển xâm nhập sâu khiến đất nhiễm phèn, không thể trồng trọt.

TS. Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) nói, theo thống kê, 15 năm trở lại đây lũ trên sông Hồng không về tới đồng bằng sông Hồng.

>>>Sông Hồng - sông Mẹ và những ẩn họa chực chờ

Sinh thái tự nhiên khác biệt hoàn toàn với sinh thái nhân tạo. Nếu không có lũ, đồng bằng sẽ nghèo nàn phù sa, sự màu mỡ của đồng bằng hạ nguồn, rồi khả năng làm sạch tự nhiên của dòng sông cũng kém đi. Tất nhiên, mọi hiện tượng đều có hai mặt, việc có lũ cũng sẽ uy hiếp hệ thống đê điều, gây thiệt hại cho các vùng dân cư”, ông Tứ nói với VTC News. “Tôi không nhận định rằng “dòng sông sẽ chết” nhưng những hình thành của tự nhiên đã bị thay đổi”.

Không còn lũ, sông Hồng sẽ ra sao?

Theo GS.TS Phạm Hồng Giang - Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, việc lũ không xuất hiện trên sông Hồng sẽ tạo ra hai hệ quả lớn đối lập nhau: Về mặt tích cực, hiện tượng này giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, đặc biệt là khu vực dân cư có dòng sông đi qua bởi không phải ở đâu hệ thống đê điều cũng đáp ứng yêu cầu, nhiều đoạn vẫn còn yếu, chưa đủ khả năng chống đỡ, nguy cơ sạt lở cao.

Sông Hồng chảy qua huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái)

Về mặt tiêu cực, khi các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, hồ điều tiết giữ nước lại thì đồng thời giữ cả phù sa. Hậu quả của việc không có lũ trên sông Hồng sẽ thể hiện rõ rệt hơn vào mùa kiệt khi tình trạng ô nhiễm trở nên cực kỳ nghiêm trọng, cùng với đó là tình trạng đáy sông bị bào mòn, tất cả các hoạt động ở hạ du như giao thông thuỷ, sản xuất, nuôi trồng… đều bị ảnh hưởng.

TS. Hoàng Văn Thắng, chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, mực nước sông đã hạ ở mức trên dưới 2m so với trước đây dẫn đến các con sông như sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải… không nhận được nước sông Hồng như trước. Như vậy, hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu cho 500.000ha gần như tê liệt. Tình trạng này cũng góp phần làm tăng ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến an toàn đê… Hàng năm, các hồ chứa thượng nguồn sông Đà phải xả 5 – 6 tỷ khối nước, ảnh hưởng đến sản xuất điện.

Mực nước hạ thấp sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm mặn, nước mặn sẽ vào sâu hơn”, ông Thắng nhận định.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, đợt lũ lớn nhất trên sông Hồng đổ về đồng bằng đã xảy ra từ năm 1996 và từ đó trở lại đây không thấy xuất hiện đợt lũ lớn như thế nữa.

Ông Hồng nhận định rằng, nguyên nhân sông Hồng không còn lũ đầu tiên phải nhắc đến việc nước ta rất nhiều thời kỳ có El Nino (hạn hán), lượng mưa không lớn. Tiếp đến là về phía thượng nguồn sông Hồng bên kia biên giới, Trung Quốc đang tận dụng tối đa nguồn nước với chiến dịch chuyển nước từ Nam lên Bắc. “Chúng ta không có thông tin cụ thể về việc họ sử dụng nguồn nước như thế nào. Chỉ biết rằng nước chảy về Việt Nam rất ít, sông Hồng ngày càng cạn”, ông Vũ Trọng Hồng nói. Và một nguyên nhân nữa, theo ông, là các đập thuỷ điện của Việt Nam trên sông Đà (Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La) trữ nước để sản xuất điện.

>>>Sông Hồng và những ẩn số thượng nguồn, ở bên kia biên giới

Những nguyên nhân kể trên gây ra tình trạng sông Hồng hiện nay vào mùa mưa không có lũ lớn còn mùa kiệt thì cạn nước.

Vị cựu phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi nhận định: Sông Hồng không còn lũ gây ra nhiều thực trạng đáng lo ngại. Nguồn nước ngầm suy kiệt dần là điều không thể tránh khỏi. Thứ nữa, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên. Và điều đáng ngại là nước biển sẽ tràn vào gây nên tình trạng nhiễm mặn.

Các cơ quan chức năng chưa có thông báo gì về việc này nhưng nhiễm mặn ở đồng bằng sông Hồng sẽ ngày càng tăng cao, điều này vô cùng nguy hiểm”, ông Hồng nói. “Nhiều năm trước tôi đã đi khảo sát tại khu vực Thái Bình, từ huyện Tiền Hải đổ về thành phố Thái Bình cây đổ màu vàng thể hiện tình trạng phèn đã lên cao. Nhiều hộ dân buộc phải bán đất vì không phù sa, đất nhiễm phèn thì không thể trồng trọt được nữa”.

Sông Hồng không còn cong mềm mại như trước đây nữa, nhiều đoạn sông đã trở nên gấp khúc. “Đây là biểu hiện của việc dòng sông đang đứng lại khoét xung quanh bờ để lấy đủ đất, sỏi. Điều này rất nguy hiểm. Có lẽ dòng sông đang và sẽ chết dần”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận định.

