Biến động chính trường Anh
Truyền thông Anh viết “Thủ tướng Johnson ra đi để lại nước Anh hỗn loạn” đó là tình trạng lạm phát cao kỷ lục và có thể lên mốc 11% vào mùa Thu, đồng Bảng mất giá và triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu….
Thủ tướng Anh Johson.
Việc Thủ tướng Boris Johnson buộc phải từ chức đang tạo ra các biến động lớn trên chính trường Anh và chắc chắn cũng sẽ có những tác động đáng kể đến khả năng điều hành kinh tế của chính phủ nước này. Sự mất ổn định chính trị luôn là yếu tố mà các thị trường phản ứng hết sức nhạy cảm.
Ở thời điểm này, mặc dù ông Boris Johnson đã chấp nhận rút lui nhưng yếu tố bất ổn vẫn còn. Đầu tiên, đó là không ai biết khi nào thì đảng Bảo thủ Anh mới hoàn tất việc lựa chọn một lãnh đạo mới lên thay ông Boris Johnson. Cuộc đua hiện nay mới được khởi động và đã có ít nhất 10 ứng cử viên (ƯCV) khẳng định sẽ tham gia và con số này có thể lên tới khoảng 15 người.
Con số đông đảo các ƯCV tham gia cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ đặt ra 2 vấn đề.
Một, rất nhiều ƯCV trong cuộc đua này, đặc biệt là những người đương giữ các chức danh Bộ trưởng trong chính phủ, sẽ dồn ưu tiên của mình trong thời gian tới vào việc vận động tranh cử, lôi kéo đồng minh thay vì tập trung vào công việc chính của mình là điều hành tại các Bộ hay thực thi các cải cách cần thiết.
Điều này thể hiện tương đối rõ ở một ví dụ là chính sách thuế. Giới chuyên gia kinh tế tại Anh hiện nay hầu hết đều cho rằng nước Anh cần có một đột phá về chính sách thuế, có thể phải siết chặt để ứng phó với thực tế mới là nợ công đã phình to lên rất nhiều (gần 2.400 tỷ bảng, tương ứng 102% GDP) do COVID-19, nếu không thì sau 50 năm nữa, nợ công của Anh có thể lên tới 320% GDP. Nhưng đồng thời, chính sách thuế cũng phải linh hoạt để không làm gia tăng lạm phát vốn đang cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Nhưng, bất đồng về chính sách thuế này với ông Boris Johnson là một trong các lí do chính khiến cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak từ chức, khởi đầu cho khủng hoảng chính trị hiện nay.
Vấn đề thứ hai, đó là cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ này sẽ kéo dài, lãng phí thời gian và có nguy cơ gây chia rẽ hơn nữa nội bộ đảng Bảo thủ, trong khi ưu tiên hàng đầu là sớm tìm được người thay thế ông Boris Johnson. Hiện đã có một số tiếng nói từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ cho rằng, các ƯCV ít có cơ hội chiến thắng cần từ bỏ cuộc đua và thay vì tổ chức bỏ phiếu, một số ƯCV lớn của đảng Bảo thủ nên thương lượng và thoả hiệp với nhau để sớm chọn ra lãnh đạo, nếu không thì theo các kịch bản sớm nhất, phải đến cuối tháng 8/2022, thậm chí sang tháng 9/2022 nước Anh mới có Thủ tướng mới. Việc chậm trễ này sẽ càng khiến các vấn đề cấp bách của nền kinh tế Anh như lạm phát, nguy cơ suy thoái, căng thẳng Brexit với Liên minh châu Âu… chậm xử lý.
Ngoài những vấn đề trên, một số nhà quan sát cũng lo ngại trước một khả năng khác, dù tương đối thấp, đó là vai trò khó dự đoán của ông Boris Johnson trong thời gian còn tại vị. Mặc dù ông Boris Johnson đã tuyên bố sẽ không thực thi chính sách nào lớn trong lúc chờ chuyển giao chức Thủ tướng nhưng có không ít người lo ông Boris Johnson có thể hành động giống ông Donald Trump vào những ngày cuối nắm quyền Tổng thống Mỹ, đó là đưa ra các quyết định gây hại sau này.
Gương mặt ứng viên tiềm năng cho vị trí thủ lĩnh đảng Bảo thủ
Ngay sau tuyên bố sẽ từ chức của ông Johnson, cuộc đua cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cũng đã khởi động.
Hiện tại, tính đến hết ngày 9/7, đã có 10 ƯCV công bố chính thức tham gia cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ và con số này sẽ tăng lên trong vài ngày tới, sau khi Uỷ ban 1922 của đảng Bảo thủ họp trong ngày 11/07 và công bố chi tiết lộ trình bầu chọn. Trong số các ƯCV nổi bật hiện nay, hầu hết là những người đã và đang giữ các chức Bộ trưởng trong chính phủ Anh, tiêu biểu như các ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, Sajid Javid, cựu Bộ trưởng Y tế, bà Liz Truss, đương kim Ngoại trưởng, ông Nadhim Zahawi, đương kim Bộ trưởng Tài chính hay ông Grant Shapps, đương kim Bộ trưởng Giao thông. Ngoài ra có thể kể đến một số khác như nghị sĩ đảng Bảo thủ, ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Hạ viện Anh hay ông Jeremy Hunt, cựu Ngoại trưởng Anh dưới thời chính phủ bà Theresa May và là người đã thua ông Boris Johnson trong cuộc đua chức lãnh đạo đảng Bảo thủ năm 2019. Một gương mặt được đánh giá rất cao là Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace thì đã tuyên bố không tham gia cuộc đua.
