Theo thống kê của VABA, trước đại dịch, hàng năm doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân từ 15%-20%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không.
Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.
Năm 2020, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng và có nguy cơ phá sản).
Năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5 và 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt.
Đáng chú ý, dù lỗ lớn nhưng để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.
Ngoài ra, việc áp dụng giãn cách xã hội khiến nhu cầu đi lại tiếp tục giảm. Trong khi chi phí phòng dịch của các hãng hàng không và các doanh nghiệp dịch vụ hàng không tăng cao. Do khó khăn, nhân sự bị cắt giảm ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ thiếu nhân lực khi phục hồi. Tình trạng quá tải hạ tầng hàng không chậm cải thiện, làm tăng chi phí của doanh nghiệp hàng không, gây phiền hà cho hành khách.
"Dù đang gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không còn thiếu và đang chậm triển khai", văn bản Hiệp hội hàng không nêu rõ.
Đề xuất sớm áp dụng ‘hộ chiếu vaccine’ để cứu hàng không.
Năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và Hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5 và 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.
Ủng hộ các giải pháp gỡ khó cho hàng không do Bộ KH-ĐT đề xuất mới đây, song theo hiệp hội này, cần tập trung thêm 2 giải pháp lớn để gỡ khó cho hàng không là xem xét sử dụng "hộ chiếu vaccine" và hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Cụ thể, VABA đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine. Từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Theo khảo sát vào tháng 3/2021 của IATA, 81% số người được phỏng vấn có nhu cầu đi lại trở lại sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, 84% số người được phỏng vấn sẽ không đi đến các quốc gia vẫn áp dụng chính sách cách ly. Hiện Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có hộ chiếu vaccine.
Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vắc xin trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vắc xin. Qua đó, cũng tăng năng lực cạnh tranh cho ngành hàng không và du lịch quốc tế.
Bên cạnh hộ chiếu vaccine, VABA cũng đề xuất hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Theo Thông tư 04/2021 của NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Tổ chức tín dụng cho Tổng công ty hàng không Việt Nam vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%.
"Đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng tương tự như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 02 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản", VABA đề xuất.
Đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển.
Đồng thời, cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 cả Chính phủ.