Xâm nhập mặn ngày càng phức tạp

Theo tài liệu Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên - Môi trường gửi VTC News, cùng với diễn biến phức tạp của nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu và khai thác, sử dụng nước của các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông làm cho lượng nước mùa khô có xu thế ngày càng suy giảm.

Ngoài ra, nhu cầu nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng (do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp, phát triển thủy điện ngày càng nhanh), các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình ngày càng diễn biến phức tạp.

>>>‘Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ không dám uống nước sông Hồng

Lưu vực sông Hồng - Thái Bình có gần 50% diện tích ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc gia tăng khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở phần thượng nguồn lưu vực sông gây ảnh hưởng không nhỏ tới chế độ nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Theo dự báo, dân số tăng mạnh ở hầu khắp lưu vực cùng với việc phát triển kinh tế nhanh, nguồn nước mặt vào mùa khô đang ngày càng trở thành vấn đề then chốt, cả đối với người dân và đối với sức khỏe của các hệ thống sông vốn đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế và xã hội. Tình trạng thiếu nước trong mùa khô liên tục xảy ra ở vùng hạ du. Trong những năm gần đây, mực nước tại một số vị trí quan trắc ở hạ du đã có thời điểm xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử. Cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô ngày càng tăng.

Tương đồng với nhận định của các chuyên gia độc lập, Cục Quản lý tài nguyên nước nhận định, nước mặn đã vào nội địa sâu hơn trên các cửa sông Vạc (Ninh Bình), cửa sông Ninh Cơ (Nam Định). Mặn đã lên quá cống Dõng, cửa sông Sò (Nam Định), cửa lấy nước vào hệ thống Nam Thái Bình trên sông Hồng, sông Hóa và các cửa lấy nước của Hải Phòng.

Lưu lượng về hạ du giảm, mực nước sông Hồng xuống thấp và nước biển dâng cao kết hợp triều cường dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng phức tạp. Kết quả quan trắc, đánh giá số liệu đo độ mặn cho thấy: vào mùa kiệt nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có độ mặn vượt quá nồng độ cho phép đã làm giảm năng suất cây trồng.

 

“Nhiều năm trước tôi đã đi khảo sát tại khu vực Thái Bình, từ huyện Tiền Hải đổ về thành phố Thái Bình cây đổ màu vàng, thể hiện tình trạng phèn đã lên cao. Nhiều hộ dân buộc phải bán đất vì không có phù sa, đất nhiễm phèn thì không thể trồng trọt được nữa”.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

Các phân lưu hạ lưu sông Thái Bình bị xâm nhập mặn sâu nhất, từ 6 - 27 km, với độ mặn 1%0 và 4%0 (nước ngọt có độ mặn dưới 0,05%0, nước lợ 0,05-3%0, nước mặn trên 5%0 - PV). Độ sâu xâm nhập mặn lớn nhất với độ mặn 1%0 trên sông Thái Bình là 12 - 40 km (tùy thuộc vào từng phân lưu), trên sông Ninh Cơ là 32 km, trên sông Trà Lý là 20 km, trên sông Đáy là 20 km và trên sông Hồng là 14 km.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước, an ninh nguồn nước của chúng ta đang bị de dọa bởi cuộc chạy đua an ninh năng lượng. Hồ chứa ở các tiểu lưu vực thượng lưu có quy mô lớn và có thể tác động lớn đến dòng chảy xuống đồng bằng. Hiện chưa có thỏa thuận chính thức nào về vận hành các hồ này, đặc biệt vào mùa khô.

Do vậy, theo các chuyên gia, cần quản lý cẩn trọng các hồ chứa thượng nguồn nhằm đảm bảo an ninh nước cho vùng đồng bằng không bị hy sinh cho việc tập trung quá nhiều vào an ninh năng lượng.

>>>Sông Hồng đang chết dần

Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho Việt Nam đến năm 2030

Chủ động kế hoạch sử dụng nước trên sông xuyên biên giới trên cơ sở giám sát, hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, vận hành khai thác nguồn nước;

Áp dụng các công nghệ tiên tiến để theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia, phát hiện những vấn đề bất thường;

Tiếp tục hợp tác với các quốc gia thượng nguồn trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, số liệu vận hành khai thác, sử dụng nước; thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột tài nguyên nước liên quốc gia đảm bảo nguyên tắc công bằng, hài hoà lợi ích của các quốc gia, phù hợp với các điều ước quốc tế;

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với lưu vực sông Hồng và các nguồn nước liên quốc gia, tiến tới xây dựng các hiệp định, quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên quốc gia;

Đánh giá tổng thể về thủy điện dòng chính sông Mekong, thượng nguồn sông Hồng trong bối cảnh gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn và đề xuất giải pháp bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia;

Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, đảm bảo an ninh nước cho môi trường;

Sửa đổi bổ sung các quy trình vận hành hồ chứa, hệ thống các công trình thủy lợi, theo hướng sử dụng nước đa mục tiêu vừa cấp nước đồng thời tạo dòng chảy cho sông, kênh với mục đích cải thiện môi trường nước sông, kênh;

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ các chất thải ra môi trường, đặc biệt là nước thải xả vào nguồn nước; quản lý chặt chẽ khai thác nước dưới đất ở một số khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn, sụt lún đất…

(Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên - Môi trường)

>>>Đà Giang san sẻ gánh nặng với 'sông Mẹ'

Xuân Thuỷ - Anh Văn

Tin mới