Trưa 20/1, ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị thống nhất đưa vào sử dụng 2 mẫu tem quảng bá, xác nhận đào trồng của người dân huyện Vân Hồ, với số lượng hơn 10.000 tem.
"Hai mẫu tem có kích thước 4x15cm và 4x20cm. Kinh phí in tem sử dụng nguồn xã hội hóa, mỗi tem có giá khoảng 1.000 đồng", ông Hải thông tin.
Huyện Vân Hồ cũng chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã rà soát số hộ, số lượng đào được trồng để phát tem đến người dân. Bên cạnh đó, đối với thương lái khi đến mua đào phải có giấy xác nhận mua của hộ nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu... để chứng minh nguồn gốc của địa phương.
Hai mẫu tem dán cho cây đào trồng được UBND huyện Vân Hồ phát hành.
Ngày 18/1, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản gửi các tỉnh thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
"Trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp", văn bản nêu.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đồng ý với đề xuất của tỉnh Sơn La về việc huyện Vân Hồ dán tem truy xuất nguồn gốc phân biệt đào rừng, đối với các hộ trồng đào.
Tại Hội nghị tổng kết công tác 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng, yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết.
"Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm", Thủ tướng nói.