Đa số người Việt Nam đều từng ít nhất một lần nghe qua bài hát Bắc Kim Thang. Với đám trẻ con, đây đơn thuần chỉ là một bài đồng dao dễ nhớ dễ thuộc, không mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nhưng vài năm trở lại đây, người lớn lại khá… hứng thú trong việc lý giải lời bài hát. Từ đó, những câu chuyện rùng rợn được mở ra khiến nhiều người tự hỏi liệu đây có phải là một bài hát trẻ em đơn thuần?
Giải nghĩa tên bài hát
“Bắc kim thang” có cách hiểu hơi “hàn lâm”. Cụ thể, cụm từ “kim tự tháp” cũng bắt nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là hình tam giác cân.
Trong dân gian Việt Nam, cái tên này là một kỹ thuật trồng cây thuộc họ dây leo ở miền Tây Nam Bộ. Người ta “bắc” hai cây cột hình thang cân giống kim tự tháp. Hai cây cột được bắt chéo lại với nhau và chân cột cắm trên mặt đất. Những cái thang này cách nhau một khoảng và chạy thành hàng dài, rồi được nối với nhau bằng một cái kèo dài trên đầu để giữ cân bằng, lực đỡ.
Và đến đây chính là câu “cà lang bí rợ”, ý chỉ tên những loại quả của miền Tây. Quả cà, củ khoai lang và quả bí rợ. Ba loại này đều là loại dây leo, người ta làm kim thang để thân cây có thể leo lên trên đó mà ra hoa kết quả.
Những giả thuyết về ý nghĩa bài hát
Câu chuyện cổ tích rùng rợn
Có nhiều giả thuyết về ý nghĩa của bài Bắc Kim Thang, trong đó giả thuyết được nhiều người đồng ý nhất là câu chuyện dân gian cảm động ca ngợi tình cảm bạn bè thân thiết giữa một anh bán dầu và một anh bán ếch.
Chuyện kể rằng, anh bán dầu và anh bán ếch là đôi bạn thân. Anh bán dầu từng giúp tiền bạc lo ma chay cho mẹ anh bán ếch nên anh rất quý trọng tình bạn này. Một ngày nọ, anh bán ếch phát hiện có con chim le le và bìm bịp dính bẫy. Sau khi được anh cứu mạng, chúng báo cho anh biết rằng có hai con ma dưới sông đã bàn với nhau trong 7 ngày tới, sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai.
Anh bán ếch đem chuyện kể cho bạn nghe nhưng anh bán dầu lại không tin. Vì thế, anh bán ếch cố tình chuốc say để anh bán dầu không thể đi qua sông buôn bán. Tới ngày thứ 7, anh bán dầu sực tỉnh, liền nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Khi đi qua cầu khỉ, anh bị ma làm phép, ngã xuống nước mà chết.
Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan.
Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao Bắc kim thang có 4 câu cuối là: “Chú bán dầu, qua cầu mà té. Chú bán ếch, ở lại làm chi. Con le le đánh trống thổi kèn. Con bìm bịp thổi tò tí te tò te”.
Bắc kim thang là hình ảnh ẩn dụ cho tình cảm keo sơn, khắng khít của anh bán dầu và anh bán ếch như “bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo là kèo qua cột”. Đó là sự tương trợ, gắn bó qua lại của nhân vật trong sự tích Bắc kim thang.
Giả thuyết của ông Nguyễn Hữu Hiệp
Trong hội thảo khoa học tại trường Đại học Cần Thơ năm 2003, ông Nguyễn Hữu Hiệp đến từ An Giang đã cho rằng, hiểu cho đúng thì bài đồng dao này phải được hát là: “Bắt kim than, cà lang bí rợ. Cột quai chèo, chèo qua chèo lại. Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít. Hái lá mít, chùi đít ngựa ô”. Tuy nhiên nhiều người cho rằng cách giải thích này lại khập khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.
Một số giả thuyết khác
Có giả thuyết đề cập bài hát Bắc Kim Thang mà ta biết vốn là bài hát mà các em nhỏ Nam Bộ dùng để chơi trò khoèo chân, vừa chơi vừa hát. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, bài hát Bắc Kim Thang có tên chính xác là “Bắt Kim Than” (tức là Bắt con ngựa màu nâu sậm) – hay là giai điệu vần vè nói về những chú ngựa mà thôi.