Theo các nhà khoa học, thềm băng duy nhất còn lại của Thwaites, vốn được coi là bức tường cuối cùng ngăn sự sụp đổ hoàn toàn của sông băng này có thể sẽ chỉ tồn tại trong vài năm nữa.
"Thềm băng phía đông có khả năng bị tách ra ra thành hàng trăm tảng băng. Khối băng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ đột ngột”, nhà khoa học nghiên cứu về băng Erin Pettit tới từ Đại học bang Oregon (Mỹ) cảnh báo.
Ảnh vệ tinh chụp lại tháng trước cho thấy thềm băng này đang xuất hiện các vết nứt lớn trên bề mặt.
Theo ông Pettit, thềm băng phía đông hoạt động như một cái đập đối với sông băng. Nhưng nước ấm đã thấm xuống dưới, khiến nó tan chảy.
Sông băng Thwaites có nguy cơ sụp đổ trong vòng 5 năm tới. (Ảnh: NASA)
Trong khi đó, chuyên gia Ted Scambo thuộc Viện Hợp tác Nghiên cứu Khoa học Môi trường (Mỹ) giải thích, nước ấm bên dưới về cơ bản đang "ăn mòn thềm băng".
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận thềm băng phía đông đang tan vỡ nhanh chóng và có thể sẽ sụp đổ trong 5 năm tới.
Sự sụp đổ này sẽ gây ra tác động đáng kể đối với đại dương.
Thềm băng phía đông chiếm khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu hàng năm. Một khi nó sụp đổ, "mức đóng góp" của nó vào mực nước biển sẽ tăng lên tới 25%.
Trong trường hợp toàn bộ sông băng sụp đổ, mực nước biển có thể tăng tới 0,6 m.
Ngoài ra, sông băng Thwaites cũng nối liền với các sông băng lân cận. Nếu các sông này đồng loạt tan chảy, mực nước biển sẽ dâng lên thêm 2,44 m, đe dọa các khu vực ven biển trên thế giới.