Nhìn chung, không có một nhân vật nào chiếm ưu thế nổi bật trong số đông các ƯCV này tuy nhiên, đánh giá của giới quan sát, kết quả các cuộc thăm dò dư luận hay cả tỷ lệ cá cược của các nhà cái tại Anh cho thấy, hiện ông Rishi Sunak và bà Liz Truss là những ƯCV có nhiều tiềm năng chiến thắng. Ông Rishi Sunak đang được nhắc đến nhiều và cũng là ƯCV đưa ra chiến dịch truyền thông sớm nhất. Lợi thế lớn của ông Rishi Sunak là lĩnh vực kinh tế-tài chính bởi ông là nhân vật đứng sau những chính sách kinh tế lớn của Anh trong hơn 2 năm qua nên được đánh giá là người phù hợp để lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay khi nước Anh đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss thì gây được sự chú ý trong nội bộ đảng Bảo thủ vì các quan điểm cứng rắn về Brexit, Bắc Ai-len hay về xung đột Nga-Ukraine hiện nay và cũng được đánh giá là người có nhiều tham vọng, đã chuẩn bị lâu nay cho việc lên thay ông Boris Johnson nên có thể đã xây dựng được mạng lưới đồng minh tốt trong đảng Bảo thủ.
Ngoài 2 nhân vật này, truyền thông Anh đánh giá, một nhân vật thứ 3 có thể tạo bất ngờ là ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Anh. Ông Tom Tugendhat vốn là một quân nhân và là người có các quan điểm mạnh mẽ về đối ngoại nên đang gia tăng được sự ủng hộ trong nội bộ đảng Bảo thủ, đặc biệt là phe cánh hữu trong đảng.
Cảnh báo về "sóng ngầm" ở châu Âu
Ngoài những bê bối cá nhân, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức là biến cố chính trị cụ thể nhất cho thấy hậu quả từ một loạt thách thức, trong đó đáng kể nhất là kinh tế.
Việc ông Johnson phải từ chức là hệ quả tích tụ của một loạt các cuộc khủng hoảng do chính ông đã gây ra trong 3 năm qua cũng như các thất bại trong điều hành đất nước, từ việc phản ứng chậm trễ trong thời kỳ đầu đại dịch Covid-19 cho đến thành tích kinh tế yếu kém. Ngay cả chủ đề nổi bật nhất đưa ông Boris Johnson lên làm Thủ tướng là Brexit cũng đang ngày càng lộ rõ là một thất bại. Ông Boris Johnson đã hạ bệ bà Theresa May nhờ khẩu hiệu “Để Brexit được thực thi” nhưng sau khi đã ký thoả thuận Brexit với EU cuối năm 2019, giờ đây chính ông Boris Johnson lại đang có ý định xoá bỏ thoả thuận này, công khai thừa nhận sẵn sàng vi phạm luật pháp quốc tế khi nhận ra rằng điều khoản Bắc Ireland quá khó để thực thi.
Nhìn vào di sản hiện nay của ông Boris Johnson, hầu hết giới phân tích tại Anh nhận định, điểm sáng nhất, và có thể là duy nhất, trong di sản của ông Boris Johnson là các chính sách của Anh đối với xung đột Nga-Ukraine. Ông Boris Johnson có thể coi là lãnh đạo phương Tây năng nổ nhất trong việc ủng hộ Ukraine, là nguyên thủ phương Tây đầu tiên đặt chân đến Kiev vào tháng 4/2022 sau khi xung đột nổ ra. Anh cũng là nước phương Tây viện trợ quân sự, tài chính lớn nhất cho Ukraine sau Mỹ, đồng thời duy trì quan điểm rất cứng rắn với Nga. Do đó, trong đánh giá của phương Tây thì đây là điểm tích cực của ông Boris Johnson.
Tuy nhiên, đối nội bao giờ cũng vẫn là yếu tố quyết định chứ không phải đối ngoại. Người dân tại Anh cũng như nhiều nước khác tại châu Âu đang ngày càng quan tâm, lo lắng hơn đến các vấn đề kinh tế trong nước, về lạm phát, về nguy cơ suy thoái, về việc sức mua sụt giảm… hơn là việc hỗ trợ Ukraine đến mức nào. Điều này đã được chứng minh qua một loạt các cuộc thăm dò dư luận, như cuộc thăm dò do Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR) thực hiện với 10.000 người hồi tháng 6/2022 tại 10 quốc gia châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh, khi đa số được hỏi muốn cuộc xung đột sớm chấm dứt vì lo ngại tác động kinh tế, hơn là muốn ủng hộ Ukraine đến cùng. Do đó, các chính phủ châu Âu có lẽ đã hiểu rằng đã đến lúc phải tập trung mọi ưu tiên cho vấn đề kinh tế trong nước hơn là chuyện bên ngoài. Bài học này là rất rõ ràng với ông Boris Johnson và trước đó nữa là với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi đảng của ông thất bại trong bầu cử Quốc hội Pháp.